Các món đặc sản dân dã của Tây Nguyên sẽ làm xiêu lòng những tay “sành ăn” khó tính nhất. Nếu có dịp đến vùng đất này, bạn nhất định phải thử qua 5 món ăn hấp dẫn dưới đây.
Gà nướng bản đôn: Không gì tuyệt hơn việc cùng ngồi lại thưởng thức một con gà được nướng theo đúng chuẩn Tây Nguyên giữa không khí trong lành, se lạnh của vùng rừng núi hoang sơ. Những con gà nướng ở đây là loại gà thả vườn và chúng phải được bắt mổ vào đúng thời kỳ mới lớn thì thịt mới ngọt và chắc. Trước khi nướng, thịt gà được làm sạch và ép dẹp xuống cho dễ ngấm gia vị. Ảnh: mary deroux, @vothihongthao.
Thịt gà nướng bản đôn thường được ướp với nước sả, muối ớt và mật ong rừng. Gà cũng phải được giữ nguyên con và nướng xa lửa để mùi vị thấm dần đều, ám khói thơm ngây ngất. Món gà này ngon nhất khi chấm với muối sả hoặc muối ớt rừng xanh được làm theo đúng chuẩn Tây Nguyên. Ảnh: @cunsfoodie, @nhatrang.review.
Heo rẫy nướng: Heo nướng cũng là một món ăn phổ biến của người dân Tây Nguyên, đặc biệt là vào các dịp lễ hội. Heo rẫy là loại heo được người dân Tây Nguyên nuôi theo tiêu chí chăn thả tự nhiên. Loại heo này khi nướng lên có mùi thơm hấp dẫn rất đặc trưng. Ảnh: cabaret travel, @ducdedy1303.
Món heo rẫy nướng đúng chuẩn người Tây Nguyên phải có lớp da mỏng, nhưng giòn, ít mỡ. Thịt bên trong phải mềm và ngọt. Bí quyết cho hương vị đặc biệt của món ăn này còn nằm ở công thức ướp thịt gia truyền của người dân địa phương. Để thịt có màu vàng óng, người nấu phải phết một lớp nước chanh và mạch nha lên bề mặt da heo ngay trước khi nướng. Ảnh: gody, @ducdedy1303.
Cơm lam: Có thể nói, cơm lam là nét đặc trưng và là niềm tự hào của nền ẩm thực núi rừng Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Món ăn này mang trọn vẹn hương vị của sông núi như vị ngọt của gạo và mùi thơm của tre nứa, khói củi. Nguyên liệu cho món cơm lam thường là gạo nếp trộn cùng vài thành phần khác như nước cốt dừa, dừa nạo, vừng… Ảnh: @_phanthuthao, @nguyetlee.
Sau khi nén các nguyên liệu vào ống tre hay ống giang, đầu bếp sẽ bọc ống cơm bằng lá chuối, sau đó đem nướng trên lửa. Khi cơm chín, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm ngon khó cưỡng toát ra từ những ống tre cháy sạm. Mỗi ống sau đó được chặt thành 5, 7 khúc. Lúc ăn, bạn chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài và chấm cơm với muối mè. Món cơm lam đơn giản vậy thôi nhưng đã khiến biết bao thực khách phải xuýt xoa thương nhớ. Ảnh: @phuong_vo_92, @vietnamesegod.
Gỏi lá Kon Tum: Món ăn này có cái tên đặc biệt là “gỏi lá” vì thành phần có tới 40 loại lá khác nhau, mỗi lá mang một mùi vị đặc trưng của vùng rừng núi Tây Nguyên. Các loại lá này được dùng kèm với thịt ba chỉ, da heo và tôm rang. Ảnh: @thuminoz, @tintaynguyen.
Khi ăn, thực khách phải khéo léo sắp các lá thành hình phễu rồi cho nhân vào giữa, sau đó họ chấm gói lá của mình vào một loại nước sốt sền sệt được làm theo công thức đặc biệt của người Tây Nguyên. Món ăn này rất thanh mát và có sự kết hợp hài hòa giữa các mùi vị chua, mặn, ngọt, chát gây kích thích vị giác. Ảnh: @pyzamadeinpoland, @taotaoovereating.
Bò một nắng nướng: Món ăn này có thành phần là thịt bò thái mỏng ướp qua các loại gia vị, sau đó được đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên mới có cái tên là bò một nắng. Thịt sau khi phơi khô được người dân đóng gói kỹ, khi muốn ăn chỉ cần lấy ra nướng trên than hồng là có món thịt nướng thơm ngất ngây. Ảnh: @highway4vn, @minhmitmit.
Bò một nắng nướng thường được dùng với muối kiến vàng, một loại muối chấm của người dân tộc miền núi. Người làm rang chín kiến càng, sau đó giã nhuyễn với lá then len để làm loại muối đặc biệt này. Khi ăn, thực khách sẽ xé từng miếng thịt bò rồi chấm vào chén muối, dùng kèm với các loại rau rừng. Món ăn này rất thích hợp để làm quà và là một trải nghiệm ẩm thực bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến với các vùng rừng núi Tây Nguyên. Ảnh: @tiemtaphoacuaca, @tram_nguyen_ng1.
Theo Zing