Thời buổi hiện đại này việc nấu ăn đôi khi không chỉ là để phục vụ nhu cầu ĂN của mỗi cá nhân và gia đình mà nó còn trở thành niềm vui, thú thư giãn lúc rảnh rỗi của nhiều chị em.
Nhiều gia đình sợ ăn ngoài tiệm vì không đảm bảo được nguồn gốc và độ an toàn của các món ăn. Nấu ăn tại nhà vừa là truyền thống để giữ gìn tình cảm gia đình qua mâm cơm ấm cúng vừa tiết kiệm lại đảm bảo chất lượng và an toàn.
Ấy thế mà có những sai lầm vô tình chúng ta mắc phải trong gian bếp lại kéo theo ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của những người mà ta yêu thương. Cùng điểm lại những sai lầm khi nấu ăn này nhé!
1. Dầu ăn: Sử dụng dầu sai mục đích hoặc dầu đã qua chiên qua
Những quảng cáo lặp lại về lợi ích từ dầu thực vật với sức khỏe tim mạch khiến chúng ta tin chắc là chế biến tất cả món ăn từ dầu thực vật như dầu gạo, dầu mè, dầu hướng dương, dầu đậu nành… thì sẽ tốt.
Tuy nhiên mỗi loại dầu ăn sẽ có nhiệt độ sôi khác nhau, nếu sử dụng sai mục đích chế biến thì món ăn nấu ra sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe. Như dầu hướng dương và dầu gạo có nhiệt độ sôi thấp, chỉ thích hợp cho các món trộn salad hoặc món không qua gia nhiệt cao, không thích hợp cho các món chiên ngập dầu.
2. Chất béo có hại: Nên hạn chế bằng cách sử dụng sản phẩm chứa ít chất béo “low-fat”
Mọi việc nên được nhìn nhận ở nhiều góc độ và bạn không nên bị dẫn dắt bởi bất kì quan niệm chủ quan nào. Thực tế không phải chất béo nào cũng có hại hay có lợi hoàn toàn vì nó còn tùy thuộc vào hàm lượng và đối tượng sử dụng. Chất béo cung cấp năng lượng cho các tế bào, củng cố màng tế bào để bảo vệ các cơ quan trong cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất.
Như bơ, cá hồi được xem là nguồn cung cấp chất béo omega 3 dồi dào.
Sữa “low-fat” hoặc “non-fat” thường loại bỏ chất béo và thay thế bằng đường để cân bằng lại. Dung nạp đường quá nhiều sẽ phá hủy sức khỏe với các bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì…
Chuyên gia dinh dưỡng từ Harvard khuyến nghị bạn nên đọc kỹ thành phần trên nhãn sữa, nếu lượng chất béo bão hòa nằm trong khoảng 2 -3g thì không vấn đề gì.
3. Sử dụng một loại thớt cho cả thịt cá sống và đồ chín
Sử dụng hai loại thớt khác nhau cho đồ sống và đồ đã qua chế biến để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn chéo từ đồ sống.
Thịt cá, hải sản sống sử dụng tấm thớt nhựa.
Rau củ, đồ đã qua chế biến thái trên thớt gỗ. Thớt gỗ nên phơi ngoài nắng sau khi rửa để tránh nấm mốc phát triển.
4. Lạm dụng thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn và lò vi sóng
Lạm dụng hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng sẽ kích thích các tác nhân gây ung thư phát triển. Chọn hâm thức ăn trên nồi chảo hoặc rã đông chậm sẽ an toàn cho sức khỏe bạn nhé!
Thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn dù nhanh gọn, tiện lợi do chỉ mất vài phút hâm nóng nhưng lại chứa chất bảo quản để tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm, chưa kể mùi vị và cấu trúc cũng không ngon và chất lượng như đồ ăn được nấu trong ngày.
5. Lạm dụng gia vị
Lạm dụng đường, muối, bột nêm đều gây hệ lụy cho sức khỏe về lâu dài. Món ăn nên sử dụng các nguyên liệu cung cấp vị ngọt tự nhiên, đừng ăn quá ngọt hay quá đậm đà.
Đặc biệt là bột ngọt không nên cho vào nồi đang nấu sôi sẽ gây ra các biến tính trong món ăn, càng không nên ăn sống bằng cách cho vào muối ớt, muối tiêu vì khó tiêu hóa. Nên cho bột ngọt khi đã tắt bếp và nhiệt độ vào khoảng 50 – 60 độ C.
Nguồn: Afamily