Lạc rang, đậu phụ chiên hay gà nướng các vị, cá nướng, bít tết… cũng đều được chị Châu Ngọc thực hiện bằng nồi chiên không dầu.
Ở nhà tránh dịch nên hầu hết chị em dành thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, con cái và nấu ăn. Một trong những công cụ chế biến các món ăn luôn được chị em yêu thích, được chia sẻ cách làm nhiều trong thời điểm này là nồi chiên không dầu.
Là người đam mê việc bếp núc nên chị Châu Ngọc (32 tuổi, Hà Nội) cũng không bỏ qua nồi chiên ấy và đã sử dụng nó được hơn 2 năm. Dưới đây là 21 món ăn được chị chế biến từ nồi chiên không dầu, chị em có thể tham khảo nhé.
Chị Châu Ngọc
1. GÀ NƯỚNG HẠT DỔI, MẮC KHÉN
Đây là kiểu ướp đặc sản của vùng núi Tây Bắc, vừa thơm ngon vừa lạ miệng.
Chuẩn bị nguyên liệu
– Gà ri (giống gà này mềm thịt, hợp với các món nướng) 1/2 con
– Hạt mắc khén khoảng 1 thìa café
– Hạt dổi: 7 hạt
– Hành, sả, gừng, lá chanh, ớt tươi
– Gia vị khác: mật ong, dầu mè, dầu hào, muối hạt
Cách chế biến
– Rửa sạch gà, để ráo nước
– Hạt dổi, hạt mắc khén nướng thơm. Bọc giấy bạc, cho vào nồi chiên 200 độ C, 5 phút, sau đó lấy ra giã nhỏ, trừ lại 2 hạt dổi để làm muối chấm.
– Muối hạt cũng bọc giấy bạc cho vào nồi chiên, 200 độ 3 phút, giã nhỏ. 1 phần để ướp gà, 1 phần nhỏ để làm gia vị chấm.
– Lá chanh thái sợi. Hành, sả, gừng, ớt cho vào máy sinh tố xay nhỏ.
– Trộn đều hỗn hợp vừa xay, cho hạt dổi, mắc khén, lá chanh vào. Cho mật ong, dầu hào, bột canh, xíu dầu mè cho thơm (mỗi thứ một ít). Sau đó xoa đều mặt trong và ngoài của gà, ướp khoảng 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, nếu rảnh, 30 phút cứ trở đều và xát đi xát lại 2 mặt thịt gà cho ngấm gia vị.
– Lót giấy bạc, cho gà vào (nhớ gạt bớt hỗn hợp ướp để đỡ bị cháy). Chiên dần từ nhiệt độ thấp – thời gian dài cho gà chín đều trong ra ngoài, sau đó chiên nhiệt lớn cho gà ruộm vàng và giòn.
Lần 1: chiên 125 độ 20 phút
Lần 2: lật mặt chiên 130 độ 15 phút. Kiểm tra xem gà chín chưa, còn chảy nước màu hồng không. Con gà của mình là giống gà ri nên tương đối bé, và nhanh chín.
Lần cuối: 190 độ 7-10 phút để gà ruộm vàng và giòn là được.
– Gia vị chấm: trộn ít muối rang giã nhỏ cùng hạt dổi giã nhỏ + lá chanh băm nhỏ + vắt chanh. Nhưng gà ướp kiểu này tương đối vừa miệng nên không cần làm gia vị quá nhiều.
2. TÔM NƯỚNG BƠ TỎI
Nguyên liệu
– Tôm sú to (loại size 20 – 22 con/kg) cho ngon
– Que xiên
– Bơ lạt, phô mai, tỏi, chanh
– Ít mùi tây (khô cũng được) mà không có cũng được
Chế biến
– Rửa sạch tôm, để ráo, dùng kéo cắt hở phần vỏ lưng tôm ra rồi bỏ chỉ lưng đi.
– Trong một bát nhỏ, trộn bơ mềm, mùi tây, tỏi băm và nước cốt chanh với nhau. Cho phần nhân vừa trộn lên thân từng con tôm.
– Thêm một lớp phô mai sợi và một ít mùi tây nữa lên trên. Phần hỗn hợp ướp còn lại phết đều lên toàn thân tôm cho ngấm, ướp khoảng 30 phút – 1 tiếng.
Cho vào nồi chiên không dầu, chiên 170 độ 15 phút. Lật mặt chiên lại lần nữa, 180 độ 6 – 8 phút là được. Lấy ra dùng nóng với muối tiêu chanh.
