Chỉ cần một khay Sake với chiếc bình sứ, thêm vài lá phong đỏ, người thưởng thức có thể thấy cả mùa thu nước Nhật.
Không chỉ là món đồ uống cay nồng được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới khi dùng với các loại đồ ăn sống, Sake còn được nâng tầm thành một thứ văn hóa “quốc hồn quốc túy” của người Nhật Bản. Cứ đến tháng 9, khi tiết trời bắt đầu chuyển từ hạ sang thu, người dân ở nhiều vùng khắp nước Nhật, đặc biệt là những vùng như Fukushima, Aomori hay Iwate lại thu hoạch gạo để nấu Sake và ủ vào thời điểm lạnh nhất của mùa đông. Thậm chí ngày 1/10 còn được coi là “World Sake Day”, theo tương truyền đây là ngày đầu tiên Sake được tạo ra ở Nhật Bản từ cổ xưa.
Sake rất thích hợp với các đồ ăn sống như sashimi hay sushi.
Không ai biết chắc về nguồn gốc của Sake nhưng vài nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực cho rằng món đồ uống này có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập tới Nhật Bản khi người dân tại đây bước vào giai đoạn canh tác lúa nước ổn định từ khoảng những năm 300 trước Công Nguyên. Cách ủ Sake ngày trước khác hẳn ngày nay. Người Nhật thời xa xưa nhai cơm, hạt kê và hạt dẻ rồi nhổ vào một chiếc bình lớn. Trong phim hoạt hình ăn khách “Your Name” của đạo diễn Makoto Shinkai, cách làm này cũng được giới thiệu trong một trường đoạn. Sau này, khi người Nhật phát hiện ra men và enzyme nấm có thể thay thế cho nước bọt, cách ủ Sake mới đã hình thành và được cải tiến qua nhiều thế kỷ.
Nguyên liệu chính của Sake là gạo. Chất đường cần để tạo ra cồn phải được biến đổi từ tinh bột để làm Sake. Trong quy trình ủ, việc hoán chuyển từ tinh bột sang đường, và từ đường sang cồn được làm trong ba bước khác biệt, nhưng đối với Sake thì việc này phải được thực hiện liên tục. Ngày nay, Sake còn có thể được kết hợp với nhiều loại hương vị khác đến từ gừng hay các loại trái cây khô. Sake thường hợp với các món đồ sống như sashimi cá hồi, hải sản hay sushi. Một số món xuất phát từ phương Tây như Tartare (bò tái kiểu Pháp) hay các loại gỏi cá của Việt Nam cũng hợp với Sake.
Sake có thể uống nóng hoặc lạnh.
Sake là loại đồ uống đặc biệt vì có thể dùng ở nhiều dạng khác nhau, từ uống lạnh, nóng, bình thường hay thậm chí là thêm đá. Thông thường sẽ dùng nhiệt theo kiểu trái mùa, đông hâm nóng còn hạ uống lạnh, thêm đá hoặc thường. Sake nóng, hay còn gọi là Atsukan, được dùng trong các bình gốm nhỏ có tên Tokkuri và dùng loại chén nhỏ gọi là Choko. Để hâm nóng, người ta chuyển Sake sang chứa trong các chai bằng gốm, chai được ngâm trong nước nóng dần lên.
Có rất nhiều loại chén dùng để thưởng thức Sake. Khi uống theo cách trang trọng và truyền thống, người Nhật dùng một chiếc đĩa nhỏ và nông, gọi là Sakazuki hay một chiếc chén nhỏ không quai, gọi tên là Ochoko. Trang trọng hơn nữa là hộp gỗ Masu có hình vuông. Để thưởng thức loại đồ uống này đúng cách nhất, người dùng phải nhấp một ít rượu, để rượu tan trong lưỡi rồi miệng, sau đó thở lên bằng mũi thật chậm và cuối cùng là nuốt xuống để cảm nhận hết toàn bộ hương vị của Sake.
Người Nhật đã nâng tầm văn hóa Sake khắp thế giới và biến nó trở thành một món đồ uống trứ danh. Cứ đến trước ngày 1/10 hằng năm, nhiều sự kiện trên khắp thế giới diễn ra để tôn vinh Sake và cũng là để chào đón mùa thu.
Một công đoạn làm rượu Sake.
Tại Việt Nam, Sake đang ngày càng phổ biến nhưng không phải ai cũng biết sâu về nét văn hóa này của người Nhật. Một trong số ít chuyên gia về rượu Sake ở Việt Nam có chị Lê Thu Hương, vốn là chuyên gia rượu vang, được đào tạo về rượu Sake tại cố đô Kyoto từ năm 2010 và nhận bằng “Sake Master”. Chị Hương cho biết: “Theo chân văn hóa Nhật Bản đang lan tỏa trên khắp thế giới, Sake dần khẳng định vị trí không kém các món đồ uống đặc trưng của từng quốc gia nói chung hay nền ẩm thực nói riêng”. Chị Hương sẽ chia sẻ câu chuyện về cách làm Sake, về nghệ thuật thưởng thức trong chương trình Sake O’Clock ngày 7/9 ở Hà Nội.
Mùa thu hàng năm, khi thiên nhiên bắt đầu được nhuộm bởi màu vàng và đỏ từ những chiếc lá, rượu Sake trở thành một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu. Chỉ cần một khay Sake với chiếc bình sứ, điểm tô thêm vài chiếc lá phong đỏ, người thưởng thức có thể thấy như mùa thu nước Nhật ôm trọn trong hương vị nhẹ nhàng và mùi thơm của gạo lưu lại trong đầu lưỡi rất lâu.
Những dịp đặc biệt để uống Sake
– Người Nhật uống Sake trong những bữa ăn ngày thường, trong nghi lễ, lễ hội truyền thống, hay đơn giản chỉ là khi vãn cảnh thiên nhiên. Với mỗi một khung cảnh nên thơ khi uống Sake, người Nhật lại đặt tên riêng cho từng khoảnh khắc ấy.
– Khi bạn đứng dưới gốc cây hoa anh đào và thưởng thức Sake vào mùa Hanami (mùa hoa anh đào nở vào tháng 4 hàng năm) thì sẽ được gọi là Hanami Zake (花見酒). Khi bạn dùng Sakazuki (một loại chén uống Sake truyền thống) vào dịp Năm mới thì sẽ được gọi là Toso (屠蘇).
– Trữ tình hơn, khi bạn thưởng thức Sake và ngắm trăng rằm mùa thu, khoảnh khắc ấy được gọi là Tsukimi Zake (月見酒)
Nick M.
Theo: Ngôi sao