Tuần tới nghỉ lễ dài ngày, bạn có thể kỳ công làm bánh khúc, một nồi canh Tom yum hay bún ngao dọc mùng là lạ… và các món tráng miệng để khiến ngày nghỉ thêm màu sắc nhé.
Thứ 2: Chả cá kiểu Thái
Từng miếng chả cá dai, thịt cá ngọt quyện lẫn với vị thơm của lá chanh, mùi tàu và đậu, được chấm kèm với tương ớt chua ngọt, cay cay rất thú vị.
Nguyên liệu:
– 600 g cá phi lê, có thể dùng cá rô phi, hay cá thát lát
– 3 – 4 lá chanh Thái hay lá chanh thường
– 3 – 4 quả đậu đũa hay đậu cove, bạn nên chọn đậu còn non, để không ăn lẫn phần hột già của quả đậu
– 4 – 5 cọng mùi tàu, hay còn gọi là ngò rí, chỉ lấy phần thân cứng, gần rễ, không dùng phần lá
– Muối, nước mắm, hạt nêm, bột năng hay bột ngô, dầu ăn, hạt tiêu
– Chấm kèm với tương ớt chua ngọt của Thái (bạn có thể mua tại các siêu thị), lạc rang chín, giã thô.
Cách làm:
Bước 1:
– Cá phi lê, rửa sạch, để thật ráo, ướp vào cá một thìa nhỏ muối, để khoảng 15 phút trước khi chế biến.
Bước 2:
– Mùi tàu rửa sạch, cắt bỏ rễ, thái nhỏ.
– Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ.
– Đậu đũa hay đậu côve tước bỏ phần xơ, rửa sạch, thái nhỏ sau đó băm nhuyễn.
Bước 3:
– Dùng dao bén băm nhuyễn cá hay dùng máy xay thịt, xay cá thật mịn, trộn lá chanh, ngò rí, đậu đũa vào âu cá. Thêm vào khoảng hai thìa canh bột năng hay bột ngô, hai thìa canh dầu ăn, một thìa canh nước mắm, nửa thìa nhỏ hạt nêm, một ít hạt tiêu, dùng thìa lớn quết nhuyễn để phần chả cá được dai.
– Dùng màng thực phẩm bọc kín âu cá, cho vào tủ đông đá khoảng 30 phút.
Bước 4:
– Phần chả cá sau 30 phút, tay thoa một ít dầu ăn, dùng thìa múc một ít hỗn hợp chả cá cho vào tay, ấn dẹp ra, làm cho hết phần chả cá.
Bước 5:
– Đun nóng nồi nhỏ, cho dầu ăn vào, thả từng lát chả cá vào rán, rán lửa vừa để bề mặt bên ngoài lát chả cá vừa vàng thì phần bên trong chả cá cũng vừa chín.
Bước 6:
– Chả cá sau khi chín, gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn.
– Tương ớt chua ngọt múc ra bát, bên trên rắc một ít lạc rang chín, chấm kèm với chả cá, dùng làm món mặn ăn với cơm.
Thứ 3: Giản dị thịt ba chỉ kho xơ mít
Món kho đậm đà với phần thịt ba chỉ thấm và thỉnh thoảng ăn lẫn xơ mít thơm thơm, lạ lạ, mời bạn vào bếp trổ tài đãi cả nhà món ăn dân dã của người miền Trung!
Nguyên liệu:
– 300g thịt ba chỉ
– Xơ mít, bạn có thể tăng giảm lượng xơ mít theo sở thích của bạn
– Muối, đường, hành khô, hạt tiêu, nước mắm, tỏi, màu dầu điều, ớt quả
– 1 thìa nhỏ nước hàng kho thịt (hay còn gọi là nước đường kho thịt).
Cách làm:
Bước 1:
– Xơ mít bỏ phần vỏ cứng, tách sợi.
Bước 2:
– Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt lát nhỏ vừa ăn, ướp vào bát thịt nửa thìa nhỏ muối, hai thìa nhỏ nước mắm, hai thìa nhỏ đường, một ít hạt tiêu, ướp từ 2 đến 3 tiếng để thịt được thấm.
Bước 3:
– Đun nóng một ít màu dầu điều, phi hành, tỏi thơm, cho thịt ba chỉ vào đảo cho săn lại, đảo khoảng 5 – 8 phút.
Bước 4:
– Cho xơ mít vào đun cùng, đảo đều tay, rưới vào một ít nước mắm.
Bước 5:
– Cho tiếp ớt quả, nước hàng vào nồi thịt, đậy kín nắp nồi, bạn không cần châm thêm nước vì khi bạn đun thì phần đường khi ướp thịt sẽ ra nước và đun lửa nhỏ để thịt thấm gia vị.
Bước 6:
– Đun khoảng 10 đến 15 phút, bạn tiếp tục mở nắp nồi ra và đun đến khi phần nước kho thịt cạn bớt nước.
Bước 7:
– Trong quá trình đun bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn đến khi ăn thử phần thịt vừa ý thì tắt bếp, thêm hành lá thái nhỏ vào, múc thịt ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.
Thứ 4: Dưa cải chua trộn bắp bò
Đây là một món ăn khá phổ biến của người miền Trung. Dưa cải giòn có vị chua, cay của ớt quả và gừng, thịt bắp bò mềm, thỉnh thoảng ăn lẫn phần gân bò giòn rất thú vị.
Nguyên liệu:
– 400 g thịt bắp bò
– 200 g dưa cải chua, chỉ lấy phần cọng, không lấy phần lá
– Gừng, ớt quả, đường, hạt nêm.
Cách làm:
Bước 1:
– Dưa cải chua bỏ phần lá, lấy phần cọng, rửa qua nhiều lần nước cho bớt mặn và chua, dùng tay vắt ráo nước.
Bước 2:
– Gừng, ớt quả giã mịn, trộn với một thìa canh đường.
Bước 3:
– Trộn dưa cải chua thật đều với phần gia vị gừng ớt đường, vì phần dưa cải chua đã mặn và có vị chua nên bạn chỉ cần thêm đường.
Bước 4:
– Bắp bò thái lát mỏng vừa ăn, luộc chín mềm.
Bước 5:
– Cho bắp bò, nửa thìa nhỏ hạt nêm vào bát dưa, trộn đều, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm cho vào tủ lạnh để khoảng từ 2 – 4 tiếng cho gia vị được thấm, lấy ra dùng kèm với cơm hay dùng làm món nhắm.
Thứ 5: Canh tom yum
Nếu đã một lần thưởng thức món canh của Thái này bạn sẽ ‘nghiện đứ đừ’ ngay.
Nguyên liệu:
– Tôm sú: 10 con hoặc nhiều hơn, tuỳ theo số lượng người ăn.
– Xương ống: 500g
– Nấm rơm: 100g, cho thêm nấm kim châm nếu thích.
– 1 củ sả, riềng, hành khô, lá chanh (nếu có lá chanh Thái càng tốt), hành lá, mùi, sa tế, ớt, nửa quả chanh tươi và một quả cà chua.
– Nước cốt dừa (không bắt buộc).
Cách làm:
– Xương ống chần qua nước sôi rồi ninh nhừ bằng nồi áp suất, gạn lấy nước trong. Có thể ninh xương sẵn rồi chia thành những phần nhỏ để ngăn đá dùng dần để nấu đồ ăn sáng hoặc khi chế biến món ăn cần đến nước dùng là có ngay.
– Tôm rửa sạch bóc vỏ và phần đầu, để lại phần vỏ đốt cuối cùng cho đẹp. Dùng dao khía lưng tôm hơi sâu một chút, rút bỏ chỉ đen ở sống lưng. Phần đầu cho vào máy xay lọc lấy nước để cho vào nước dùng sẽ thơm và ngọt hơn. Tuy nhiên bạn có thể bỏ qua bước này nhé.
– Sả rửa sạch cắt đôi đập dập, riềng gọt vỏ thái lát mỏng, lá chanh rửa sạch, hành khô thái lát băm nhỏ, cà chua bổ miếng cau.
– Nấm rơm ngâm nước muối một lúc rồi gọt bỏ phần gốc bổ làm đôi.
– Cho dầu ăn vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho cà chua vào xào tái, tiếp tục cho tôm vào xào chín tới.
– Chế nước dùng vào nồi cùng với riềng, sả và hành khô, nêm gia vị vào đun sôi rồi cho tôm và cà chua vào. Khi nước sôi lại tiếp tục cho nấm và lá chanh vào, nấu vừa chín tới, nếu đun kỹ quá tôm sẽ bị bở không còn vị ngọt nữa. Cho sa tế/ớt, nước cốt dừa và nước cốt chanh vào đun sôi rắc hành mùi, bắc xuống. Món này ăn nóng với cơm/bún hoặc mỳ chũ chần cũng ngon.
