“Hết bàn rồi con ơi! Con chịu khó đợi nhen!” là câu nói quen thuộc đối với nhiều người khi đến ăn lẩu bò nồi đất bà Sáu. Vừa mở bán, chưa đầy 3 giờ quán đã bán hết sạch 100 nồi lẩu.
Hương vị riêng của món lẩu bò nồi đất bằng than hồng – ẢNH: CAO AN BIÊN
Quán lẩu bò của bà Trần Thị Duyên (70 tuổi, ở Q.3) còn gọi là bà Sáu suốt 40 năm qua vẫn giữ được “bí kíp” hút khách đến quán nườm nượp mỗi ngày. Bà Sáu kể, năm 1972 bà cùng chồng từ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban đầu, bà bán bún bò nhưng không cạnh tranh nổi với những hàng quán khác. Năm 1980, bà Sáu quyết định chuyển sang bán lẩu bò để mưu sinh.
“Lúc đầu, tôi bán 7 nghìn đồng một nồi lẩu. Sở dĩ tôi chọn bán lẩu bò nồi đất vì tôi thích nhìn cảnh mọi người quây quần bên nhau bên bếp than ấm, cười nói rôm rả và trò chuyện cùng nhau. Nhìn cảnh đó, tôi thấy ấm cúng lắm”, bà Sáu tâm sự.
Từ thời 7.000 đồng/nồi lẩu
Những ngày quán mới mở, việc buôn bán của bà còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều người biết. Hương vị nồi lẩu của bà lúc đó cũng chưa được “tròn vị” như bây giờ. Bà không ngừng tìm tòi, học hỏi cách nấu, lắng nghe ý kiến của khách hàng để có được công thức nấu lẩu ngon. Sau một thời gian bà đã có cho mình một lượng khách nhất định. Nhiều người Sài Gòn truyền tai nhau về quán lẩu đặc biệt của bà, nên tìm đến quán ngày càng đông.
Bà Sáu nhớ lại: “Có nhiều người đã gắn bó với quán của tôi từ những ngày đầu đến bây giờ. Tôi còn nhớ có hai vị khách đến quán tôi ăn từ hồi còn yêu nhau, đến khi cưới nhau, sinh con, rồi có cháu, họ vẫn dẫn cả gia đình đến quán của tôi”.
Bà tâm sự quán lẩu chính là cuộc đời của bà. Nó đã cùng bà đi hơn nửa cuộc đời với nhiều thăng trầm, biến cố. Bà cho biết mình sẽ tiếp tục bán đến khi nào không còn bán được nữa thì thôi.
Quán lúc nào cũng đông khách. – ẢNH: CAO AN BIÊN
Đóng cửa một ngày là khách nhớ
Ông Ngô Quang Thịnh (48 tuổi, con trai bà Sáu) cho biết quán bán hơn 100 nồi mỗi ngày tương đương gần 40kg thịt bò. Tuy nhiên, vì diện tích của quán khiêm tốn nên nên quán không thể phục vụ nhiều khách cùng một lúc.
“5 giờ 30 phút mới bán nhưng 5 giờ quán đã có khách đến chờ. Tôi và mẹ phải chuẩn bị thật nhanh vì để khách chờ như thế, chúng tôi cũng cảm thấy rất ngại”, anh Thịnh kể.
Bà Sáu tâm sự có hôm khách đến quán đông quá nên nhiều người phải xếp hàng dài để đợi. Thấy mọi người đợi lâu, bà Sáu rất ngại nhưng cũng không biết phải làm gì.
“Có nhiều khách đợi hơn 1 tiếng để ăn món lẩu của tôi, tôi thấy xót quá. Có lúc tôi lại hỏi khách đói không, nếu đói thì ăn ở quán khác rồi hôm sau quay lại chứ đứng đợi lâu như vậy thì mệt lắm. Tuy nhiên, chắc là vì thương tôi nên họ vẫn chấp nhận chờ”, bà kể.
Quán lẩu bò bà Sáu đã bán gần 40 năm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3 – Ảnh: CAO AN BIÊN
Chị Ngô Thị Lam Phương (22 tuổi, ở Q.10) cho biết: “Tôi đã đợi được 30 phút rồi, có lần tôi cũng đợi hơn 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, vì quán ăn vừa ngon giá cả lại hợp lý nên dù có đợi lâu hơn tôi vẫn chấp nhận”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Sáu vui vẻ kể có nhiều khách ở Bình Dương, Thủ Đức hoặc ở những nơi xa khác tìm đến quán của bà để ăn. Không chỉ vậy, họ còn mua mang về cho người thân.