3. ĐẬU PHỤ NHỒI THỊT
– Đậu phụ rửa sạch, cắt miếng to hơn rán, dùng dao gọt hoa quả khoét hình vuông hoặc chữ nhật ở giữa để nhồi thịt.
– Nhân: thịt vai xay nhỏ, ướp cùng hạt tiêu, hành khô, nước mắm. Mọi người có thể thay thế nhân bằng cách thêm mộc nhĩ, nấm hương tùy sở thích.
– Nhồi thịt vào đậu.
– Làm nóng nồi chiên 200 độ C, 5 phút sau đó chiên.
Lần 1: 160 độ, 15 phút.
Lần 2: 200 độ, 9 -12 phút để đậu ngả vàng ruộm và thịt sém mặt.
4. THỊT XIÊN LÁ MÓC MẬT
Nguyên liệu
– Thịt lợn Mán, chọn phần ba chỉ hoặc vai vì 2 phần này ướp mềm ngon, pha lẫn mỡ không bị khô. Nếu không có thịt Mán thì làm bằng thịt lợn thường cũng ngon.
– Hành khô, tỏi bóc vỏ băm nhỏ
– Que xiên
– Lá móc mật rửa sạch, để ráo nước. Băm nhỏ chục lá để làm hỗn hợp ướp.
– Gia vị khác: dầu hào, hạt tiêu, hạt nêm, ngũ vị hương, mật ong, bột nghệ/tinh bột nghệ, dầu mè.
Chế biến
– Thịt thái miếng vừa ăn, vừa xiên
– Hỗn hợp ướp: trộn lẫn các nguyên liệu ở trên. Bột nghệ cho ít thôi vì mùi rất hắc, nếu không có thì thay thế bằng tinh bột nghệ (lượng phải nhiều hơn). Thêm dầu mè để hỗn hợp ướp dậy mùi hơn, mềm thịt.
– Ướp khoảng 1-2 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh.
– Xiên thịt: xiên liên tiếp, cứ 1 miếng thịt 1 chiếc lá, xiên đến lúc hết. Không xiên quá chặt, rất khó và lâu chín.
– Cho thịt vào nồi chiên không dầu:
Lần 1: 150 độ – 10 phút
Lần 2: lật mặt, 150 độ – 4-5 phút
Sau đó chiên cao nhiệt lên 180 độ 6-9 phút để thịt cháy sém vàng. Mọi người nên cài nhiệt độ và thời gian từ từ để kiểm tra độ chín và độ sém của thịt xiên, vì “mạnh tay” sẽ khiến xiên bị cháy và khô, hơn nữa mỗi người thái thịt có độ mỏng dày khác nhau và cách xiên (lỏng/chặt) cũng khác nhau.
5. PIZZA BÒ BĂM
– Đế pizza mua sẵn đã bao gồm sốt cà chua, phô mai, cỏ thơm, sốt bò băm
– Phết đều sốt cà chua lên đế bánh, tiếp đó cho phô mai lên, cuối cùng mới bỏ nhân bò băm dàn đều.
– Sau đó chỉ cần cho vào nồi chiên không dầu ở 170 độ C trong 10 phút. Sau đó cho tăng nhiệt lên 200 độ, 2 phút nữa là xong. Nhân pizza mọi người có thể thêm bớt tùy sở thích nhé.
6. SƯỜN NƯỚNG BBQ
– Sườn chặt miếng vừa ăn (theo sở thích), rửa sạch để ráo nước.
– Ướp cùng hành tỏi băm nhỏ, dầu hào, mật ong, sốt BBQ, hạt nêm, dầu mè (một ít cho thơm và mềm), trộn đều. Cho vào ngăn mát ướp khoảng 4-8 tiếng tùy thời gian của từng gia đình.
– Nướng 2 lần:
Lần 1 ở nhiệt độ 180 độ C, 10 phút.
Lần 2 cùng nhiệt độ khoảng 6 – 8 phút. Kiểm tra nếu sườn chưa đủ vàng chín thì thêm 2 – 3 phút nữa cũng được.
Nhớ bỏ vào giấy bạc/nến để đỡ cháy khói, khó lau chùi.
7. LẠC RANG BẰNG NỒI CHIÊN
– Lót giấy bạc, cho lạc vào, chiên ở nhiệt độ 160 độ C, 10 – 14 phút. Không cần đảo hay lắc.
– Nếu muốn tách vỏ lụa thì rang xong ủ khăn sạch thêm 7-10 phút là được.
