Am hiểu công dụng của những loại đồ uống sau đây giúp bạn giải độc cơ thể, chống viêm, kháng khuẩn. Chúng vô cùng hiệu quả không chỉ trong mùa Covid quay trở lại mà còn có giá trị lâu dài về sau.
1. Trà gừng
Trà gừng vốn được ông cha chúng ta sử dụng từ xa xưa như một liều thuốc tự nhiên để trị các triệu chứng về đường ruột và tiêu hoá. Hợp chất “vàng” gingerol trong gừng có tác dụng trong việc chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch và tránh những bệnh viêm nhiễm.
Cách nấu trà gừng
Đun sôi 250ml nước. Cho 5- 6 lát gừng bào hoặc gừng thái sợi mỏng vào nấu trong 5 – 10 phút. Sau đó, tắt bếp để nguội. Nặn vào một trái tắc hoặc một lát chanh và thêm đường hoặc mật ong để có vị ngọt dễ uống.
Lưu ý: Nên uống trà gừng vào sáng hoặc trưa, tránh uống lúc chiều tối. Phụ nữ có thai, người đang đau dạ dày, bệnh về gan thì tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng.
2. Nước trà xanh
Nước trà xanh có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra, theo Đông y, trà xanh còn có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, lợi tiểu, định thần, diệt khuẩn, giúp vết thương mau khô và chóng lên da non…
Thành phần polyphenolic trong trà có hiệu quả chống ung thư rất rõ, dịch chiết từ nước hãm trà có tác dụng ngăn cản sự hình thành chất gây ung thư nitrosamin. Nhiều nghiên cứu khắp nơi đều cho thấy trà là thức uống dự phòng hay điều trị chứng ung thư hiệu quả. Hội Ung thư học Mỹ vận động dân chúng hàng ngày uống 6 tách trà xanh có thể giúp dự phòng ung thư.
Cách nấu nước trà xanh
Cho 100gr lá trà xanh tươi vào ấm hoặc nồi chứa 2 lít nước.
Đun lửa lớn cho đến khi sôi bùng lên thì vặn lửa nhỏ lại. Tiếp tục đun thêm 10 phút thì tắt bếp.
Lá trà tươi cất trong tủ lạnh sẽ bị lên men và mất dần đi những thành phần chống oxy hóa của trà xanh. Do vậy nên bạn có thể dùng lá trà khô để thay thế.
Cách nấu lá trà xanh khô
Đun sôi nước và để nguội bớt, còn khoảng 80 độ C là được. Sau đó, cho lá trà vào nồi nước và hãm trong khoảng 2 – 3 phút là uống được.
Lưu ý: Bạn nên pha nước trà vừa phải và uống hết trong ngày. Vì thành phần catechin (chống oxy hóa) trong trà xanh sẽ bị mất dần theo gian dù được bảo quản trong tủ lạnh.
3. Nước tỏi ngâm
Theo các nghiên cứu khoa học, sử dụng tỏi có thể làm ngắn thời gian mắc cảm cúm, giảm mức độ trầm trọng của các triệu chứng. Trong tỏi chứa một hợp chất tên là alliin vừa có tính diệt khuẩn, vừa tác động trực tiếp lên virus và tiêu diệt chúng.
Cách làm nước tỏi ngâm
Một tép tỏi bóc vỏ, cắt đôi và đập dập. Đổ vào đó 1 lít nước vào hãm ở nhiệt độ phòng. Có thể uống từ 1 – 2 cốc nước tỏi mỗi ngày vào buổi sáng và trưa sau khi đã ăn xong.
Bạn có thể cho thêm ít mật ong để dễ uống hơn nhé!
Nguồn: Afamily