Cách làm cá thính chua – món ngon nổi tiếng khó cưỡng ít người biết

Các chị em nội trợ muốn tự tay làm cá thính chua cho gia đình mình có thể tham khảo hai cách làm nổi tiếng dưới đây.

Cá thính chua – đặc sản nổi tiếng vùng miền

Cách làm cá thính chua - món ngon nổi tiếng khó cưỡng ít người biết

Cá thính, còn gọi là cá muối chua, là sản phẩm được làm từ các loại cá nước ngọt còn tươi đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, thơm, làm chín món ăn một cách tự nhiên. Cá thính thịnh hành như một trong những món ăn mặn dân dã, phổ thông,

Nguyên liệu và cách thức thực hiện không khó, nhưng để làm được hũ (chĩnh, lọ) cá thính ngon, thơm, chua dịu, miếng cá cứng nguyên dạng và “chín” đều lại khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người làm.

Trong vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) hiện nay có hộ gia đình ông Giang Nam là còn lưu giữ cách làm cá thính gia truyền với cách thức đặc biệt.

Còn ở Phú Thọ, chế biến cá thính chua được coi như một phương pháp bảo quản cá. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến ở đây – nơi có truyền thống và nhiều kinh nghiệm chế biến đặc sản cá thính chua.

Các chị em nội trợ muốn tự tay làm cá thính chua cho gia đình mình có thể tham khảo hai cách làm nổi tiếng dưới đây.

Cách làm cá thính chua Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Cách làm cá thính chua - món ngon nổi tiếng khó cưỡng ít người biết

Nguyên liệu:

– Cá nước ngọt: phải tươi nguyên, càng to càng ngon. Cá được rửa sạch, đánh vảy, bỏ lòng, cá nhỏ để nguyên con còn cá to thì cắt khúc.

– Thính: được làm từ ngô, gạo tẻ hoặc gạo nếp, đậu tương rang vàng giã nhỏ.

– Muối: được sử dụng ướp cá với tỷ lệ 10kg cá/1,5kg muối.

Cách làm:

– Cá sơ chế đem ướp muối qua một ngày đêm, lưu ý nhồi kỹ muối vào mang và bụng cá, sau đó lại rũ sạch hết muối trong cá ra, tùy mặn nhạt mà lấy cữ tay rũ muối. Một số nơi sau khi ướp muối, xếp cá vào lọ thủy tinh hoặc chum sành để 4 đến 10 ngày tùy theo thời tiết để cho cá cứng và ngấm đều muối. Sau đó lấy cá ra khỏi lọ, dùng 2 tay ép cá cho chảy hết nước muối và để cá khô se lại. Nhớt cá cùng mùi tanh đã thôi ra nước muối và độ mặn trong thịt cá còn vừa phải, không quá gắt.

– Xát thính bên ngoài cá và nhồi kỹ thính vào mang, bụng cá. Sau đó, cứ một lượt cá trong hũ lại phủ kín một lượt thính. Trên cùng phủ một lớp thính thật dày và lựa các mo cau, mo tre cắt khít miệng hũ, hoặc rơm lót dầy lên trên cùng, cài nẹp tre thật chặt.

– Làm một chậu sành đựng một lượng nước muối mặn chát, úp ngược cả hũ cá vào chậu nước muối ấy sao cho lớp mo cau làm vung trong hũ không tiếp xúc với nước.

Thỉnh thoảng phải đổ bỏ nước ở chậu thay bằng nước khác vì nước cá hoặc mùi vị cá ướp phả ra tan trong nước chậu rồi bốc mùi ngược lên hũ cá làm cho cá có mùi, mất ngon.

Nếu nghe thấy tiếng lục bục trong hũ ướp cá là dấu hiện cạn nước ở chậu, hở miệng lọ cá, phải đổ thêm nước vào.

Thường xuyên kiểm tra, nếu mo cau, mo tre hay rơm nút hũ ướt phải thay ngay mo khô, vì nước hoặc hơi ẩm của các miếng cá sẽ làm ướt nắp đậy trong lọ, để lâu sẽ làm cho các miếng cá mất mùi thơm, chua. Để gọn hũ trong góc bếp 3 đến 4 tháng là có thể gỡ cá ra chế biến món ăn.

Cách làm cá thính chua Phú Thọ

Cách làm cá thính chua - món ngon nổi tiếng khó cưỡng ít người biết

Nguyên liệu:

Nên dùng những loại cá da trắng như cá mè, cá chép, cá trôi… để chế biến cá thính chua. Chọn cá còn tươi, mới đánh bắt, chặt đầu, mổ bụng bỏ nội tạng, rửa sạch cá rồi để ráo nước. Mỗi mẻ làm 10kg cá, các nguyên liệu phụ gia khác được chuẩn bị cho mỗi mẻ 10kg gồm:

– Muối:

Dùng 1,5kg, chọn loại muối trắng, hạt nhỏ đều, khô. Chế biến cá thính chua là quá trình lên men yếm khí, không dùng nhiều muối quá, cá mặn sẽ làm quá trình lên men kém, khó chua, nhưng cũng không nên cho ít muối, cá dễ hỏng.

