Chiếc xe bánh ống của dì Bảy đã tồn tại ở chợ Đất Sét hơn 30 năm, giúp dì nuôi hai con ăn học, trưởng thành.
Những chiếc xe nổ bỏng gạo, bánh ống trở thành một phần ký ức khó phai với những người lớn lên ở những vùng quê nghèo khó. Hầu như khu chợ nào cũng có bóng dáng những chiếc xe thô sơ nhưng chở theo món quà vặt yêu thích của biết bao đứa trẻ.
Khu chợ Đất Sét, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng có một chiếc xe đặc biệt của vợ chồng dì Bảy. Tiệm bánh ống của dì thân thuộc với người dân vùng quê này suốt nhiều thập kỷ.
Hai vợ chồng dì Bảy nổ bánh ống suốt hơn 30 năm. Chiếc xe thô sơ, tiếng máy nổ đều đều đã giúp gia đình dì nuôi hai con ăn học và trưởng thành.
Gạo được đổ vào phễu, xay nhỏ và nổ thành từng chiếc bánh màu trắng, rỗng ruột, thơm mùi gạo, ngọt nhẹ, thơm thơm.
Xe nổ bánh ống vốn được chế tạo riêng, cải tiến, lắp ghép, giống như một “căn nhà di dộng” giúp người bán có chỗ trú mưa, trú nắng.
Bánh ống được cắt nhỏ thành từng thanh dài chừng 20 cm, bỏ vào bịch nilon. Giá bán bánh ống bao năm vẫn bình dân, là thức quà mà ai cũng có thể mua thưởng thức.
Với những người dân thành thị, xe nổ bánh ống dường như có phần xa lạ, nhất là giữa cuộc sống hiện đại với vô vàn món ăn vặt ngoại nhập hấp dẫn.
Nhưng với những người lớn lên từ những khu chợ miền quê, bên những cánh đồng lúa gạo bạt ngàn, bánh ống bỏng gạo trở thành một phần khó quên trong ký ức. Chỉ cần nghe tiếng máy rần rần vọng từ xa cũng khiến người xa xứ nao nao.
Những chiếc bánh ống mới xay nóng hổi, giòn rụm, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Đó là mùi hương thoang thoảng của gạo, thấm đượm sự vất vả một nắng hai sương của những người nông dân.
Những hình ảnh xe bánh ống được nhiếp ảnh gia trẻ Nguyễn Kỳ Anh ghi lại ở quê hương Đồng Tháp trong đợt về quê tránh dịch. Với anh, quà quê vẫn có sức hút kỳ lạ. Chợ quê cũ kỹ, đơn sơ nhưng là nơi mẹ mang về những bữa cơm ngon lành, là một phần kỷ niệm thời thơ ấu.
Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh
Nguồn: Ngôi sao