Dưới đây là những món ăn có thể gây nguy hiểm chết người nhưng nhiều người vẫn muốn thưởng thức vì cho rằng nó rất bổ.
Súp dơi
Nhiều chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân phát tán chủng virus corona mới 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp là súp dơi, món ăn lạ nhưng được ưa chuộng rộng rãi ở Trung Quốc. Bên cạnh súp dơi, nhiều món ăn hấp dẫn, trở thành đặc sản như cá nóc, bạch tuộc sống Sannakji Hàn Quốc hay phô mai giòi… nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Các nhà khoa học từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, bộ gen của virus 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp giống 96% với một con dơi mang virus corona.
Theo nghiên cứu, con người có thể bị lây nhiễm 2019-nCoV trong lúc chế biến món súp dơi. Rắn cũng bị tình nghi mang 2019-nCoV do ăn phải dơi rồi tiếp tục lây lan qua con người lúc giết mổ hay hình thức tiếp xúc khác.
Súp dơi là một trong những món đặc sản được yêu thích ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), đặc biệt tại chợ hải sản Hoa Nam. Nhiều người cho rằng súp dơi là món ăn giàu dinh dưỡng, chữa được nhiều bệnh và có vị tươi ngon như thịt gà.
Người ta sơ chế dơi khá sơ sài, chỉ cắt tiết, rửa sạch con vật sau đó hầm chín dơi trong nồi nước, thêm rau củ, gia vị rồi hầm đến khi mềm. Như vậy, món ăn thực khách được phục vụ là con dơi nguyên vẹn với lông, cánh, mắt, chân và nội tạng.
Món súp dơi với cách chế biến không kỹ có thể khiến con người gặp các vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, dơi là loài động vật được xác nhận là mang virus Ebola, virus Marburg hay các chủng bệnh dại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người.
Cá nóc
Cá nóc là loại cá cực độc. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, tồn tại nhiều trong trứng cá, ruột cá và không bị hủy hoại ở nhiệt độ cao hay khi phơi khô, sấy. Chất độc này gây tê liệt thần kinh và dẫn tới tử vong.
Nguy hiểm là vậy, nhưng tại Nhật Bản, cá nóc vẫn là một món đặc sản hấp dẫn thực khách. Có tới 40 loại cá nóc được dùng để chế biến các món ăn tại xứ sở hoa anh đào và người dân nơi đây tiêu thụ đến 10.000 tấn cá nóc mỗi năm.
Để chế biến được loài cá cực độc này, các đầu bếp tại Nhật Bản phải thực tập trong khoảng 3 năm. Mặc dù cá nóc mang nhiều độc tố nhưng vì lý do tò mò, nhiều thực khách đã không ngần ngại chi ra số tiền không hề nhỏ (hơn 200 USD) để trải nghiệm và thưởng thức món ăn nổi tiếng nguy hiểm này.
Sannakji
Bạch tuộc sống Sannakji là một trong những đặc sản nổi tiếng tại Hàn Quốc. Món ăn hấp dẫn thực khách bởi vị ngon, ngọt tự nhiên mà không hề tanh. Nhiều khách quốc tế coi việc thưởng thức món bạch tuộc sống Sannakji là thử thách không thể bỏ qua khi tới xứ sở Kim Chi.
Có hai cách phổ biến nhất để thưởng thức Sannakji đó là ăn cả con hoặc thái ra thành từng miếng nhỏ. Đối với cách ăn nguyên con, bạch tuộc được chọn thường nhỏ hơn. Người ăn sẽ dùng tay cầm hoặc quấn con vật quanh đũa để cho vào miệng. Tuy nhiên, cách ăn này khá nguy hiểm, đòi hỏi thực khách phải nhai thật kỹ, nếu không rất dễ hóc. Mỗi năm có khoảng 6 người tử vong do…hóc khi ăn loại bạch tuộc này.
Một cách ăn khác phổ biến hơn là cắt các xúc tu của bạch tuộc thành từng đoạn nhỏ và dùng ngay khi chúng còn cử động. Tuy nhiên, các xúc tu có độ bám dính cao sẽ rất dễ gây hóc hoặc ngạt thở. Mỗi năm đều có một số người chết do các xúc tu bám chặt vào cổ họng, nhất là khi uống rượu say. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn chỉ nên thưởng thức món ăn này khi đang tỉnh táo và nhớ nhai thật kỹ trước khi nuốt.
