Ở một số xã tại H.Tiền Hải, Thái Bình, từ bao đời nay đã có món bánh nghệ, thứ quà quê dân dã khiến ai từng thưởng thức qua sẽ nhớ mãi.
Bánh nghệ, món quà quê khiến người già đến trẻ nhỏ đều mê mẩn – Ảnh Nam Hồng
Bánh nghệ, cái tên nghe đã thấy lạ, ăn còn thấy lạ miệng hơn. Chẳng biết từ bao giờ, bánh nghệ đã trở thành món ăn dân dã ở mỗi phiên chợ quê tại các xã Nam Trung, Nam Thanh, Nam Hồng, Nam Thắng, Nam Chính thuộc vùng biển phía nam H.Tiền Hải. Đây là món quà quê khiến người già đến trẻ nhỏ đều mê mẩn.
Trong ký ức của nhiều người dân Tiền Hải, cùng với củ ấu, bánh cuốn, bánh hỏi,… thì bánh nghệ là thức quà luôn được mong chờ nhất.
Giữa cơn đói cuối giờ sáng hay cuối giờ chiều, miếng bánh nghệ còn nóng hổi phảng phất mùi thơm của gạo, của củ nghệ, củ hành hòa quyện với vị béo ngậy của mỡ cũng đã đủ làm ngất ngây người thưởng thức.
Không giống như bánh chưng, bánh nếp, bánh mật, bánh rán, là những loại bánh được làm từ gạo nếp, bánh nghệ được làm từ gạo tẻ nên ăn không bị ngán hay nóng ruột.
Ông Đỗ Quốc Bảo (ngụ thôn Hợp Thành, xã Nam Trung), một người có thâm niên làm bánh nghệ ở xã Nam Trung, H.Tiền Hải, cho biết không rõ món bánh nghệ có từ bao giờ, chỉ biết gia đình ông đến nay đã 4 đời làm loại bánh này.
Bánh nghệ được làm từ gạo tẻ nên ăn không bị ngán hay nóng ruột. = Ảnh Nam Hồng
Theo ông Bảo, thời xưa, để làm được những mẻ bánh nghệ thơm ngon, người thợ phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị bột gạo tẻ, hành, mỡ và củ nghệ.
Theo đó, củ nghệ phải tươi, to, không thối… Nghệ sau khi làm sạch sẽ được giã, lọc lấy nước. Gạo tẻ được ngâm khoảng 3 – 5 tiếng rồi vớt ra để ráo, sau đó cho vào cối xay thành bột cùng với bột nghệ. Hành củ, tóp mỡ, bột quế được xay nhỏ, thêm một chút nước mắm, bột gạo tẻ đã qua 1 lần hấp trộn đều để làm nhân. Tiếp theo, bột gạo tẻ được cho vào nồi hấp, khi chín được 70% thì đưa ra ngoài xay mịn.
Công đoạn đặc biệt là làm nhân bánh. Đây là việc đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới pha chế được nhân bánh đảm bảo vị thơm nồng của nghệ, vị ngậy béo của mỡ và hành khô.
Qua bàn tay khéo léo của những người thợ, những nguyên liệu dân dã trở thành những chiếc bánh nhỏ xinh, vàng rộm, thơm nồng. Sau khi thành hình, bánh nghệ được mang đi hấp chín.
Người dân Tiền Hải cho rằng, ăn bánh nghệ giúp kích thích tiêu hóa, tốt cho phát triển thể chất, vì không dùng chất bảo quản, phẩm màu. Ngoài ra, bánh nghệ được coi là một vị thuốc chống viêm, giải độc, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể và làm đẹp da phụ nữ, phòng bệnh sản cho phụ nữ hậu sinh.
Anh Hiếu (30 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Nam Hồng, H.Tiền Hải, công tác xa quê. Thi thoảng về quê, anh Hiếu lại cùng người thân tới phiên chợ Quán xã Nam Trung để thưởng thức lại món bánh nghệ gắn liền với tuổi thơ. Ảnh Nam Hồng
Chính vì vậy, khi đi thăm hỏi phụ nữ mới sinh, người dân Tiền Hải thường hay mua 1 túi bánh nghệ làm quà.
Du khách từ xa đến Thái Bình, nếu muốn thưởng thức món bánh nghệ ngon thơm và bổ dưỡng nhất, phải tìm đến phiên chợ sáng ở xã Nam Trung hoặc chợ xã Nam Thanh, H.Tiền Hải.
Nguồn: Thanh niên