Ăn bánh xèo bông điên điển nhớ mùa nước nổi miền Tây

Mùa này bông điên điển nở rộ khắp vùng sông nước miền Tây. Với người dân nơi đây, đến mùa của loại hoa vàng này thì y như rằng, trong tất cả các món ăn đều có mặt của nó. Từ điên điển ăn với hủ tiếu, bánh canh cho đến điên điển xào tép, điên điển nấu canh chua hay đặc biệt là món bánh xèo điên điển độc đáo.

Ăn bánh xèo bông điên điển nhớ mùa nước nổi miền Tây

Mùa này bông điên điển nở rộ khắp vùng sông nước miền Tây

Cách đây 10 năm, trong chuyến công tác về vùng lũ huyện Thoại Sơn (An Giang), tôi tình cờ được mời ăn món bánh xèo bông điên điển.

“Điên điển mùa này nhiều, chế biến đủ món, ăn riết cũng nhàm nên mình chế biến món này, đã ăn thử, thấy ngon, lạ, cũng là đặc trưng mùa này nên mạnh dạn làm mời khách phương xa”, tác giả món ăn giải thích.

Dù chưa ăn, chỉ nhìn cái màu vàng ươm của chiếc bánh, những bông điển điển đã qua dầu và lửa khép lại, e ấp trong miếng bánh đã muốn cắn thử xem mùi vị thế nào.

Ăn bánh xèo bông điên điển nhớ mùa nước nổi miền Tây

Những bông điên điển đã qua dầu và lửa khép lại, e ấp trong miếng bánh

Vị béo của mỡ, vị bùi bùi của bông điên điển, thêm chút mặn mà, thấm tháp của miếng thịt ba rọi đã được tẩm ướp gia vị trước đó kèm trong bánh xèo khiến ai ăn vào cũng khen ngon, khen lạ nhưng không hề khó ăn.

Cuối tuần rồi, người em quen ở An Giang lên chơi, thế là tôi không ngại xin cô ấy một ít bông điên điển quê nhà.

Em bảo em cố ý ra sau nhà tự hái bông điên điển lên tặng gia đình nhưng thú thật là rất khó để hái cho đầy rổ khi mình không chuyên, thế là phải ra chợ mua từ những người hái bông chuyên nghiệp.

Điên điển có rồi, phải làm cho “ra” món bánh xèo điên điển xem có gặp lại hương vị của ngày xưa không.

Chuẩn bị giá, thịt heo ba rọi đã ướp gia vị, bột, hành lá, tất nhiên không thiếu bông điên điển đã bỏ cuốn. Lúng túng làm món mới, bỏ thịt xào trước, đổ bột vào rồi mới rắc điên điển, giá lên. Kết quả, chiếc bánh khá đẹp mắt nhưng điên điển còn…tươi, ăn vào có vị đắng, khó nuốt.

Ăn bánh xèo bông điên điển nhớ mùa nước nổi miền Tây

Màu vàng ươm của chiếc bánh xèo điên điển

Rút kinh nghiệm, lần đổ tiếp theo, bỏ thịt, giá và điên điển xào trước, xong đổ bột vào. Và, thật vui sướng khi hương vị ngày xưa đã “trở về”. Có thể không giống lắm bởi đang ở một thời gian khác, không gian khác, hoàn cảnh khác. Dẫu vậy, vị bùi, thơm của điên điển vốn có vẫn hòa trong vị béo, thấm ngọt của thịt heo ba rọi.

Ăn bánh xèo bông điên điển trong một chiều mưa Sài Gòn để nhớ về mùa nước nổi nơi miền Tây yêu thương cũng là một trải nghiệm thú vị!

Author:

Gửi phản hồi