– Thính thơm:

Dùng 1,5kg ngô hạt, 0,5kg đỗ tương. Hai loại hạt được rang vàng thơm, sau đó nghiền mịn trộn lẫn cả hai.

– Lá ổi tươi:

Dùng từ 1 – 2 nắm to, rửa sạch, vẩy ráo nước. Nên dùng loại lá ổi non hay bánh tẻ. Nếu không có lá ổi, có thể dùng rơm nếp, vàng sạch, phơi thật khô. Lá ổi (hay rơm khô) dùng để tạo thêm mùi thơm và lót chèn cá khi tiến hành ủ chua.

Cần chuẩn bị một số vại sành nhỏ cỡ 12 – 15 lít hay 6-7 lít dùng để đựng khi muối, một số nan tre dùng để làm phên ghim chặt cá trong khi ủ.

Tiến hành ủ cá

– Muối cá:

Cá tươi sau khi bỏ đầu, mổ rửa sạch và để ráo nước, xếp vào vại sành, cứ một lớp cá rắc một lớp muối, rắc đều 1,5kg muối cho 10kg cá. Trên cùng xếp nan tre thành phên, dùng đá, gạch sạch nén ép chặt, đậy nắp cẩn thận, giữ trong 36-48 giờ, khi nước nổi lên bề mặt là vừa, vớt cá ra rổ, để ráo nước muối rồi chuẩn bị vào thính cho cá.

– Vào thính:

Nên chặt con cá thành 2-3 khúc trước khi vào thính, như vậy cá ngấm thính hơn, quá trình rắc thính sẽ đều hơn và sau này dùng cá để chế biến các món ăn sẽ tiện lợi hơn. Mỗi khúc cá để dài 7-10cm tùy chiều dài con cá. Rắc đều thính lên tất cả các khúc cá, cả bên trong và bên ngoài, sao cho sau khi rắc thính, khúc cá khô đều và thính được bám đều trên toàn khúc cá.

– Ủ chua:

Vại sành được rửa sạch, lau khô, sau đó xếp cá lần lượt vào vại, cứ một lớp cá một lớp thính. Nên dùng loại vại 6-7 lít để xếp vừa 5 kg cá (10kg xếp vào 2 vại), như thế sẽ dễ thao tác trong quá trình xếp và ủ chua cá cũng như lấy cá sau này.

Sau khi xếp hết cá và thính vào vại, lượng thính còn thừa lại rải hết lên trên mặt cá. Lấy lá ổi tươi (đã rửa sạch, để ráo nước) hay rơm nếp vàng khô rải lên trên, sau đó lấy nan tre cật đã chuẩn bị trước, cài khít để ép và ghim chặt cá xuống đáy vại, sao cho khi úp ngược miệng vại, cá không bị tụt xuống.

Tiếp theo, tiến hành lật ngược vại, úp miệng vại trên một chiếc khay đựng nước sạch sao cho cá trong vại không dính vào nước, khối cá ủ bên trong được cách ly hoàn toàn với không khí bên ngoài.

Việc giữ cho khối cá ủ không tiếp xúc với không khí bên ngoài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến chất lượng sản phẩm ủ. Nếu để khí lọt vào tiếp xúc với khối ủ, cá ủ sẽ bị kém ngon, thậm chí có thể làm hỏng sản phẩm. Trong quá trình ủ cần thường xuyên kiểm tra lượng nước ở khay và bổ sung nước khi cần thiết.

Quá trình ủ kéo dài 30-35 ngày thì có thể lấy cá ủ để sử dụng. Khi lấy cá ủ chua phải chú ý dùng một miếng vải sạch, khô lau miệng vại trước khi lật vại lên để lấy sản phẩm. Sau khi lấy cá, cần phủ lá ổi, ghim chặt cá và úp lại như cũ, như vậy quá trình sử dụng cá sẽ kéo dài mà chất lượng sản phẩm vẫn bảo đảm.

Cá thính ủ chua chất lượng tốt phải có mùi thơm đặc trưng của sản phẩm, miếng cá khô ráo, thính bám đều và có mầu vàng hấp dẫn, khi chế biến có mùi thơm dậy, thịt cá dai và có mầu hồng đều. Sau khi ủ 10kg cá tươi sẽ thu được khoảng 6kg cá thính chua. Có thể dùng cá thính chua để chế biến nhiều món ăn ngon như nướng, rán, om… Chú ý rũ bỏ thính bám trên cá trước khi chế biến, món ăn sẽ rất ngon và có mùi thơm hết sức đặc biệt.

Theo 24h

Author: