Bia gừng được tạo nên chỉ với thành phần đơn giản là gừng, nước, đường, men và cách làm không kém phần thú vị.
Bia gừng là một loại đồ uống ngọt có ga được chế biến theo phương pháp lên men tự nhiên. Có thể không như bạn nghĩ, bia gừng được làm từ những nguyên liệu vốn giản đơn như: gừng, nước, đường, men. Thức uống này bắt đầu nổi tiếng ở Anh quốc những năm 1800.
Dù là bia nhưng thực chất bia gừng sẽ khá giống vị soda hơn, bởi có nồng độ cồn rất thấp. Tùy theo thời gian ủ lâu hay không mà nồng độ cồn sẽ tăng theo, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều các loại bia bình thường.
Được sự chia sẻ của cô nàng chủ bếp Hạnh Nhi (TP HCM), hôm nay, Emdep.vn sẽ chia sẻ với các bạn cách làm bia gừng đơn giản và không kém phần thú vị.
Đầu tiên, làm men gừng:
– Chuẩn bị 1 lọ to chứa được tầm 750ml – 1l nước, tiệt trùng sạch sẽ.
– Rửa sạch, bào nhuyễn (hoặc băm nhuyễn) 30g gừng tươi. Bạn có thể để vỏ hoặc cạo sạch vỏ cũng được.
– Cho gừng vào lọ cùng với 500ml nước và 30g đường cát trắng, khuấy đều, dùng vải mùng hoặc khăn thưa bọc ở miệng lọ.
– Để lọ ở nơi thoáng mát, nuôi men trong 5 – 7 ngày.
– Mỗi ngày đem ra cho men ăn 30g đường, 30g gừng nhuyễn (có thể cho ăn cách ngày cũng được).
– Những ngày đầu nuôi men thì sẽ nghe mùi hơi “kì lạ” một chút, nhưng đến ngày 3 thì mùi gừng sẽ thơm hơn.
– Men sau 7 ngày thì chuyển sang tủ lạnh (để hạn chế quá trình lên men), mỗi tuần “cho ăn” 1 lần là được.
Sau đó là ủ bia gừng:
Sau khoảng 3 – 5 ngày nuôi men thì mình đã có thể chuyển sang bước ủ bia gừng:
– Chuẩn bị những chai nhỏ có nắp cài, rửa sạch và tiệt trùng.
– Cho vào nồi 1,8 lít nước, 100g gừng, 300g đường, 30g chanh vàng, 1 ít lá dứa (Lá dứa và chanh vàng có thể bỏ qua).
– Bắt nồi lên bếp và đun sôi, sau đó hạ nhỏ lửa đun thêm 10 phút thì tắt bếp và để nguội hoàn toàn ở nhiệt độ phòng (không được để tủ mát).
– Chắt lấy 150ml nước từ lọ nuôi men gừng, vắt 100ml nước cốt chanh.
– Khi nồi nước gừng nguội thì cho vào đó men gừng, nước cốt chanh, khuấy đều và lọc qua rây.
– Cho vào chai, đậy kín nắp và ủ ở nơi thoáng mát trong 3 – 5 ngày nữa.
– Sau 3 – 5 ngày mở nắp kiểm tra, nếu nghe tiếng nổ póc và xì gas thì chuyển sang tủ lạnh và dùng dần. Như vậy mà món bia gừng đã chính thức hoàn thành.
Lưu ý: Bạn không nên đổ hỗn hợp đầy chai và cách 1 – 2 ngày nên mở nắp chai để xì bớt khí gas, tránh tình trạng gas quá nhiều khiến chai bị tức và nổ.
Tuy gọi là bia gừng nhưng lại khá giống Soda, uống nhẹ nhàng, thơm dịu mà còn “chill chill” nữa đó!
Chúc bạn thành công!
Mai Chi
Ảnh: Hạnh Nhi