Tôm bóc vỏ, giữ lại phần đuôi cho đẹp mắt, rút chỉ đen trên lưng tôm.
Giềng, sả và lá chanh là những nguyên liệu không thể thiếu.
Nồi canh thơm mùi rất đặc trưng, ăn một lần sẽ khó thể quên.
Khi ăn múc ra bát, rắc thêm lá hành, mùi.
Thạch dưa hấu mát lạnh bắt mắt
Cầu kỳ một chút trong ngày nghỉ lễ.
Nguyên liệu:
– 1 quả dưa hấu
– 4 ly vodka
– 1 gói bột rau câu (gelatin)
– Bột màu Jello dưa hấu
– Đường, nước lọc.
Cách làm:
Bước 1
– Dưa hấu mua về dùng dao sắc bổ làm đôi theo chiều dọc như hình.
Bước 2
– Lấy thìa nạo sạch phần ruột dưa hấu để ra một cái bát.
Bước 3
– Cho phần ruột dưa hấu vào máy xay ép lấy nước (nhớ tách bỏ hột trước khi ép).
Bước 4
– Trộn đường, bột rau câu và bột Jello vào một cái chậu.
Bước 5
– Đổ nước, nước ép dưa hấu vào hỗn hợp bột trên rồi đánh tan (bằng máy đánh trứng) trong vòng 2 phút.
Bước 6
– Đổ hỗn hợp ở bước 5 vào hai nửa quả dưa.
– Tránh đổ đầy kẻo nước thạch bị sánh ra ngoài
Bước 7
– Cẩn thận đặt chúng vào tủ lạnh và để khoảng 4 tiếng cho thạch đông lại.
Bước 8
– Sau 4 tiếng lấy thạch ra khỏi tủ lạnh.
Bước 9
– Lấy dao sắc cắt miếng vừa ăn như hình.
Bước 10
– Bày ra đĩa
Thứ 6: Bún nghêu dọc mùng
Bát bún với vị ngọt từ nước dùng của nghêu, từng sợi bún nuột mềm.
Nguyên liệu:
– 1 kg nghêu
– 3 – 4 quả cà chua
– Dọc mùng
– Ít me chua hoặc giấm bỗng
– Thì là
– Muối, gừng, hạt nêm
– Bún, rau ăn kèm xà lách xoăn, rau thơm, rau răm và hành lá
– Hành khô.
Cách làm:
Bước 1:
– Nghêu rửa sạch vỏ bên ngoài, ngâm nghêu vào âu nước lạnh, ngâm khoảng 30 phút. Sau đó rửa lại cho thật sạch.
– Tiếp theo cho nghêu, gừng vào nồi, đổ nước lạnh ngập mặt nghêu đun sôi đến khi nghêu mở hé miệng, tắt bếp.
Bước 2:
– Để nguội tách lấy thịt nghêu, bỏ vỏ, lọc lại nước luộc nghêu cho sạch cát.
Bước 3:
– Dọc mùng rửa sạch, tước bỏ vỏ xơ bên ngoài, thái lát xéo.
Bước 4:
– Rau răm, rau thơm, xà lách xoăn, thì là, hành lá rửa sạch.
Bước 5:
– Me khô múc ra bát, thêm vào một ít nước sôi, chần cho me tan, lọc lấy nước cốt me bỏ hột.
Bước 6:
– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
– Hành khô tước bỏ vỏ khô, thái nhỏ, một phần hành phi thơm, một phần hành dùng để xào.
Bước 7:
– Đun nóng ba thìa nhỏ dầu điều, phi hành khô thơm, cho nghêu vào xào nhanh tay lửa lớn, thêm vào một thìa nhỏ muối, đảo đều, tắt bếp.
Bước 8:
– Dùng lại chảo đó, cho cà chua vào đảo đều khoảng 3 phút, thêm nước luộc nghêu vào nồi, nước cốt me vào đun sôi, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 9:
– Dọc mùng chần sơ qua nước sôi, vớt dọc mùng ra âu có để vài viên đá lạnh.
Bước 10:
– Đổ nước luộc nghêu vào nồi cà chua xào, đổ nghêu vào, nêm gia vị vừa ăn.
