Hành tím ngâm giấm vị chua cay dễ ăn, lại có tác dụng diệt khuẩn, ngăn ngừa cảm lạnh, cúm…
Ghé quán bún, hủ tiếu, phở nào tại Quảng Nam, Đà Nẵng, trên bàn cũng có một lọ hành ngâm giấm ăn kèm. Đây là một trong những món chống ngấy hữu hiệu nhất. Đặc biệt nếu bạn ngại đi chợ vào mùa dịch, nhà trữ nhiều mì gói thì hũ hành tự ngâm là gợi ý lý tưởng để thưởng thức chung.
Nguyên liệu chính là hành tím hay còn gọi là hành hương, củ nhỏ. Loại củ này thường dùng làm gia vị, nhưng ít ai biết nó có khá nhiều công dụng. Hành tím chúa một số hợp chất sulfuric có tác dụng diệt vi khuẩn như e.coli và salmonella. Sulfuric cũng là nguyên nhân tạo nên mùi cay nồng của quả hành.
Mẹo bóc hành không bị cay mắt là bạn đặt một ngọn nến bên cạnh củ hành lúc bóc, lượng nhiệt tỏa ra có thể hút bớt lưu huỳnh từ củ hành. Nhúng dao thường xuyên xuống nước hoặc cắt đầu củ hành dưới nước cũng là cách giúp bạn đỡ bị cay mắt.
Chẻ hành làm đôi hoặc làm 4 tùy củ lớn hay nhỏ. Xóc nhẹ hành trong muối để khử bớt mùi khay.
Thêm nước lọc, sau đó cho hành ngâm vào ngăn mát tủ lạnh từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ để tạo độ giòn. Hoặc bạn cũng có thể ngâm hành muối trong đá viên cũng được.
Sau khi ngâm thì vớt hết hành ra, để ráo hoàn toàn rồi xếp hành vào hũ, lọ. Thêm ớt hiểm cắt lát vào.
Nếu làm 0,5 kg hành thì bạn pha hỗn hợp giấm với tỉ lệ: 1 lít nước sôi để nguội, 100 g đường trắng, 50 ml giấm và 3 muỗng muối.
Đổ hỗn hợp giấm vừa pha vào hành ớt, để khoảng 12 tiếng là có thể ăn ngon lành. Hành ngâm bảo quản trong tủ lạnh được hơn 10 ngày vẫn giữ độ giòn. Khi ăn hành có vị chua cay dễ chịu, hợp với các món bánh chưng chiên, bún, phở… Bên cạnh đó, hành tím còn hiệu quả trong việc ngăn ngừa ho, cảm lạnh, cúm, hắt hơi và chảy nước mũi.
Nguồn: Ngôi sao