Thương con cá ngát sông Thu Bồn

Một ngày nắng nhạt cuối xuân, tôi và nhóm bạn rong ruổi ven bờ đoạn cuối con sông Thu Bồn – nơi dòng nước sắp hòa vào vùng biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).

Thương con cá ngát sông Thu Bồn

Cháo cá ngát ngon ngọt Thanh Ly

Thấp thoáng vài lão ngư thong thả ngồi câu cá ngát , con nào con nấy bụng căng đầy trứng.

Tùy theo mùa mà nơi hạ lưu sông Thu Bồn có các loại cá sinh sống như cá mòi, cá ngạnh, cá leo, cá bống, cá úc… Riêng cá ngát thuộc diện khó tìm, ít xuất hiện vì tính tinh khôn hay chui rúc vào hang để sinh sống, chỉ bơi ra ngoài khi kiếm thức ăn.

Cá ngát có hình dáng hơi giống cá trê nhưng thịt thơm ngon, nhiều đạm, nổi tiếng về sự bổ dưỡng, vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí huyết, có tác dụng tăng sức đề kháng. .. Kinh nghiệm dân gian còn lưu truyền, phụ nữ sinh nở ăn cá ngát kho nghệ thì rất bổ và lành, mau lại sức, lợi sữa.

Bên cạnh đó, cá trong tự nhiên ngày càng khan hiếm và đắt đỏ nên cá ngát sông Thu Bồn càng có giá, nhất là những con có trọng lượng lớn. Thường khi bắt được, hầu hết ngư dân đều giữ lại chế biến trong bữa ăn gia đình hoặc đãi khách quen.

Cá ngát sông Thu Bồn ngon nhất vào đầu hè, thời điểm này cá mang bộ trứng như những hạt cườm vàng óng, béo và bùi. Cá chế biến kiểu nào cũng ngon, nào là nấu canh chua, om dưa cải, bung chuối xanh… Đặc biệt, cá ngát nấu cháo dễ quyến rũ nhiều người bởi sự ngon ngọt tự thân không cần “vay mượn” nhiều phụ liệu. Một chút gia vị chỉ là để đậm đà hơn. Được cảm và nhớ nhiều nhất chính là mùi thơm nồng ngậy béo của cá thoang thoảng trong bát cháo nóng hổi.

Để có được nồi cháo cá ngát ngon lành, khi chế biến cũng phải cất công. Cá được mua hoặc mới câu lên, rửa sạch, cắt ngạnh, xẻ bụng để bỏ ruột, nhớ giữ lại buồng trứng. Nếu cá to có thể cắt thành từng khúc dài. Mang cá ướp cùng một ít muối, nước mắm. Vài củ hành, củ tỏi, chút gừng tươi giã nhuyễn sẵn sàng “hỗ trợ” thêm khi ướp cá ngát.

Chọn gạo để nấu cháo cũng đòi hỏi sự tinh tế. Gạo nên kết hợp cả gạo tẻ và nếp. Khi nồi cháo sôi, hạt gạo bắt đầu nở lúp búp, cho cá vào độ 5 – 7 phút thì tắt bếp. Lúc này chỉ cần rải đều hành lá lên trên cháo, thêm một ít tiêu bột và nặn lát chanh cho thơm. Cầm muỗng lên thử một miếng, không thể không gật gù và khoái chí bởi cái vị ngon ngọt có một không hai.

Một điều rất lạ là mỗi khi thưởng thức xong tô cháo cảm thấy khoan khoái và nhè nhẹ. Mồ hôi trên trán đẫm ướt khi nào mà không hay biết. Đó có lẽ là nét đặc thù của món cháo góp phần giúp cá ngát sông Thu Bồn được đưa vào danh sách đặc sản càng ăn càng thấy thú vị.

Theo Người lao động

Author:

Gửi phản hồi