8. KHOAI LANG NƯỚNG
– Khoai mua về rửa sạch, để ráo nước, cắt bỏ 2 đầu
– Cho vào nồi chiên, chiên nhiệt độ nhỏ dần dể khoai chín đều
– Chiên lần 1, 130 độ trong 30 phút. Lần 2 tăng lên 180 độ – 30 phút là được.
Có thể bẻ đôi củ khoai xem độ chín và cháy nhé, nếu cần chiên thêm 1 chút nữa tầm 10-15 phút là được.
9. CHẢ BÒ LÁ LỐT
Chuẩn bị
– Thịt bò xay: 2 lạng
– Thịt vai hoặc ba chỉ lợn (để có thêm mỡ vì chả bò đơn thuần sẽ hơi khô): 2 lạng
– Hành khô, hạt tiêu, bột canh
Chế biến
– Xay nhỏ thịt, trộn đều 2 loại, ướp cùng hành khô băm nhỏ, hạt tiêu, bột canh. Ướp khoảng 20 phút.
– Lá lốt rửa sạch, để ráo nước
– Tiến hành cuốn chả, các bạn nhớ cuốn để luôn để mặt xanh non của lá ra ngoài.
– Làm nóng nồi chiên không dầu ở 180 độ từ 4-5 phút, sau đó xếp gọn chả lá lốt vào.
Lần 1: 180 độ – 6 phút
Lần 2: lật mặt: 180 độ, 7-10 phút là được (tùy nhiệt từng nồi để điều chỉnh thêm).
10. VỊT NƯỚNG CAM
Chuẩn bị:
– 1/2 con vịt
– 1 quả cam sành, nên chọn cam chuẩn, vì nó là gia vị chính để ướp
– Gia vị khác: hành, tỏi, dầu hào, mật ong, nước tương (xì dầu), đường, bột nghệ (hoặc tinh bột nghệ), bột canh, sốt ướp thịt nướng.
Chế biến:
– Vịt rửa sạch với giấm, chanh, gừng, rửa lại thật sạch để ráo nước vì vịt làm ẩu sẽ rất hôi.
– Khứa nhẹ phần đùi vịt và phần lườn, chỗ thịt dày vì vịt nướng nguyên tảng thường khó chín đều.
– Vắt cam, bỏ hạt, lấy khoảng 120-140ml nước.
– Hỗn hợp ướp: hành tỏi băm nhỏ, cho các gia vị ở trên cùng nước cam vào trộn thật đều. Mình không có bột nghệ nên dùng 2 thìa cafe tinh bột nghệ thay thế, nếu dùng bột nghệ thì giảm bớt vì bột nghệ mùi hắc và nồng hơn tinh bột nghệ nhiều.
– Dùng bao tay phết đều lên hay mặt vịt, ướp khoảng 2 tiếng. Trong thời gian đó khoảng 3-4 lần trở đi trở lại miếng vịt và rưới đều phần hỗn hợp ướp lên vịt cho ngấm đều.
– Nướng vịt: Vì vịt để nguyên tảng nên sẽ khó chín hơn nướng miếng. Về nguyên tắc sẽ cho vịt chín đều từ trong ra ngoài, sau đó sẽ tổng kết bằng 1 lần chiên cho vịt rộm vàng là được.
Lần 1: làm nóng nồi chiên ở 200 độ, 3-4 phút
Lần 2: chiên vịt ở nhiệt độ 120 độ C, 18 phút
Lần 3: lật mặt, rưới thêm hỗn hợp ướp, chiên tiếp ở nhiệt độ 120 độ C, 15 phút
Lần 4: lật mặt, bôi thêm hỗn hợp ướp lần nữa, chiên tiếp ở nhiệt độ 130 độ C 10 phút
Lần 5 (lần cuối): 180 độ 5-7 phút để da vịt vàng ruộm và se mặt lại là xong.
Để rút ngắn mọi người có thể chiên ở lần 2, 3, 4 tăng thời gian thêm. Trong quá trình nướng dùng đũa chọc nhẹ vào thân vịt, nếu vẫn ra nước hồng thì chiên tiếp đến lúc hết là được.
– Lấy vịt ra đĩa, chờ chặt.
– Pha nước chấm: Băm nhỏ 2-3 nhánh tỏi cùng nhánh gừng bé, 1 quả ớt cay. Thêm chút đường xong cho nước tương kikkoman vào, đánh đều là được. Còn nếu có nhiều thời gian thì phi thơm tỏi gừng rồi cho nước tương, thêm dầu mè, bột năng, đường vào.