– Khi dùng, xếp bún vào tô, thêm một ít thịt nghêu, chan nước dùng và vài lát cà chua lên bề mặt bún, thêm ít dọc mùng, hành khô phi thơm, thêm hành lá, thì là đã thái nhỏ lên bề mặt, dùng kèm với các loại rau thơm.
Panna cotta dứa thơm ngậy
Nguyên liệu:
– 400 ml sữa tươi
– 400 ml kem sữa béo (hoặc thay bằng 250ml kem sữa béo + 200ml sữa chua tự nhiên). Việc sử dụng thêm sữa chua sẽ làm Panna cotta của bạn bớt béo một chút, có vị hơi chua nhẹ.
– Đường (liều lượng tùy khẩu vị)
– Vài giọt vani
– 4 lá gelatine
– Dứa (hoặc hoa quả có vị chua) để ăn kèm cho đỡ ngấy
Cách làm:
– Cho sữa tươi, kem, sữa chua, đường vào một nồi nhỏ, đun lửa nhỏ trên bếp, khoắng đều cho đường tan. Chú ý không đun lâu, tuyệt đối không để sôi, sẽ khiến hỗn hợp bị tách nước.
– Cho vani vào hỗn hợp sữa lên trên.
– Ngâm gelatine trong bát nước hơi ấm để làm mềm.
– Vớt gelatine ra, cho vào hỗn hợp sữa, khoắng cho tan hết.
– Đổ vào khuôn.
– Để nguội rồi cho vào tủ lạnh, làm lạnh khoảng 3-4 tiếng là có thể ăn được.
– Khi ăn kèm với dứa, hoa quả…
Thứ 7: Tự nấu bánh khúc tại nhà
Những viên bánh khúc tròn nhỏ, nóng hổi, thứ quà sáng mộc mạc với đầy đủ hương thơm đặc trưng của món ngon Hà Nội.
Nguyên liệu: làm được 8-10 viên bánh khúc như trong hình.
– 100 g đỗ xanh đã sát vỏ
– 200 g thịt ba chỉ hay thịt nạc băm
– 200 g gạo nếp
– 1 mớ rau khúc hoặc có thể dùng rau bó xôi, hoặc cải cúc (rau tần ô)
– 200 g bột gạo nếp
– Muối, hành khô, hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm
– Ruốc thịt, hành phi ăn kèm.
Cách làm:
Bước 1:
– Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước ấm có pha một ít muối, ngâm khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ.
– Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, hấp chín, để nguội.
– Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo nếp qua đêm.
Bước 2:
– Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, cắt thịt ba chỉ thành từng miếng nhỏ. Ướp vào âu thịt ba chỉ hạt tiêu đập dập, hành khô thái nhỏ, một thìa canh nước mắm, nửa thìa nhỏ hạt nêm, trộn đều, ướp khoảng 30 phút.
– Tiếp theo đun nóng một ít dầu ăn, phi hành, tỏi thơm, cho thịt ba chỉ vào xào chín, đổ ra bát để riêng.
Bước 3:
– Đỗ xanh sau khi hấp, cho vào cối giã thô hoặc giã mịn, trộn đỗ xanh vào bát thịt và vo thành từng viên tròn, nắm chặt tay. Bạn có thể thử thịt bằng cách cho một ít hỗn hợp thịt vào lò vi sóng, nấu khoảng 1 phút, nếu nhạt bạn có thể thêm gia vị muối, nước mắm, nếu mặn bạn thêm vào một ít đường.
Bước 4:
– Rau khúc hoặc cải cúc rửa sạch, để ráo, cho vào nồi luộc chín, giữ lấy phần nước luộc rau và và bã rau (nếu muốn).
Bước 5:
– Bột gạo nếp đổ ra âu sạch, thêm vào nửa thìa nhỏ muối, châm từ từ nước luộc rau khi còn ấm, bạn có thể trộn vào bước này phần bã rau sau khi luộc ở bước 4, vừa châm vừa dùng muôi trộn đều, đến khi hỗn hợp thành khối đồng nhất thì dừng. Tùy theo độ hút nước khác nhau của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh liều lượng nước cho phù hợp.
Bước 6:
– Dùng tay nhồi hỗn hợp bột gạo nếp đến khi mịn, dẻo, ấn nhẹ vào không dính tay thì dùng màng thực phẩm ủ khoảng 30 phút để bột được nở.
Bước 7:
– Tay đeo bao tay nylon sạch, ngắt bột gạo nếp thành những viên tròn, ấn dẹp ra.
