Có gì trong nồi lẩu cay nhất thế giới

Trung QuốcLẩu Trùng Khánh muốn ngon cần phải có nguyên liệu tươi, nước dùng sử dụng trà hawk và mỡ bò nguyên chất.

Có gì trong nồi lẩu cay nhất thế giới

Lẩu không đơn thuần là một món ăn mà còn là một nét văn hóa ở Trùng Khánh (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ước tính có tới 10.000 nhà hàng lẩu ở thành phố này. Trung bình, cứ đi 10 m bạn sẽ lại gặp một tiệm lẩu. Nồi lẩu ở đây chứa một lượng gia vị rất lớn, nhất là hạt tiêu và ớt, rất dễ khiến những người mới ăn lần đầu choáng váng, thậm chí là “tàn phá” hệ tiêu hóa của họ. Tuy nhiên, với những người dân Trùng Khánh, lẩu càng cay thì càng ngon. Thậm chí, nó còn được mệnh danh là món lẩu cay nhất thế giới.

Anh Qiu Sijie, quản lý cửa hàng lẩu Mei Mei hot pot, cho biết: “Để có một nồi lẩu ngon cần có 3 yếu tố: nguyên liệu, nồi 9 ngăn và nước dùng”. Nói về nguyên liệu, chủ nhà hàng và đầu bếp luôn phải đi chợ vào lúc nửa đêm mới có được thực phẩm ngon. Số lượng nhà hàng lẩu ở Trùng Khánh rất nhiều nên những khu chợ cung cấp nguyên liệu cũng nhiều không kém, nhất là nơi bán hải sản và nội tạng động vật – thành phần chính của nồi lẩu. “Khi nhà hàng đóng cửa, khu chợ mới bắt đầu mở cửa và chúng đóng cửa khi nhà hàng bắt đầu mở vào ngày hôm sau. Thời gian thường vào khoảng 21h và đóng cửa vào buổi sáng”, anh Qiu tiết lộ.

Khác với những nồi lẩu thông thường, ở vùng Tứ Xuyên này, người ta thường dùng nồi tròn chia làm 9 ngăn. Lý do chính là yếu tố vệ sinh. Nếu trong bàn ăn có những người lạ, bạn chỉ muốn ăn riêng ở phần nồi của mình và không muốn chung với ai thì đây là giải pháp rất thích hợp. Ngoài ra, theo anh Qiu, nồi ngăn giúp nấu lẩu được ngon hơn.

Có gì trong nồi lẩu cay nhất thế giới

Nồi lẩu 9 ngăn đặc trưng của Trùng Khánh.

“Mỗi nguyên liệu có nhiệt độ chín khác nhau. Chúng tôi thường dùng ô ở chính giữa để nhúng sách bò, dạ dày vì nhiệt độ ở đó cao nhất. Bạn nhất định phải gọi 3 món là sách bò, ruột ngỗng và thịt lợn. Món lẩu Trùng Khánh xưa kia do những người ngư dân phát minh ra. Họ rất nghèo, chỉ đủ tiền mua những nguyên liệu thừa này. Nhưng sau khi đem về chế biến, nồi lẩu lại ngon hơn nhiều. Quây quần quanh nồi lẩu là phương án vừa hợp túi tiền, vừa đầm ấm, hợp lý để ăn cùng bạn bè và mở rộng quan hệ trong làm ăn”, anh chia sẻ.

Điểm đặc biệt nhất của lẩu Trùng Khánh chính là nồi nước dùng cay “chảy nước mắt”. Chúng được làm từ ớt khô, dầu ớt và rất nhiều hạt tiêu. Để trung hòa vị cay, người ta cho thêm một loại trà đặc biệt mang tên hawk tea. Lượng trà được gia giảm tùy theo khẩu vị và được dùng để chế thêm mỗi khi nồi lẩu vơi nước. Chúng có tác dụng giảm vị cay và làm mát cơ thể. Ngoài ra, dầu vừng được dùng để pha chế nước chấm, cũng có tác dụng pha loãng vị cay của nồi lẩu.

Lẩu Trung Quốc có lịch sử hơn 3.000 năm, mỗi thành phố, mỗi vùng lại có cách chế biến khác nhau nhưng chỉ ở Trùng Khánh người ta mới sử dụng mỡ bò nguyên chất. Không có mỡ bò, nồi lẩu Trùng Khánh giống như mất đi linh hồn vậy. “Lẩu không đơn thuần là văn hóa mà ghi dấu ấn trong cuộc sống của chúng tôi. Khi vui, chúng tôi ăn lẩu để lan tỏa niềm vui. Còn khi buồn, ăn lẩu giúp xoa dịu tâm hồn”, Qiu Sijie nói.

Nguyên Chi (Theo Goldthread)

Nguồn: Ngôi sao

Author:

Gửi phản hồi