Để có được món hồng treo gió thơm ngon như ý thì chị em chỉ cần tỉ mỉ và đầu tư một chút thời gian là được.
Sống cùng chồng và con ở Perth, Tây Úc, trong một điền viên nhỏ, xung quanh có rất nhiều trang trại hoa quả vì thế, mùa nào trái nấy, cứ cuối tuần, chị Hoàng Anh Tú cùng gia đình thường đi hái hồng, táo, cam, đào, mận và các loại trái cây về chế biến ăn dần.
Hồng treo gió và táo treo gió là những món ăn mà chị Anh Tú yêu thích chế biến nhất. Chị còn lập ra kênh youtube cá nhân để lưu giữ những khoảnh khắc dạy con gái thu hoạch và chế biến các món ăn trong vườn. Đó cũng là lí do chị hay chọn làm những món ăn khá công phu và tỉ mỉ. Nguyên liệu hầu hết từ vườn nhà và các nông trại xung quanh nên rất dễ tìm kiếm.
Chị Tú đang sống tại Úc cùng chồng con
Hiện tại, ở Việt Nam đang vào tiết thu, hồng treo gió là món ăn đang được chị em nội trợ yêu thích và săn tìm công thức. Đây vốn là món có nguồn gốc từ Nhật, khi treo, hồng được phơi nắng, gió, héo lại, thành loại mứt ngọt dẻo, vô cùng hấp dẫn.
Chị Anh Tú cho biết, ở Úc, hồng chỉ có trong mùa lạnh nên đã làm hồng treo gió ăn dần. Cách làm hồng treo gió không khó, chỉ có chút hơi kỳ công và tỉ mỉ. Chị em có thể tham khảo công thức dưới đây của chị Tú để làm cho cả nhà thưởng thức hoặc đem biếu bạn bè, người thân nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu:
– Hồng tươi
– Dây buộc
– Rượu trắng
Cách chọn hồng để treo:
– Loại hồng dùng để treo là loại hồng cứng, quả to vừa và mới hái từ cây còn tươi nguyên cuống, cuống còn xanh (cuống xanh để đảm bảo việc phơi hồng, dù hồng đã héo vẫn không bị rụng cuống)
– Hồng mới hái không bầm dập, không mềm.
– Trái không quá nhỏ để khi treo, chất ngọt trong hồng tiết ra, có vị thơm ngon đặc trưng.
Cách làm hồng treo gió:
Bước 1: Sơ chế hồng
– Gọt vỏ hồng, không nên gọt quá dày. Lưu ý chừa lại phần cuống để lúc sau còn buộc dây.
Bước 2: Khử trùng bằng rượu
– Hồng sau khi gọt đem nhúng vào rượu trắng từ 1-2 phút. Khâu này để đề phòng vi khuẩn và nấm mốc với không khí có độ ẩm cao như ở Việt Nam. Sau khi ngâm xong, để hồng ráo.
(Còn ở Úc, nơi chị Tú sinh sống, do nắng ráo thường xuyên và không khí trong lành nên có thể thay thế rượu bằng nước nóng).
Bước 3: Treo hồng
– Sau khi hồng được để ráo, lấy sợi len hoặc chỉ dày, buộc chặt vào tai hồng và cuống hồng. Lưu ý, một sợi buộc tầm 3- 5 quả hồng là vừa đủ.
– Treo hồng ở nơi thoáng gió không cần có nắng to. Tầm 1 tuần khi lớp vỏ bên ngoài bắt đầu khô thì massage cho hồng bằng việc xoa bóp nhẹ xung quanh trái hồng. Việc này sẽ giúp bên trong hồng tiết chất mật ngọt và đều. Lưu ý, với thời tiết như ở Việt Nam, chị em nên ban ngày đem hồng ra phơi nắng, gió, nếu có màn phủ để tránh ruồi và bụi bẩn là tốt nhất, sau đó tối lại cất vào trong nhà, bật quạt nhẹ nhàng để sấy.
– Cứ như vậy, khoảng 2-3 tuần, khi hồng bắt đầu phủ lớp phấn trắng khô bên ngoài là có thể thu hoạch thành quả, cất vào lọ khô ráo thưởng thức dần.
Lưu ý cơ bản khi làm hồng treo gió:
Làm hồng treo gió khó nhất là việc canh thời tiết và phát hiện nấm mốc. Không khí ẩm sẽ rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng hồng và phát sinh nấm mốc. Vì vậy, nên canh chừng dự báo thời tiết để treo hồng. Hồng nên treo vào ngày nắng ráo. Khi mưa, cần đưa vào nhà treo ở nơi thoáng mát. Nếu có trái nào bị nấm mốc thì lập tức bỏ để tránh lây lan sang trái khác. Hồng hong gió treo khô có thể bảo quản trong thời gian 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh.
Chúc các bạn thành công!
Theo Minh Ngọc (Khám phá)
Nguồn: Eva