“Cô lấy chồng năm 19 tuổi. Vậy mà gia đình lại gặp biến cố, nhiều hôm đi mua nước mắm, nước tương cũng phải mang lon gạo đi đổi”, đó là lời tâm sự của cô Ngô Thị Lan, người phụ nữ 13 năm bán bánh tráng trộn ở Sài Gòn.
Chiếc xe bánh tráng nằm ngay đầu đường 3 Tháng 2, sát bên vòng xoay Công trường dân chủ (quận Tân Bình) – Ảnh: Quỳnh Quỳnh – Quang Vinh
Đó là những lời tâm sự xót xa của cô Ngô Thị Lan (63 tuổi, quê gốc Bình Định) làm nghề bán bánh tráng trộn ở Sài Gòn suốt 13 năm để nuôi chồng và con trai bị bệnh tâm thần.
Tại số 1, đường 3 Tháng 2 (quận Tân Bình) chúng tôi tìm đến xe bánh tráng trộn của cô Lan, người phụ nữ nghị lực đã mưu sinh trên đất Sài Gòn suốt 20 năm qua.
Người phụ nữ 63 tuổi luôn tươi cười
Tai nạn định mệnh 13 năm trước
Ngược về dòng ký ức, cô Lan bồi hồi nhớ lại. Cách đây 13 năm, chú Nguyễn Quang Thành (chồng cô, 65 tuổi) đang chở anh Nguyễn Văn Tâm (con trai lớn của cô, lúc ấy 14 tuổi) đi trên đường lên tỉnh thì không hay gặp tai nạn. Cú va chạm xe năm ấy đã khiến chồng và con trai cô bị chấn thương nặng ở não, dẫn đến căn bệnh tâm thần.
VIDEO; cô lan bánh tráng trộn, mỗi ngày bán 20kg nuôi chồng và con bị tâm thần
“Hôm đó, khi hay tin cô đang ở Sài Gòn, nghe xong gần như suy sụp tinh thần. Chỉ tiếc là người gây tai nạn lúc đó bỏ đi mất, vì nhà nghèo quá nên không chữa trị đàng hoàng được”, cô Lan ngậm ngùi chia sẻ.
Lượng khách ra vào liên tục khiến cô Lan luôn tất bật
Sau vụ tai nạn, tình trạng chú Thành và anh Tâm không được ổn định, lúc tỉnh lúc mê, nói năng mơ hồ và thường xuyên lang thang khắp các con phố. Mỗi lần bệnh trở nặng như vậy, cô Lan chỉ biết ở nhà ngồi đợi. “Thành phố rộng lớn như vậy biết chỗ nào mà tìm hả con”, cô thở dài.
Vừa đảo tay trộn bánh tráng, cô vừa kể thêm. Có đợt con trai cô đi cả tuần mới về, có lúc bị thương, bị muỗi đốt tới mức sốt xuất huyết phải nhập viện. Cô kể có lần khác, anh Tâm tỉnh lại tự bắt xe grab về nhà, còn dặn lái xe kỹ càng: “Mẹ con bán bánh tráng trộn ở đoạn đường 3 Tháng 2, chở con đến đấy mẹ con trả tiền.”
Dù bị bệnh nhưng anh Tâm tính tình vốn hiền lành, lắm lúc anh mặc đồ lính hải quân ra thăm xe bánh tráng của mẹ. Mọi người xung quanh biết hoàn cảnh của cô nên không bao giờ chê cười, bù lại còn nói chuyện, thăm hỏi với chọc vui với anh. Cô Lan kể: “Chẳng hiểu sao anh thích làm bộ đội, công an lắm. Cứ mặc bộ đồ đó cả ngày”.
Nói đến đây, cô lại chạnh lòng: “Nếu như tai nạn không xảy ra, thằng Tâm mà khôn ngoan bình thường thì bây giờ nó cũng nuôi cô và gia đình rồi. Căn bệnh này sẽ theo nó cả đời thôi chứ cô biết làm gì giờ”.
Đặc sản Bình Định cũng được cô Lan bày bán tại đây
Tai nạn bất ngờ ập đến đã khiến người phụ nữ Bình Định trở thành trụ cột chính của gia đình. Đến thăm căn nhò trọ ọp ẹp của cô Lan tại số 145B Đề Thám (quận 1), căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20m vuông nhưng có đến 5 người sinh sống. Ngoài cô Lan, anh Tâm còn có con rể cô và hai đứa cháu. Buổi tối 5 người trong gia đình trải chiếu từ cửa nhà tắm ra đến tận cửa ra vào mới có được một giấc ngủ tạm bợ. Nhiều lần nhìn con cháu bất tiện với căn phòng chật hẹp, cô Lan cũng khuyên nhủ: “Gói gém mà sống, chứ đi thuê phòng lớn hơn tiền đâu mà trả con ơi”.
