Từ những nguyên liệu ngon nhất là gạo nếp Điện Biên và cua bể Cà Mau, diễn viên Kim Thư tạo ra món xôi cua dẻo, thơm có hương vị đặc trưng.
Trong vòng một tháng, Kim Thư vừa ra Bắc để lên Điện Biên gặt lúa nếp sau đó về Đất Mũi, Cà Mau để bắt cua. Món xôi của Kim Thư có cách chế biến riêng: đặc biệt từ cốt xôi, vỏ xôi đến hình thức trang trí. Mỗi công đoạn được chị thực hiện tỉ mỉ, đong đếm chuẩn chỉnh để xôi có độ mềm, dẻo, kết dính; thịt cua dai, ngọt và vỏ xôi vàng rộm, nguyên vẹn khi lên bàn tiệc.
Theo Kim Thư, bên cạnh bí quyết nấu, mỗi thành phần chiếm vai trò quan trọng trong việc làm nên hương vị món xôi Từ hai vùng miền cách xa nhau, những sản vật địa phương được kết hợp lại thành thức ăn ngon, có màu sắc riêng nhưng hợp miệng thực khách ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc.
Món xôi cua của Kim Thư.
Trước đó, nữ diễn viên đến Tây Bắc vào giữa tháng 11, đúng mùa gặt của dân tộc H’Mông. Chị lần đầu được theo người bản địa đi cắt lúa nếp nương, học vác lúa và đập lúa sau thu hoạch. “Lúa nương được trồng trên sườn đồi dốc. Nó sống trông chờ vào nước mưa, thuận theo tự nhiên khác hẳn với lúa nước ở đồng bằng”, Kim Thư chia sẻ. Lúa nếp nương cho năng suất không cao nhưng hạt to, ngon, chất lượng. Sau khi đập lúa, người H’Mông phơi thóc trên chiếc bạt lớn, chờ ngày mang đi giã thành hạt gạo trắng tinh.
Theo tài liệu, gạo Điện Biên nói chung và nếp nương Điện Biên nói riêng ngon đặc biệt. Danh tiếng về loại sản vật này có từ những năm 1970 khi cánh đồng Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất của Tây Bắc. Sau này, nhờ khoa học kỹ thuật, người Điện Biên có thêm nhiều giống lúa mới năng suất cao, cho cơm thơm, ngon, dẻo. Một số vùng tập trung nhiều dân tộc thiểu số vẫn duy trì cách trồng lúa truyền thống trên nương, rẫy. Nhờ quá trình chống chọi với thiên nhiên, chắt chiu tinh túy từ trời đất, hạt nếp có vị đặc trưng mà không loại gạo đồng bằng nào sánh kịp.
Kim Thư gặt lúa nếp trên nương của người H’Mông
Cua được Kim Thư dùng nấu xôi do chị đích thân về vùng Đất Mũi bắt. Tại đây, chị đi ca nô vài chục phút trên sông để ra vùng cửa biển – nơi dễ dàng đặt các lồng bắt cua và chờ cua dính bẫy trong khoảng 1-2 tiếng. Theo Kim Thư, Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với ba mặt tiếp giáp biển cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển nên nguồn thủy hải sản vô cùng đa dạng. Đó cũng là môi trường lý tưởng, thuận lợi cho con cua phát triển.
Trước xôi cua, diễn viên Kim Thư giới thiệu nhiều món ngon địa phương như gỏi ốc đắng hoa chuối, gỏi lá sầu đâu, heo gác bếp, gà đốt và bok lahong… Khi thực hiện chuỗi video khám phá ẩm thực, chị hướng đến nét đẹp văn hóa vùng miền, tái hiện cách người dân làm ra một món ăn theo góc chân thực và gần gũi. Kim Thư chia sẻ làm vlog là cách chị trở lại với khán giả ở một vai trò khác, thay vì đóng phim như trước đó. Bên cạnh trải nghiệm, chị mong muốn truyền tải những điều thú vị trên hành trình của mình đến những người yêu mến và mong muốn gìn giữ ẩm thực truyền thống của người Việt.
Lam Trà
Nguồn: Ngôi sao