Bước 8:
– Cho viên đỗ xanh đã bọc với thịt ở bước 3 vào giữa viên bột, vo tròn lại, làm cho hết phần nhân và phần bột.
Bước 9:
– Gạo nếp sau khi ngâm, đổ ra rổ cho ráo nước. Trộn vào gạo nếp nửa thìa nhỏ muối, xóc đều lên.
Bước 10:
– Nồi hấp bạn lót một lớp lá chuối, phết một ít dầu ăn và rải trên bề mặt lá chuối một lớp gạo nếp ở bước 9.
Bước 11:
– Xếp những viên bột đã bọc thịt và đỗ xanh ở bước 8 vào, bạn nhớ để dành khoảng cách để những viên bột không bị dính chùm.
– Tiếp theo rải tiếp một lớp gạo nếp lên bề mặt những viên bột, bắc nồi lên bếp, hấp chín, hấp khoảng từ 40 đến 45 phút, thỉnh thoảng khi hấp bạn nhớ lau nước đọng dưới thành nắp.
Bước 12:
– Xôi chín, lấy ra dùng nóng, bên trên rắc một ít ruốc thịt, hành phi.
Sữa chua nếp cẩm
Mời bạn thử tự làm loại đồ ăn giải nhiệt được ưa thích trong mùa hè của rất nhiều người.
Nguyên liệu:
– 2 bát con nếp than
– 4 đến 5 viên men, mỗi viên có trọng lượng 1,5g
– 2 thìa nhỏ muối
– Sữa chua (định lượng tùy ý).
Cách làm:
– Nếp đãi sạch, ngâm nếp vào thố nước lạnh có hòa lẫn một thìa nhỏ muối. Ngâm nếp 2 ngày, mỗi ngày thay nước để không bị chua.
– Men cho vào túi ni lon sạch, dùng cối cán mịn.
– Đổ nếp ra rổ cho ráo nước, cho vào chõ hấp xôi, đồ nếp chín, ăn thử thấy hạt nếp chín bên trong, và giòn rôm rốp bên ngoài thì xới đều lên, để nguội.
– Tiếp tục đồ xôi đến khi thật chín mềm. Mục đích đồ hai lần để hạt nếp bên trong chín nục, mà hạt nếp bên ngoài vẫn không bị vỡ.
– Pha nửa bát con nước lạnh với một thìa nhỏ muối, pha hơi mặn mặn để nước cơm rượu ra càng ngọt.
– Xôi sau khi chín, đổ ra mâm, dùng tay rải đều một lớp mỏng.
– Xôi để hơi ấm, tầm chừng 30 độ, nếu nóng quá men sẽ chết.
– Rảy đều men lên bề mặt xôi, rồi rảy nước muối pha, để phần xôi mềm cho men phát triển.
– Dùng một nồi sứ hay thủy tinh sạch, không dùng thố sắt hay kim loại, lót một lớp lá chuối lên trên, đục thủng ở giữa lá chuối, rồi rãi cơm nếp cẩm lên, gói kín lá chuối, đậy kín nắp.
– Để nơi kín, hoặc để gần bếp, từ 3 đến 4 ngày cơm nếp sẽ tự dậy mùi và ra nước. (Nếu không ủ bằng lá chuối, bạn có thể rải xôi đều ở thố thủy tinh sạch, dùng khăn xô sạch, ủ kín, để vào lò nướng hoặc gần bếp).
– Nếu muốn giữ cơm rượu không chín thêm thành rượu thì sang ngày thứ 4 bỏ vào trong lọ thủy tinh hay bỏ cả thố vào tủ lạnh.
– Lúc ăn múc ít cơm rượu vào cốc, thêm sữa chua. Trộn đều lên.
Nếp cẩm và men.
Đãi sạch nếp cẩm.
Đồ nếp cẩm.
Rắc đều men lên trên bề mặt nếp.
Cho nếp cẩm vào lá chuối, bọc trong lọ sứ hoặc thủy tinh.
Chủ nhật: Mỳ spaghetti sốt cà chua và thịt bò viên
Thay vì chuẩn bị bữa cơm với nhiều món ăn khác nhau bạn có thể đổi bữa cho gia đình bằng món mỳ rất dễ làm và thơm ngon dưới đây.