– Vịt chấm ăn kèm cùng rau ngổ, mùi tàu, ít húng quế… ngon tuyệt mà rẻ vô cùng.
11. TRỨNG XÚC XÍCH NƯỚNG
Chuẩn bị nguyên liệu (cho 4 người ăn)
– Xúc xích: 4 cái (không dùng xúc xích ăn liền)
– Trứng gà: 4 cái
– Bơ, phô mai lá mỏng (con bò cười)
– Hạt tiêu, hành lá
Chế biến
– Xúc xích thái to bằng ngón tay người lớn, dài bằng 2/3 đốt ngón tay.
– Đập trứng ra bát (bát sứ), xếp xúc xích viền xung quanh, trừ lại lòng đỏ trứng để dễ chín và cho đẹp.
– Cho 1 xíu bơ vào cho thơm và ngậy.
– Thái miếng nhỏ phô mai cho vào xung quanh theo vòng xếp xúc xích.
– Của người lớn thì thêm chút hạt tiêu, của các bạn bé thì thôi.
– Thái hành lá, rắc lên trên.
– Cho vào nồi chiên không dầu, bật 170 độ C, 7 phút sẽ được thành phẩm trứng lòng đào vừa ăn. Ai không thích ăn lòng đào thì thêm 2-3 phút nữa, trứng sẽ chín.
– Món này trộn ăn cùng tương cà + mayonnaise, bánh mì gối thì tuyệt hảo.
12. CÁ BẠC MÁ NƯỚNG SẢ
– Cá rửa sạch, để ráo nước, ướp cùng muối, hạt tiêu, sả đập dập xé sợi và cắt nhỏ, gừng, dầu ăn.
– Ướp 30 phút sau đó cho vào nồi chiên, 165 độ C, 18 phút, lật mặt chiên tiếp 180 độ – 15 phút. Chưa đủ vàng mặt thì chiên thêm 3-5 phút tùy từng nồi.
– Món cá này chấm nước mắm tỏi ớt, kỳ công thì làm món cá cuộn kèm rau củ cũng ngon.
13. BÁNH MÌ SỐT BƠ TỎI
Nguyên liệu:
– Bánh mì 2 cái như hình.
– Bơ tươi khoảng 120g
– Muối tiêu 0,5 thìa nhỏ
– Mùi tươi băm nhỏ, có thể thay bằng lá kinh giới khô cũng rất ngon.
– Tỏi băm nhỏ.
Cách làm:
– Thái lát bánh mỳ miếng vừa.
– Chuẩn bị nồi nhỏ. Cho bơ vào đun chảy. Tắt bếp, cho tỏi băm, mùi và tiêu vào đảo đều trong bơ đang nóng. Sau đó phết lên 1 mặt từng miếng bánh mỳ đã cắt. Xếp vào nồi chiên không dầu nướng ở nhiệt 180 độ C, 10 phút.
– Món này ăn nóng sẽ ngon nhất.
14. CHẢ CÁ LÃ VỌNG
Chuẩn bị nguyên liệu (2 người ăn)
– Chả cá lăng: 5 lạng (đã tẩm ướp sẵn)
– Rau & đồ ăn kèm: thì là, hành lá, bún sợi, lạc rang
– Gia vị ướp cá: nghệ tươi, mắm tôm, đường, riềng, mẻ, nước mắm, bột canh
– Gia vị khác: chanh, ớt chỉ thiên, ớt sừng
Cách làm:
– Cá mình mua đã được tẩm ướp sẵn nên chỉ cần cắt miếng vừa ăn cho vào nồi chiên với điều chỉnh nhiệt độ và thời gian như trên là được.
– Còn không sẽ tẩm ướp với các gia vị: nước ép củ nghệ tươi giã nát (ít nước), riềng xay nhuyễn, nước mắm, bột canh, mẻ, mắm tôm, đường. Có thể thêm hạt tiêu tùy khẩu vị.
– Sau đó bóp trộn đều, ướp khoảng 2 tiếng.
– Sơ chế rau ăn kèm + làm nước chấm:
Hành lá thì là rửa sạch, hành lá cắt khúc dài khoảng 8cm. Ớt sừng thái vát, bỏ hạt.
Nước chấm chả cá lăng có 2 loại: mắm tôm hoặc nước mắm chua ngọt.
