Sai một ly, đi tong một mẻ sữa chua!
Sữa chua chắc hẳn là món ăn không còn xa lạ gì với tất cả chúng ta. Từ người già đến trẻ con, ai cũng có thể ăn sữa chua để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Nhiều chị em thường có thói quen tự làm sữa chua cho cả gia đình bởi cách làm cũng khá đơn giản.
Tuy nhiên, từ hướng dẫn tới thành phẩm đôi khi lại là những kết quả rất khác nhau. Có người làm lần nào là thành công lần ấy, cũng có người thì không. Nếu thi thoảng, mẻ sữa chua bạn tự ủ không được thơm ngon như ý, chắc chắn chị em đã thao tác sai ở đâu đó trong khi chế biến.
Dưới đây là 3 tình trạng phổ biến của những mẻ sữa chua hỏng và nguyên nhân của chúng.
1. Sữa chua bị nhớt
Nhìn bên ngoài, sữa chua bị nhớt rất đặc, thậm chí có thể có dốc ngược mà không rớt khỏi ly đựng. Tuy nhiên, khi múc sữa lên, sữa không tách rời mà thường dính lại với nhau, tạo thành những sợi dài kéo theo. Nguyên nhân khiến cho sữa chua bị nhớt khá đa dạng.
Sữa chua bị nhớt
Do men chưa hết lạnh: Sữa chua men cần để hết lạnh hoàn toàn rồi mới tiến hành trộn men với phần sữa để tránh bị sốc nhiệt do chuyển từ môi trường lạnh đến môi trường ấm
Nhiệt độ ủ không ổn định: Nhiệt độ hoàn hảo để có món sữa ngon đúng điệu là khoảng 40 – 44 độ C. Nhiệt độ phòng của chúng ta luôn thấp hơn và thay đổi theo thời gian trong ngày. Vì vậy, để đảm bảo nhiệt độ lý tưởng bạn nên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ cách 1,5h – 2h/ lần.
Sữa nhiễm khuẩn trong quá trình lên men: Ngoài nguyên nhân bị nhiễm khuẩn do dụng cụ chưa được khử trùng hoàn toàn thì sữa vẫn có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình ủ do môi trường ủ không sạch.
Loại men và hàm lượng protein trong sữa: Hàm lượng protein trong sữa không đủ tiêu chuẩn có thể gây ra hiện tượng nhớt. Lời khuyên của các chuyên gia là bạn nên dùng sữa có lượng protein cao hoặc sữa bột để thành phẩm không bị nhớt.
Lưu ý: Nhiều chị em thường vì tiếc công lẫn tiếc “của” mà thắc mắc rằng sữa chua bị nhớt có ăn được không. Với tình trạng này, tốt nhất bạn không nên ăn. Vì trong quá trình lên men, sữa chua gặp vấn đề nên gây ra nhớt. Ăn vào có thể sẽ gây ra đau bụng, đi ngoài.
2. Sữa chua bị tách nước
Nếu sữa chua bị tách nước hoặc bị vữa, nguyên nhân chính là do bước ủ chưa chuẩn.
Nhiệt độ ủ quá cao: Nhiệt độ ủ cao vô tình làm chết khuẩn sữa trong men gây nên tình trạng tách nước trong sữa chua.
Có sự xê dịch, lay động, quấy đảo sữa trong quá trình ủ khiến sữa chua bị vỡ cấu trúc gây nên tình trạng sữa chua tách nước đi kèm với hiện tượng bị vữa. Vì vậy, để có được mẻ sữa chua sánh mịn, bạn nên hạn chế di chuyển sữa trong thời gian ủ.
3. Sữa chua không đông
Chất lượng nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sữa chua thành phẩm. Vì vậy, nếu bạn đã đã tiệt trùng cẩn thận dụng cụ mà sữa chua vẫn không đông, hãy xem lại nguyên liệu làm sữa chua.
Do chất lượng men: Chất lượng men kém như men cũ chứa ít vi khuẩn lên men hoặc vi khuẩn lên men hoạt động yếu khiến sữa khó đông.
Do chất lượng sữa: Dư lượng kháng sinh cao trong sữa là tác nhân gây ức chế men trong sữa, hạn chế sự hoạt động của men. Do đó, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các sản phẩm làm từ sữa tươi loại này sẽ kém mịn mượt, thời gian ủ kéo dài, thành phẩm dễ bị tách nước hoặc không đông.
Do nhiệt độ ủ hoặc nhiệt độ sữa quá cao làm chết men khiến men không sinh trưởng được.
Tóm lại, để cho ra đời những mẻ sữa chua thơm ngon đúng chuẩn, chị em cần lưu ý 3 điều sau đây:
1. Các dụng cụ làm sữa chua cần phải được vệ sinh và tiệt trùng thật kỹ trước khi bắt đầu các thao tác chế biến
2. Men cái càng mới càng tốt. Men cái càng mới thì thành phẩm càng thơm ngon, hạn chế khả năng bị hỏng.
3. Quá trình trộn men với sữa cần trộn nhẹ nhàng, không nên quấy đảo mạnh tay. Cần làm cho men hòa quyện đều trong sữa, tránh để hiện tượng men bị vón cục sẽ gây ra hiện tượng nhớt ở đáy cốc.
Với những thông tin này, hy vọng chị em sẽ không còn gặp phải tình trạng sữa chua bị nhớt, không đông hoặc tách nước trong những lần tự ủ sữa chua tiếp theo.
Nguồn: Afamily