Bánh tráng giá 20.000 đồng 1 bịch gồm rất nhiều nhân
20 năm vất vả ngược xuôi
Vào những năm 2000, cuộc sống vốn khó khăn, cô gái gốc Bình Định hồi đó chỉ có một sào đất nhỏ do gia đình để lại. Vì mong muốn cuộc sống tốt hơn, cô Lan quyết định đặt chân vào Sài Gòn.
Những ngày đầu bỡ ngỡ ở nơi đất khách, cô đi lượm ve chai, bán vé số để sống qua ngày. Đến năm 2005, cô Lan tích góp được chút vốn đổi qua bán cóc, xoài, ổi,… gánh hàng rong lang thang khắp các con đường Sài Thành.
Đến khoảng 5-6 năm trở lại đây, cô mở bán thêm bánh tráng trộn, kèm theo những món ăn vặt như nem, bánh da heo, các đồ ăn vặt khác,… Mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm, chiếc xe bánh tráng nhỏ vẫn tấp nập người qua lại.
Hương vị đậm đà vừa miệng
Cô Phạm Thị Ngọc Hạnh (46 tuổi), là một trong những khách quen hay mua hàng, tươi cười nói: “Bánh tráng ở đây giá bình dân, chỉ có 20.000 mà nhân rất nhiều, vị lại đậm đà vừa miệng nên cô ghé đây mua hoài.”
Dạo trước, xe bánh tráng chỉ một mình cô Lan đứng bán, sau này có con rể cô và hai cháu cô phụ thêm vì “một mình cô bán không xuể”. Mỗi tháng, ngoài các chi phí sinh hoạt, cô phải cố gắng lời được 300.000 đồng để gửi về quê cho chồng và con gái.
Trò chuyện với anh Thạch Thành Thông (30 tuổi, con rể cô Lan) đang phụ bán gần đó, anh cho biết mỗi ngày phụ mẹ vợ đẩy xe bánh tráng ra chỗ bán, phụ bán, dọn dẹp đến tận khuya. “Ở quê bố lúc tỉnh lúc mê, hay đi lang thang trong khu xóm, vợ anh ở dưới quê phải lo cho con và bố. Tạm thời mẹ vợ cực quá nên anh vào Sài Gòn phụ, chứ nay mai cũng phải về, còn vợ con nữa mà đâu bỏ bê được”, anh nói.
Xe bánh tráng luôn trong tình trạng đông khách
Bán buôn ngược xuôi vất vả nhiều năm, cô Lan cũng như bao người cao tuổi khác, mang trong mình nhiều căn bệnh: gai cột sống, thoái hóa cột sống, đau bao tử,… khiến cô đi đứng rất khó khăn. Cô đã từng đi đến Trung tâm chỉnh hình nhưng họ cho biết tình hình sức khỏe cô quá yếu, không thể mổ được, chỉ có thể ăn uống, nghỉ ngơi điều độ.
Chúng tôi đến hỏi thăm cô Đặng Thị Hạnh (62 tuổi), là bạn hàng thân thiết của cô Lan, bộc bạch: “Hoàn cảnh cổ đáng thương lắm, chồng và con trai của cổ bị bệnh vậy. Bản thân cô đó cũng mắc nhiều bệnh nhưng nghèo quá nên chẳng dám mua thuốc uống.”
Ngồi nghỉ tay nhân lúc vắng khách, cô Lan tâm sự: “Nhiều lúc cô suy nghĩ, người đàn bà như cô rất thiệt thòi, tuổi thanh xuân bị chôn vùi với cuộc sống, cô lấy chồng năm 19 tuổi. Vậy mà gia đình lại gặp biến cố, nhiều hôm đi mua nước mắm, nước tương cũng phải mang lon gạo đi đổi”
“Sau này cô gần qua đời, cô sẽ dắt anh Tâm lên chùa giúp mấy thầy, để nó có cơm ăn 2 bữa. Hay gắng sửa cái nhà đàng hoàng, để nó có về thì có nơi ở. Còn con gái cô thì theo nhà chồng rồi. Cuộc đời cô như vậy cũng xong”, cô bán bánh tráng trộn Sài Gòn tâm sự mà xót xa.
Nguồn: Thanh niên