Nếu làm mắm tôm: cho lượng mắm tôm vừa ăn vào bát, thêm ớt băm nhỏ, cốt chanh bỏ hạt, đường, xíu rượu (không có cũng được). Chưa đánh đều vội, để lúc gần ăn rùi đánh sủi bọt cho ngon.
Nếu làm nước mắm: băm nhỏ tỏi ớt cho vào bát, thêm đường, cốt chanh và nước lọc, khuấy tan đều để đó. Lúc nào gần ăn thì cho thêm nước mắm và ít thì là băm nhỏ vào để hỗn hợp ớt tỏi thì là nổi lên và bát nước chấm cũng ngon hơn.
– Nướng cá: Lót lớp giấy bạc, sau đó cắt cá miếng vừa ăn xếp vào. Để ở nhiệt độ 180 độ, 12 phút. Sau đó lấy ra, lật lại mặt cá, nướng tiếp ở nhiệt độ 180 độ, 10 – 12 phút là xong (dựa vào độ vàng của cá lúc chiên lần 1 để căn chỉnh cho lần 2).
15. CHẢ RAM TÔM ĐẤT
– Rã đông chả ram (không quá mềm sẽ làm chả ram nhũn), xếp vào nồi chiên không dầu. Không cần lắc thêm dầu mỡ vì trong nhân chả ram là thịt pha mỡ, lát chiên xong nó tự chảy mỡ ra (khá nhiều).
– Cho vào nồi chiên không dầu bật chế độ 180 độ – 12 phút. Sau đó lật trở lại, nướng thêm ở cùng nhiệt độ 10 phút.
– Thành phẩm giòn tan ăn kèm rau sống/bún, chấm nước chấm chua ngọt là ngon nhất.
16. KHOAI TÂY CHIÊN (LÀM LOẠI SỢI DÀI)
– Khoai tây cắt miếng vừa ăn như dạng đóng gói sẵn hay bán ở các siêu thị.
– Ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút, rửa lại sạch để ráo nước.
– Xóc cùng một tí bơ và dầu ăn.
– Cho vào nồi chiên, nhiệt độ 200 độ C, 15 phút. Sau đó lấy ra để nguội hẳn, xóc lại đều, chiên thêm 1 lần nữa ở nhiệt độ 180 độ C, 6 phút. Chiên thêm 1 lần nữa ở nhiệt độ như vậy khoảng 4-6 phút tùy độ mỏng dày của sợi khoai.
Thường mình chiên 3 lần để khoai có độ giòn mong muốn. Còn nếu chiên 2 lần thì lần thứ 2 chiên khoảng 10 phút. Món này chấm cùng tương cà trộn mayonnaise.
17. THỊT VIÊN LÁ HÚNG QUẾ CHIÊN
Nguyên liệu:
– Nạc vai hoặc thịt ba chỉ để có phần mỡ
– Hành tím khô băm
– Tiêu, hạt nêm, mắm ngon
– Rau húng quế
– Hành mùi
Cách làm:
– Thịt lợn xay ướp với hành khô, tiêu, nêm, mắm… để 15 phút cho ngấm. Cắt nhỏ rau húng quế cho vào trộn đều cùng.
– Sau đó viên từng viên tròn rồi đặt vào bếp chiên không dầu.
– Mình thường chiên lật mặt. Lần 1 chiên ở 180 độ, 8 phút. Lần 2 trở thịt viên, chiên thêm 6 – 8 phút ở nhiệt độ 180 là xong.
– Thành phẩm chấm cùng tương ớt lúc nóng là ngon nhất.
18. SÒ ĐIỆP NƯỚNG MỠ HÀNH
Nguyên liệu chuẩn bị
– Sò điệp: 7 – 8 con, khoảng 1kg
– Lạc – Hành khô – Mỡ lợn – Bơ
– Rau gia vị: hành tăm, cuống hành lá
Cách chế biến:
– Sò điệp được bảo quản cấp đông, nên trước khi chế biến 30 phút thì lấy ra rã đông. Sò điệp rửa sạch, dùng bàn chải đánh sạch mai. Nếu sò tươi chỉ cần đem ra rửa và đánh sạch mai.
– Hành củ gọt vỏ, thái mỏng, cho vào nồi dầu chiên vàng.
– Lạc rang, tách vỏ lụa, giã không quá nhỏ.
– Cuống hành lá thái ngắn, rau răm rửa sạch, bỏ phần già, thái nhỏ.
– Sò điệp tách vỏ, giữ lại một bên vỏ.
– Cho mỡ lợn vào chảo, phi thơm cuống hành lá vừa cắt ở trên.
