Có lẽ từ bây giờ, chị em nào thèm bánh cuốn sẽ không còn mất nhiều thời gian để làm nữa rồi.
Vài tháng gần đây, nhiều chị em chia sẻ cách làm bánh cuốn từ bánh tráng khô (bánh đa nem) khiến những hội nhóm nấu ăn trên facebook xôn xao. Là một bà mẹ luôn cập nhật các món ăn mới, chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) cũng không bỏ qua “hot trend” này.
Chị Tô Hưng Giang
Chị Hưng Giang chia sẻ, bản thân chị thấy cách làm bánh cuốn từ bánh tráng khô rất tiện lợi, nhanh gọn, phù hợp với những gia đình không có nhiều thời gian nấu nướng. Đặc biệt là khi ăn món này, chị thấy vị cũng tương đối giống bánh cuốn truyền thống làm từ bột gạo thông thường.
Bánh cuốn làm từ bánh tráng khô của chị Tô Hưng Giang
Theo bà mẹ đảm đang, để hương vị bánh ngon và hấp dẫn, cần phải chọn loại bánh tráng phù hợp. Ngoài ra, khi làm chị có tỉ lệ phần nhân cũng như pha nước chấm khác với các chị em khác.
Dưới đây là cách làm bánh cuốn từ bánh tráng khô của bà mẹ xinh đẹp Hưng Giang, chị em tham khảo nhé:
Cách làm bánh cuốn từ bánh tráng khô
Nguyên liệu
Phần nhân bánh:
– Thịt lợn xay: 200gr
– Mộc nhĩ khô: 30gr
– Hành tây: 1/4 củ
– Hành tím: 2 củ
– Hành lá: 3 nhánh
– Gia vị: bột nêm, nước mắm, hạt tiêu.
Phần vỏ bánh:
– 1 gói bánh tráng loại 3 cây tre hoặc bánh tráng Việt Nam, loại chúng ta hay dùng để cuốn gỏi cuốn, miền bắc hay gọi là vỏ bánh đa nem (hai loại này là làm bánh dai không bị mủn).
– Một bát nước hơi âm ấm to, cho vào đó 1 thìa canh ăn phở dầu ăn (nhớ dùng nước đã đun sôi để hơi âm ấm)
Phần nước chấm:
– Nước trắng: 12 thìa canh ăn phở nước đun sôi để nguội
– Đường: 4 thìa canh ăn phở (muốn giảm ngọt thì giảm 1 thìa canh đường)
– Nước mắm: 4 thìa canh ăn phở
– Nước cốt chanh hoặc giấm: 4 thìa canh
– Tỏi, ớt băm nhỏ, hạt tiêu… cho theo sở thích.
Đồ ăn kèm: hành khô phi, rau mùi ta, giò chả…
Chuẩn bị dụng cụ làm: nồi hấp, khay to sạch để cuốn bánh, găng tay…
Cách làm:
Bước 1: Phần nhân
– Thịt xay mua sẵn hoặc tự xay phần thịt nạc vai.
– Mộc nhĩ ngâm nở, cắt chân, rửa sạch băm nhỏ. Hành tây băm nhỏ. Hành tím băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ.
– Phi thơm hành tím băm nhỏ, cho thịt vào xào săn, tiếp đến là mộc nhĩ, hành tây, thêm vào chút bột nêm, nước mắm, nêm cho vừa miệng, xào cho chín, cuối cùng cho hành lá và hạt tiêu, đảo đều bắc ra.
Bước 2: Phần vỏ bánh
– Cho dầu ăn vào bát nước to theo tỉ lệ ghi trên phần nguyên liệu.
– Thả lần lượt từng cái bánh tráng vào bát nước. Lưu ý, tránh thả một lúc cả tập làm bánh dính vào nhau khó lấy ra. Mỗi lần nên thả 3 cái một cho dễ lấy ra và không bị mềm quá.
– Thả bánh vào đến khi thấy bánh mềm ra, hơi ngả sang đục thì đi bao tay, nhẹ nhàng vớt ra. Lưu ý, thời gian ngâm khoảng 1-2 phút là bánh đạt mềm, để lâu quá làm bánh nhũn dễ rách.
Bước 3: Cuốn và hấp bánh
– Trải vỏ bánh ra khay có phết chút dầu ăn, rắc nhân và cuộn lại, xếp ra đĩa, làm đến khi thấy đủ ăn dừng lại.
– Sau cùng cho bánh vào xửng hấp lại khoảng 5 phút để bánh chín, nóng và mềm mượt ngon hơn. Nếu ngại hấp có thể cho vào lò vi sóng quay vài giây.
Bước 4: Pha nước chấm
Có thể pha trực tiếp theo tỉ lệ trên nguyên liệu và dùng luôn còn trong bài này sẽ đun sôi phần nước chấm theo từng bước như sau:
– Hoà nước trắng, nước mắm, đường, giấm rồi đổ tất cả vào nồi.
– Đun sôi, hạ nhỏ lửa, nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.
– Tắt bếp, thêm tỏi ớt và chút hạt tiêu là xong. Lưu ý nếu không có giấm và dùng chanh thì để nguội mới nên vắt chanh quất vì nếu cho lúc nóng dễ gây đắng, còn dùng giấm cho trực tiếp ngay từ đầu và đun sôi được.
Thưởng thức
Khi ăn phần nước chấm rắc thêm chút hành khô vào sẽ rất thơm và ngon. Rắc cả hành khô lên bánh cuốn, ăn kèm chả hoặc giò, thêm chút rau mùi ta nữa là hoàn hảo.
Lưu ý, muốn bánh ngậy và đỡ dính vào nhau khi cuốn xong phết thêm lớp mỡ hành bên ngoài bánh.
Nguồn: Eva