Khi nấu nướng, các chị em lỡ tay nấu quá nhiều thức ăn nên kết quả sau bữa cơm còn dư không ít. Toàn “ngọc thực” mà thẳng tay vứt sọt rác thì quá lãng phí nên nhiều gia đình cất trữ trong tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp. Hành động “như một thói quen” này tưởng rằng tiết kiệm nhưng thực tế, có 4 món không thể tích trữ được bởi sẽ biến chất, gây bệnh cho cơ thể.
1. Món kho
Thật khó tin phải không? Một số món như thịt, cá kho không thích hợp để tích trữ, kể cả trong tủ lạnh bởi dễ sản sinh nấm mốc. Đặc biệt trong những ngày rét mướt này, thói quen chế biến món kho ăn dần cho ấm bụng cần loại bỏ, bởi cứ hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ khiến thực phẩm ngày càng mặn và chứa nhiều muối hơn. Từ đó chuyển hóa và sản sinh ra chất có nguy cơ gây bệnh về huyết áp hay ung thư.
Bên cạnh đó, thói quen đổ món kho ăn không hết trực tiếp vào nồi hâm lại còn làm một lượng vi khuẩn nhất định có cơ hội bám vào thực phẩm. Những ai bụng dạ yếu ăn vào dễ bị đau bụng, tiêu chảy, thậm chí ngộ độc thực phẩm.
2. Các món nộm, salad hay gỏi
Các món này có nhiều thành phần như nước sốt, rau củ quả, trứng… nhưng nếu còn thừa mà tích trữ lại ăn dẫn, mà còn để qua đêm thì chẳng tốt chút nào. Bởi lúc ấy, món salad sẽ bị phân hủy, các nguyên liệu dễ bị biến chất, mọc nấm mốc.
Với các món nộm, gỏi cũng tương tự, vì hầu hết chúng được kết hợp từ những nguyên liệu rau củ đã nấu chín nên để quá lâu, vi khuẩn trong rau củ sẽ phân hủy khiến lượng nitrat có sẵn biến chất, về lâu dài có thể gây ung thư. Còn trước đó, vi khuẩn theo miệng ăn vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp đến đường ruột, dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, dễ gây ngộ độc, lạnh bụng.
3. Món canh
Ai dám tự tin vỗ ngực chưa từng giữ món canh lại để ăn bữa sau nào? Trên thực tế, nấu canh xong, tốt nhất là bạn nên đổ ra bát và ăn ngay trong ngày. Nếu có dư thừa nên đổ bỏ.
Bởi nhiều người có thói quen nấu canh trong nồi bằng inox, nhôm. Điều này dễ sinh phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe, ăn vào chỉ rước bệnh vào người. Nếu quá tiếc của mà giữ lại, bạn không nên thêm gia vị vào canh, hoặc có thể cho ra bát sứ, thủy tinh mang cất giữ trong tủ lạnh.
4. Cơm nguội
Chắc chẳng cần điểm danh thì ai cũng được xướng tên có thói quen giữ lại cơm nguội. Đặc trưng của cơm nguội là nhanh thiu vì chứa nhiều tinh bột và đường nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có màu hơi ngả vàng, không còn kết dính. Ai ăn vào có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nặng thì ngộ độc cấp.
Cho nên tốt hơn hết ăn bữa nào hết bữa đó. Còn nếu quá tay nấu còn thừa, bạn hãy bảo quản trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng để hạn chế vi khuẩn sinh sôi.
Theo Vietnamnet