Pho mát Casu Marzu
Pho mát Casu Marzu là đặc sản nổi tiếng ở vùng Sardinia, Ý. Đây là món ăn truyền thống của người dân Sardinia, thường được phục vụ trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, tiệc độc thân hay đám cưới.
Casu Marzu được tạo thành từ một loại pho mát có tên là Pecorino. Người ta ngâm Pecorino trong nước muối, sau đó hun khói và để trong hầm chứa. Tại đây, có một loài ruồi bay tới đẻ trứng vào miếng pho mát. Những quả trứng ruồi sẽ nở thành những con giòi ăn chất béo, làm món ăn mềm, mịn và mang hương vị đặc trưng, ấn tượng.
Tuy nhiên, khi bạn ăn món đặc sản đáng sợ này, bạn cần che miếng pho mát bằng tay khi đưa vào miệng, do giòi có thể nhảy cao tới 15cm khi bị kích động và bắn vào mắt bạn. Ngoài ra, khi thưởng thức, thực khách cần nhai thật kỹ bởi những con giòi có thể sống sót và gây nôn mửa, tiêu chảy và chuột rút nặng.
Thịt nướng Igunaq
Igunaq, hay còn được biết đến với cái tên “thịt nướng chôn đất”, là một món ăn truyền thống của người dân bản địa Arctic thuộc đất nước Canada.
Người bản địa sử dụng thịt vượn hay thịt hươu, cắt thành các miếng lớn, sau đó đem chôn trong lòng đất, đợi nó lên men. Sau một khoảng thời gian đủ dài, người ta đào lên và thưởng thức.
Đây được coi là một món ăn nguy hiểm bởi quá trình lên men từ 2 loại thịt này tạo ra chất độc có thể khiến thực khách ngộ độc, thậm chí dẫn tới tử vong. Chỉ có những người đã ăn Igunaq từ nhỏ mới có thể thưởng thức được nó mà không gặp nguy hiểm.
Tiết canh
Tiết canh là một món món ăn dân dã được rất nhiều người dân Việt Nam ưa chuộng, đặc biệt là cánh mày râu. Người ta tin rằng, ăn tiết canh sẽ giúp cơ thể thanh mát, khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, tiết canh bản chất là tiết sống nên tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh. Nếu con vật mắc bệnh thì nguồn tiết chắc chắn sẽ chứa các sinh vật gây bệnh như sán, vi khuẩn, ký sinh trùng…
Các bệnh dễ gặp khi ăn tiết canh là liên cầu lợn, nhiễm khuẩn huyết, viêm não mô cầu, giun, sán… Do đó, người dân cần tránh xa món ăn này để đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Hákarl – thịt cá mập thối
Thịt cá mập được chôn để lên men trong chất lỏng của chính nó sau đó được treo lên để khô rất được ưa chuộng ở Greenland. Tuy nhiên, các chất độc hại tiềm ẩn vẫn được lưu giữ trong thịt của nó.
Một món ăn làm từ thịt cá mập thối được ủ trong 6 tháng đến từ Greenland. Chúng thường được cắt lát và ăn kèm với bánh mỳ lúa mạch. Do cá mập không có thận hay tuyến bài tiết nên những chất độc hại từ cơ thể chúng được bài tiết qua da.
Sò huyết
Loài sò này có chứa nhiều loại virus và vi khuẩn gây bệnh như viêm gan A và E, kiết lỵ và thương hàn. Năm 1988, tại Thượng Hải đã có 300.000 người bị nhiễm bệnh và 31 người đã tử vong sau khi ăn loại sò này. Thông thường, khoảng 15% người ăn loại sò này sẽ bị nhiễm bệnh.
Fesikh
Món cá lên men được ăn vào ngày Lễ mùa xuân Sham el-Nessim của người Ai Cập, sau khi đã được phơi khô rồi lên men trong muối trong vòng 1 năm. Trong năm 2009 và 2010, đã có 4 người tử vong khi ăn món này, đồng thời nó cũng khiến 5 người phải nhập viện trong năm nay.
Minh Khôi (T/h)
Nguồn: Đời sống & Pháp luật