Nguyên liệu:
– Mỳ spaghetti: 1 gói khoảng 250 g
– Thịt bò xay: 350 g
– Cà chua lớn: 3 quả chín
– Cà chua bi: 5 quả
– Bơ: 1 thìa nhỏ
– Dầu ăn, gia vị, hành tỏi ngò, bột nêm
– Hỗn hợp thảo mộc của Italy (tùy thích)
Cách làm:
– Luộc mỳ: cho nước vào nồi đun sôi rồi thả vắt mỳ vào luộc từ 7 đến 10 phút, bấm tay thấy sợi mỳ mềm là được. Cho thêm một chút dầu ăn, muối trộn đều để sợi mỳ đậm đà và không bị dính.
– Vớt mỳ ra, để ráo, trộn mì với bơ. Cho mỳ ra đĩa rộng.
– Làm nước sốt: cà chua thái nhỏ, thịt bò ướp chút gia vị hành, tỏi bột nêm rồi nắm thành những viên tròn để riêng.
– Phi thơm hành, cho cà chua vào xào nhuyễn, nêm chút xì dầu, bột nêm cho vừa miệng. Khi cà chua đã nhừ, cho thịt vào đun khoảng 5 phút cho sốt sền sệt là được. Trước khi tắt bếp cho cà chua bi vào đảo đều.
– Khi ăn cho mỳ trộn đều với sốt thịt cà chua, rắc thêm ngò, hỗn hợp thảo mộc tùy thích.
Lưu ý: Có thể thay thịt bò bằng thịt heo, hay xúc xích đều được.
Chè bột lọc hai màu
Bát chè với hai màu tím, trắng đẹp mắt, cắn nhẹ viên bột dai quyện lẫn với lạc bùi bùi và thoang thoảng mùi thơm của gừng.
Nguyên liệu:
– Phần chè bột lọc khoai lang tím: 1 củ khoai lang tím tầm 300g, 1 bát con bột lọc hoặc bột năng, 120ml nước sôi nóng già
– Phần chè bột lọc màu trắng: 1/2 bát con bột lọc hoặc bột năng, 60ml nước nóng già
– 1 nhánh gừng nhỏ
-1 bát con lạc luộc
– Đường cát trắng.
Cách làm:
Bước 1:
– Lạc luộc chín, bóc bỏ vỏ cứng bên ngoài. Nếu dùng lạc khô bạn phải ngâm lạc qua đêm sau đó mới luộc lạc đến khi chín, mềm.
Bước 2:
– Khoai lang tím luộc chín, bóc bỏ vỏ, dùng thìa nghiền mịn.
Bước 3:
– Trộn khoai lang, bột lọc vào âu sạch, châm từ từ nước sôi nóng già.
– Vừa châm vừa dùng muôi trộn đều, hỗn hợp bột lúc này sẽ rời rạc và hơi nóng tay, bạn tiếp tục dùng muôi trộn đến khi bột nguội thì dùng tay nhồi thành một khối dẻo, mịn.
Bước 4:
– Đối với bột lọc hay bột năng, khi châm nước bạn chỉ dùng nước sôi nóng già, để hỗn hợp bột nửa sống, nửa chín đến khi nhồi thành khối mịn, không dùng nước lạnh vì hỗn hợp bột lọc sẽ rời rạc, không dính nếu bạn dùng nước lạnh.
Bước 5:
– Dùng tay sạch ngắt bột thành những viên nhỏ đủ để bọc viên lạc vào giữa, ấn dẹp ra, cho viên lạc vào giữa, vo tròn lại cho kín, làm cho hết phần bột.
Bước 6:
– Đối với phần bột lọc màu trắng bạn cũng làm tương tự như phần chè bột lọc khoai lang tím.
Bước 7:
– Đun nóng nồi nước, cho những viên chè vào nồi, luộc chín đến khi nổi trong thì vớt ra xả lại dưới vòi nước để không bị dính chùm.
Bước 8:
– Gừng cạo vỏ, thái sợi. Cho gừng vào nồi, thêm 1/4 bát con đường cát trắng, và nước lọc, đun cho tan đường, nêm hơi ngọt.
Bước 9:
– Cho tiếp phần bột ở bước 7 vào nồi chè, đun lửa nhỏ để chè thấm đường và gừng, nêm lại độ ngọt vừa ý, đun từ 15 đến 20 phút thì tắt bếp.
Bước 10:
– Múc chè ra bát, dùng nóng.
Hạt Tiêu
Nguồn: Ngôi sao