Ngay cả với hàng hoá trong siêu thị, bạn cũng cần phải chọn lựa kỹ càng mới không phạm phải các sai lầm vì mua hàng kém chất lượng.
Kiểm tra trứng
Mỗi lần mua trứng, bạn hãy mở hộp ra để quan sát bằng mắt. Nếu vỏ trứng hơi nhớt nghĩa là nó có khả năng nhiễm vi khuẩn. Còn nếu vỏ trứng có lớp bột, nguy cơ trứng bị nấm mốc khá cao.
Không bị đánh lừa bởi màu sắc bao bì
Nghiên cứu chỉ ra rằng, màu sắc ảnh hưởng đến suy nghĩ và đánh giá của não bộ về sự vật. Do đó, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng màu sắc đặc biệt để làm bao bì. Ví dụ, bao bì màu xanh lá cây thường khiến khách hàng nghĩ nó là một sản phẩm hữu cơ. Hãy để ý nhiều hơn đến thành phần nguyên liệu xem chúng có chất bảo quản hoặc hoá chất độc hại hay không.
Thực phẩm “không đường” vẫn có thể chứa đường tự nhiên
Nhãn “no sugar adđe”, nghĩa là không thêm đường, trên nhiều sản phẩm thực phẩm khiến nhiều người an tâm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng không có đường tự nhiên. Những ai đang ăn kiêng thì cần lưu ý. Ví dụ, trên một chai nước trái cây không đường, bạn vẫn có thể tìm được thông tin rằng nó chứa 25 gr đường tự nhiên. Đây là con số khá nhiều vì lượng đường trung bình một ngày cho cơ thể chỉ nên là 77 gr.
Kiểm tra thịt trước khi mua
Bạn nên kiểm tra kỹ miếng thịt trước khi mua, ngay cả khi chọn ở siêu thị. Đầu tiên, hãy kiểm tra màu sắc của miếng thịt. Thịt bò tươi nên có các vệt mỡ trắng, màu sắc tươi tắn. Không nên lấy những miếng có vệt cắt, màu nâu hoặc xám hay quá dính tay. Đây đều là biểu hiện của những miếng thịt không tươi, hỏng.
Kiểm tra da gà
Khi mua thịt gà, bạn nên quan sát phần da. Nếu có màu xám hoặc trong suốt thì không nên lấy vì có thể nó đã không còn tươi và ở trong siêu thị quá lâu.
Chọn dưa chuột
Dưa chuột nên chọn những quả màu xanh lục, xanh đậm, không nên chọn những quả đã ngả vàng hoặc có quá nhiều phần trắng. Ngoài ra, dưa chuột cũng không nên chọn quả khô hoặc quá to, hương vị đều không ngon.
Chọn mua chuối
Khi mua chuối, bạn không nên mua những quả không có cuống vì vi khuẩn dễ xâm nhập qua lỗ này. Nếu mua, bạn phải cắt đi một phần sát với cuống, tuy nhiên, cũng không đảm bảo được chất lượng.
Con số trên hạn sử dụng
Đôi khi mua một số sản phẩm ngoại nhập, bạn sẽ thấy hạn sử dụng có nhiều chữ số kỳ lạ mà không lý giải được ngày tháng năm. Rất có thể sản phẩm đó được ghi hạn sử dụng theo lịch Julian – một loại lịch phổ biến ở một số quốc gia, thay vì sử dụng lịch dương lịch như những nơi còn lại.
Đừng bị đánh lừa bởi cụm từ “không chất béo” hay “tất cả đều tự nhiên”
Nhiều sản phẩm ăn vặt được đóng mác “fat-free” hoặc “all natural” nhưng trên thực tế, chúng vẫn có thể chứa nhiều chất nguy hại như chất bảo quản, lượng fructose cao và natri.
Không nên mua bánh mì đa hạt multigrain
Bạn chỉ nên mua bánh mì 100% lúa mì nguyên chất hoặc 100% ngũ cốc nguyên hạt. Các loại bánh mì đa hạt multigrain cần hạn chế vì quá trình chế biến khiến các loại hạt mất hết 78% chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Nguyên Chi (Theo BI)
Nguồn: Ngôi sao