– Cho phần hành lá phi thơm trút lên từng con sò, thêm một xíu nhỏ bơ bằng hạt lạc.
– Lót một lớp giấy bạc vào nồi chiên không dầu, cho sò điệp vào, để nhiệt độ 200 độ C, thời gian 4 phút.
– Sau đó lấy ra, cho thêm lạc và rau răm vào, chiên ở nhiệt độ và thời gian như trên, trong khoảng thời gian 3 phút.
– Lấy ra, cho hành khô rắc lên trên.
Món sò điệp nướng mỡ hành chấm kèm với muối tiêu chanh hoặc xì dầu mù tạt đều ngon.
19. TÓP MỠ
– Mỡ lợn (mỡ khổ cho ngon, mỡ lá thường mỏng) rửa sạch, thái nhỏ
– Cho vào nồi chiên không dầu ở 180 độ trong 15 phút. Đảo tóp mỡ 1 lần (tổng khoảng 4 lần) đến lúc mỡ ra nước thanh tóp hơi nhuốm vàng.
– Cho bát mỡ và tóp mỡ ra riêng, chờ nước mỡ nguội, lọc cặn, cho vào lọ/hộp bỏ ngăn mát dùng dần.
– Phần tóp mỡ có thể làm món tóp mỡ chua ngọt bằng cách:
+ Phi thơm hành, cho tóp mỡ vào đảo thơm
+ Cho nước sốt chua ngọt tự chế hoặc nước sốt Thái vào
+ Rim nhỏ lửa sau đó cho ít hành lá thái nhỏ vào là được.
20. CÁ RÔ PHI NƯỚNG SẢ ỚT VÀ SA TẾ
Nguyên liệu
– 01 con cá rô phi
– Thì là, nước mắm, dầu ăn, dầu hào, bột canh, hạt tiêu
– Dưa chuột, chuối xanh, dứa, rau ăn kèm (ngổ, thì là,…), lá nem cuốn ăn sống
– Tỏi, ớt, sả, sa tế
Cách làm
– Cá rửa sạch với muối cho sạch nhớt, làm sạch màng đen trong bụng cho đỡ tanh, để ráo nước.
– Khứa nhẹ thân cá để ướp gia vị cho ngấm và chín đều.
– Hỗn hợp ướp: Rau thì là thái nhỏ, sả ớt (bỏ hạt) đập dập băm nhỏ, hạt tiêu, nước mắm, dầu hào, dầu ăn, bột canh, sa tế trộn thật đều.
– Dùng bao tay xoa đều hỗn hợp lên hai mặt thân cá, phần còn lại nhét vào trong bụng cá, ướp khoảng 1 – 2 tiếng cho ngấm gia vị.
– Đồ ăn kèm: dưa chuột rửa sạch thái lát mỏng, chuối xanh tước vỏ thái mỏng ngâm cùng với chút muối và giấm pha loãng để không bị thâm, dứa thái lát mỏng. Rau ăn kèm rửa sạch để ráo.
– Pha nước chấm: băm nhỏ 3 nhánh tỏi, 1 quả ớt, cho vào bát con, vắt cốt chanh hoặc quất, thêm đường, nước lọc đánh tan trộn đều, sau đó cho từ từ nước mắm vào cho vừa, thêm ít thì là thái nhỏ vào.
– Chiên cá: mình không lót giấy bạc với món cá này
Chiên lần 1: 200 độ trong 15 phút
Chiên lần 2: 190 độ, 6 – 8 phút
Tùy độ to nhỏ của cá để điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp đế tránh việc cá bị cháy.
– Bày cá ra đĩa, dùng bánh đa nem gỡ cá cuốn ăn kèm các nguyên liệu ở trên.
21. ĐẬU PHỤ CHIÊN KHÔNG DẦU
– Đậu phụ thái miếng vừa ăn với món bún riêu. Nếu miếng đậu to hơn thì cài nhiệt độ khác nhé (để nhiệt 200 độ C 10 phút, sau đó lật mặt thêm 6-10 phút nữa)
– Còn miếng này mình cắt nhỏ nên hôm rồi chỉ để 190 độ C, 10 phút sau đó lật mặt 200 độ – 8 phút nữa.
Chiên lần 1 xong mọi người kiểm tra độ se và vàng của mặt đậu để cài nhiệt độ cho lần lật mặt là được nhé.
Ngọc Lan (Phụ Nữ Việt Nam)
Nguồn: Eva