Mùa vải đang rộ và rất rẻ, bạn hãy tranh thủ để làm siro vải, nước vảiuống liền… để cả nhà cùng thưởng thức nhé.
1. Sơ chế vải giúp giảm bớt “nóng”
Vải chứa lượng đường cao, bởi vậy nếu ăn nhiều, bạn có thể bị nổi mụn hoặc cảm thấy nóng nực. Vì thế, quả vải vẫn được cho là loại quả nóng. Vậy, để giúp vải bớt “nóng”, cách đơn giản là làm giảm lượng đường trong đó đi.
Quả vải mua về bóc vỏ, tách bỏ hột. Dụng cụ đơn giản nhất là mũi dao nhọn: bạn chỉ cần khéo léo khứa 1 vòng quanh hột vải rồi gẩy hột ra là được trái vải đẹp đẽ như ngọc thế này rồi.
Sau khi bóc hết vải, ta xếp vải vào hộp rồi pha hỗn hợp nước muối 30% (300g muối trong 1 lít nước) ngâm ngập trái vải trong vòng 60 phút.
Nếu muốn vải giữ được độ giòn tốt hơn, bạn hãy để cả hộp nước vào trong tủ mát trong suốt thời gian ngâm vải.
Sau 60 phút, bạn đổ vải ra rổ cho ráo nước. Có thể xả lại vải với nước lạnh 1 lần nữa cho hết vị mặn hoặc không tùy ý bạn. Vị mặn không đáng kể ở lớp ngoài quả vải chỉ giúp thịt quả được ngọt hơn chứ không ảnh hưởng nhiều tới vị quả vải đâu nhé.
Vải sau khi ráo nước có thể xếp vào hộp, trữ ngăn mát ăn trong 2-3 ngày hoặc trữ ngăn đông trong vòng 3 tháng để ăn dần nhé.
2. Làm nước vải uống liền kiểu đóng hộp
Để làm nước vải, ta cũng nên có bước “khử nóng” quả vải như trên. Vải sau khi sơ chế phải để thật ráo nước trước khi làm.
Trước hết, ta đun 1 lít nước với 200-300g đường cát trắng. Lưu ý là vải có nước ngọt nên với 2kg vải tươi, ta sẽ thu được 1,3kg vải thịt. Với lượng này, ta nấu 1 lít nước đường là vừa đủ nhé.
Đun nước đường cho sôi kĩ. Lúc này, mở lửa lớn hết cỡ rồi cho vải vào nồi.
Đun mở nắp cho tới khi thấy nước vải sôi thì bắt đầu bấm giờ. Sau 3 phút sôi. Các bạn tắt bếp rồi nhanh tay chia vải và nước vào các lọ thủy tinh có nắp kim loại sao cho nước vải ngập tới miệng lọ.
Nhanh tay đóng nắp thật chặt ngay khi nước vải còn nóng. Để các lọ nước vải nguội tự nhiên. Khi nguội hoàn toàn, bên trong các lọ vải sẽ hình thành lực hút chân không giúp giữ lọ nước vải không bị thiu hỏng do các vi khuẩn ưa khí như thông thường.
Cất các lọ nước vải vào tủ mát. Khi uống, chúng ta chỉ cần mở nắp là có ngay 1 lọ nước quả ngon lành và đảm bảo rồi.
Vải đóng hộp như thế này có thể bảo quản trong tủ mát 1 tháng.
Nếu để ở ngoài, đặc biệt là chỗ có ánh sáng và nóng, nước vải dễ bị lên men rượu do lượng đường trong nước khá ít không đủ để bảo quản vải.
3. Làm siro vải dể dành
Muốn bảo quản vải ngoài tủ lạnh mà không sợ lên men, bạn hãy làm siro vải.
Cách làm tương tự như làm nước vải nhưng tỉ lệ nguyên liệu và thời gian đun có nhiều thay đổi như sau:
Tỉ lệ nguyên liệu: 1kg vải thịt : 500ml nước : 800g đường.
Đun đường với nước cho sôi tới khi nước đường hơi sánh lại thì cho vải đã thật ráo nước vào.
Đun sôi hỗn hợp trong 7-10 phút rồi thực hiện đóng lọ như với nước vải.
Các lọ vải này sau đó có thể được luộc lại trong nước 1 lần nữa để đảm bảo lực hút chân không cao nhất.
Các lọ siro vải có thể bảo quản 1-3 tháng ở chỗ mát và tối.
Nếu trữ trong tủ mát, siro vải đặc có thể bảo quản tới 6 tháng.
Khi dùng, ta chỉ việc mở lọ và mang đi chế biến các món uống hoặc món tráng miệng ngon lành rất tiện lợi.
Bài và ảnh: Jun Canty Lee