Tầm độ quá nửa tháng tám âm lịch, khi nắng hè đã dịu, thời tiết chuyển sang thu, cũng là lúc những quả bứa rừng trung du bắt đầu ươm lên màu vàng nhạt, ẩn hiện giữa tán lá xanh mướt.
Quả bứa chín vàng ươm – THANH LY
Miền trung du quê tôi khí hậu tuy khô khan, khắc nghiệt nhưng dường như chất đất, thổ nhưỡng lại phù hợp với cây bứa. Trên các gò đồi, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cây bứa xanh ngát một vùng. Thật lạ, những quả bứa nhỏ bé, lúc còn xanh da cứng là vậy, nhưng khi chín chuyển sang vàng như ươm hết nắng mùa thu rồi dần lại mềm ra, làn da mỏng manh, tỏa mùi thơm thanh tao, tiết vị ngòn ngọt, chua thanh tinh khiết, tạo nên sức hút hấp dẫn khiến đám trẻ trong xóm tụ tập, vui đùa rồi tranh nhau hái. Đứa nào gan dạ thì trèo lên cây, có đứa thì kiên nhẫn dùng gậy khều những quả bám nơi cành xa. Riêng tôi, hồi còn thơ bé tha hồ thưởng thức bởi mỗi chiều đi rừng về, lủng lẳng sau gánh củi của dì bao giờ cũng có đôi ba chùm bứa.
Những quả bứa chín đúng độ thu về bao giờ cũng rất to, mọng, vỏ vàng ngon mắt, chỉ cần tách đôi vỏ ra là đã bắt gặp những múi bứa ngọt lịm, xen thêm một tí chua thanh rất nhẹ. Vị chua ấy càng làm cho bứa rừng thêm quyến rũ, thanh tao. Không chỉ thưởng thức trực tiếp như bao món trái cây khác, bứa rừng còn là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ngon.
Chao ôi, ly nước bứa tuổi thơ, đặc trưng và bình dị, không hề lẫn lộn với các loại nước quả khác bởi được tích tụ tất cả vị ngon ngọt của núi rừng, đồng quê trung du
Những năm bứa được mùa, ngoại và dì ngồi bệt trên nền sân trước nhà, tách từng quả bứa, phơi đầy trong nắng thu. Bứa phơi khô để dành, treo giàn bếp đến vài ba tháng. Cả bứa tươi và bứa khô người dân quê tôi đều dùng kho với cá đồng hay nấu canh chua. Chỉ cần đôi ba quả bứa khô, mẻ cá thì nồi canh chua đã hội đủ vị ngọt, vị chua đậm đà hương đồng gió nội, làm cho bữa cơm càng thêm thi vị.
Và tôi bắt đầu mê bứa hơn từ khi dì biến tấu bứa chín thành món giải khát cách điệu cho đám cháu trong nhà. Dì tỉ mẩn rửa sạch quả bứa, để nguyên vỏ rồi cắt thành nhiều phần nhỏ, loại bỏ hột. Trong khi chờ nồi nước đang đun sôi, dì ra ngoài vườn chặt bẻ đôi ba cây mía, chặt thành khúc nhỏ và đập dập thân mía. Khi nồi nước đã sôi, dì cho mía vào đun chừng mươi phút thì mới thêm bứa.
Mùi thơm từ nước bứa, mía bay lên thoảng đưa trong chái bếp cũng là lúc vị ngọt đậm đà của nước mía hòa quyện vị ngọt chua thanh của bứa. Giữa tiết thu se se lạnh, ly nước giải khát nóng hổi “đặc biệt” của dì giúp giải cảm, xua tan mệt mỏi. Nếu thích, có thể chờ nước thật nguội, húp cạn một hơi, cảm giác như được tắm trong làn nước mát lành từ đầu lưỡi lan tỏa khắp cơ thể.
Chao ôi, ly nước bứa tuổi thơ, đặc trưng và bình dị, không hề lẫn lộn với các loại nước quả khác bởi được tích tụ tất cả vị ngon ngọt của núi rừng, đồng quê trung du.
“Mùa này lại thêm bứa rừng, con có còn nhớ không?”, nụ cười nhẹ sau câu hỏi của dì gợi lại trong tôi cả một khoảng trời tuổi thơ đầy thương nhớ.
Nguồn: Thanh niên