“Tôi ở Bình Dương nhưng vì nghe đồn quán của bà Sáu ngon nên rủ bạn chạy đến đây ăn. Dù có xa thật nhưng sau khi ăn, tôi thấy hoàn toàn xứng đáng”, anh Trần Văn Bình (21 tuổi) cho hay.
Bà Sáu cho biết điều đặc biệt chính là bò được nấu trong nồi đất bằng lửa than hồng. Do vậy, thịt bò không dai mà rất mềm. Không chỉ vậy, nước chấm được nấu theo công thức riêng, có dùng nước cốt dừa nên mang hương vị đặc trưng không giống với bất kỳ đâu.
Những bếp than hồng tạo nên không gian ấm áp cho quán. – ẢNH: CAO AN BIÊN
Bà Huỳnh Thị Hồng (59 tuổi, ở Q.1) đến ăn cùng chồng và con trai, chia sẻ: “Điều tôi thích nhất ở quán không chỉ là món ăn, mà còn là không gian. Cùng gia đình ngồi bên bếp than hồng, vừa ăn lẩu bò nóng hổi vừa kể chuyện cho nhau nghe thì thật là tuyệt vời”.
Bà Sáu cho hay, có thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trước yêu cầu giãn cách xã hội bà đóng cửa quán. Vậy mà vẫn có khách đến hỏi mua lẩu. Những ngày bình thường, bà có việc đóng vẫn có khách đến tìm. Biết khách nhớ mình, hiếm khi bà nghỉ bán một ngày vì sợ làm khách buồn, nhất là những khách hàng ở xa lặn lội tìm đến quán của bà.
Gánh cả gia đình
Bà Sáu cho biết quán lẩu chính là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện tại, bà cùng hai người con phụ trách quán.
“Quán lẩu của đã giúp tôi nuôi sống toàn bộ gia đình. Không chỉ vậy, nó còn giúp tôi nuôi các cháu ăn học thành tài”, bà tâm sự.
Bà cho biết chồng của bà vừa bị tai nạn, nên hiện tại không thể lao động được nữa. Con trai cả của bà hiện tại chưa có vợ, còn con gái thì đã ly hôn. Bà có 2 người cháu ngoại, một người học đại học còn một người học lớp 7. Chi phí học tập hoàn toàn phụ thuộc vào quán lẩu của bà.
Thịt bò được nấu theo công thức riêng nên rất mềm, mỗi ngày quán bán gần 40kg thịt bò. – ẢNH: CAO AN BIÊN
“Các cháu chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày. Tôi chỉ mong sao mình còn đủ sức để làm, cùng các con nuôi cháu ăn học thành tài. Có như vậy, tôi mới yên tâm”, bà cho hay.
Ông Ngô Quang Thịnh (48 tuổi, con trai bà Sáu) cho biết, niềm vui của ông chính là được mỗi ngày cùng mẹ và chị làm lẩu để phục vụ cho mọi người và kiếm tiền nuôi các cháu đến trường.
“Thấy mọi người ăn uống vui vẻ, ông cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Riêng về phần tôi, chắc đến khi nào các cháu thành công thì khi đó chắc tôi mới lấy vợ”, anh Thịnh tâm sự.
Bà Sáu cho biết thêm, số tiền bà kiếm được nhờ quán lẩu chỉ đủ sống, do việc chế biến món lẩu bò nồi đất tương đối tốn kém. Bà kể: “Chi phí mua than, mua thịt khá đắt đỏ. Do quán tôi dùng nhiều lò đất, nồi đất nên rất hay bị vỡ, phải mua mới. Đã vậy, giá lẩu cũng rất rẻ, chỉ 140.000 đồng đối với phần ăn cho 2 người nên cũng không lời được là bao”.
Dù vậy bà vẫn mong mình có đủ sức khỏe để nấu lẩu cho những người yêu món ăn của mình càng lâu càng tốt. Cứ như thế, quán lẩu bà Sáu mỗi đêm vẫn rực lửa than hồng ở một góc nhỏ của Q.3.
Quán lẩu bò nồi đất là nguồn thu nhập của ca gia đình bà Sáu – ẢNH: CAO AN BIÊN
Nguồn: Thanh niên