Một người bạn sành ăn của tôi bật mí, ở Sài Gòn muốn ăn ngon cứ tìm tới quán nào có cái tên liên quan đến người miệt vườn Nam Bộ như Gà Tám Phước, Dê Tư Trì … sẽ như ý. Và tôi đã được thỏa vị giác với Bò Bảy Biệm.
Tuy nhiên để tìm được tên quán chính hiệu thì cần có dân “thổ địa” tư vấn và tôi lại may mắn lần nữa khi được người bạn gốc Củ Chi dẫn tới tận nơi. Bởi một mình về tới Củ Chi chưa chắc tìm được quán bò ngon chính hiệu. Không ít du khách đã tìm đến những nhà hàng được quảng bá rầm rộ tại đây nhưng không tìm được quán bò tơ chính hiệu ngon bổ rẻ.
Đúng như tên, chủ quán mang đến cách phục vụ và chất lượng món ăn đúng kiểu hào sảng miệt vườn. Quán đơn sơ với nhà gỗ mái lá, vườn cây bao bọc xung quanh là những rặng tre rì rào, những dây lá giang leo um tùm, xanh mướt. Nằm ẩn mình bên góc nhỏ của cánh đồng rộng lớn nên nếu không có người chỉ dẫn bạn sẽ khó mà tìm được quán. Tuy nhiên, khách quen vẫn đông nườm nượp. “Hữu xạ tự nhiên hương” là vậy!
Củ Chi là vùng đất ngoại ô Sài Gòn còn mang vẻ đẹp thuần khiết gần như chưa bị khai phá nhiều, với những cánh đồng trải dài, những đàn bò thung thăng gặm cỏ, uống nguồn nước mát lành. Đây là điều kiện lý tưởng để chăn nuôi bò mang lại những “chú bò hạnh phúc”. Hai giống bò phổ biến hiện nay tại Củ Chi là bò bản địa (lông màu nâu) cho thịt và bò nhập khẩu (lông màu đen trắng) cho sữa.
Tuy nhiên, không thể tìm thấy vị ngon đúng điệu khi mua bò tơ đông lạnh trong siêu thị hoặc thưởng thức các món bò tại Sài Gòn. Mà phải tìm đúng “hương đồng gió nội” để vừa ăn vừa cảm nhận sự hài hòa thiên nhiên trong chất lượng ẩm thực.