Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Chỉ có 3 nguyên liệu chính và một công thức nấu suốt 50 năm không đổi, quán bún riêu tôm khô tóp mỡ của bà Thanh mỗi ngày vẫn đông nghẹt khách tìm đến ăn. Bí quyết ở đây là gì?

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?
Tô bún có giá 30.000 đồng tại quán bà Thanh gồm 3 nguyên liệu chính là tôm khô, cà chua, tóp mỡ – ẢNH: CAO AN BIÊN

Mỗi ngày, bà Đào Thị Thanh (62 tuổi, Q.10) và các em của mình phải thức dậy trước 5 giờ sáng để thực hiện các công đoạn sơ chế, nấu bún rồi chuẩn bị dọn hàng. 10 giờ, mọi thứ đã tươm tất để bắt đầu một ngày “làm thở không nổi” phục vụ cho thực khách của quán.

Bán bún từ lúc 12 tuổi

Năm 1970, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ của bà Thanh mở quán bún để phụ chồng kiếm tiền nuôi các con. Ban đầu, dù ở trước con hẻm nhiều người qua lại, mẹ bà đã có công thức nấu bún ngon nhưng vì quán còn mới nên chưa nhiều người biết đến. Sau một thời gian, tiếng lành đồn xa, mọi người truyền tai nhau về món bún của gia đình bà nên khách kéo đến ngày càng đông.

“Lúc quán mới mở, tôi mới 12 tuổi thôi. Khi đó, tôi vừa đi học vừa phụ mẹ bán quán. Ban đầu tôi chỉ biết bưng bê, thái rau. Sau mội thời gian, tôi đã học được cách nấu của bà rồi bắt đầu thay bà nấu, cho đến tận bây giờ”, bà Thanh nhớ lại.

Năm 2000, bà tiếp quản quán bún của gia đình để mẹ bà được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Và thế là quán ăn hai thế hệ này đã tồn tại suốt hơn 50 năm nay.

Năm 2005, quán ăn của bà gặp phải một biến cố lớn. Vì nhiều lý do, bà không thể bán trước con hẻm được nữa nên đành ngậm ngùi dời vào sâu bên trong. Bà Thanh kể: “Lúc đó, tôi thấy hoang mang và lo lắng lắm, không biết quán của mình còn có thể kinh doanh được không. Nếu quán vắng khách, làm sao tôi có thể nuôi được các con của mình. Tôi tự nhủ thôi thì mình cứ nấu hết lòng, bán hết lòng rồi tới đâu thì tới”.

Dù “núp hẻm”, nhưng khách vẫn tìm đến quán vì yêu quý hương vị món ăn và yêu quý bà chủ. “Tôi cảm thấy vui và ngạc nhiên lắm, không nghĩ tiệm ăn vẫn nhận được sự ủng hộ của khách đông như vậy. Nhờ có khách hàng yêu quý mà quán tôi mới có thể tồn tại đến tận bây giờ”, bà Thanh cho biết. Bà Thanh kể ngày xưa bà có mong muốn trở thành một kiến trúc sư. Học xong THPT, bà thi không đỗ đại học nên làm giáo viên mầm non. Vài năm sau, khi đã lập gia đình bà quyết định kế nghiệp mẹ duy trì quán bún.

“Nghề này mẹ tôi nghĩ ra, lúc nào tôi cũng luôn tự nhủ mình phải cố gắng giữ gìn và phát huy tốt hơn nữa. Đến giờ, tôi nghĩ mình đã làm được và tôi thấy mãn nguyện với điều đó. Với tôi, tiệm ăn này là kỷ niệm hạnh phúc nhất mà tôi có với người mẹ quá cố của mình”, bà rưng rưng khi nhắc về mẹ.

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Thực khách tìm đến quán của bà ăn đông nghẹt cả một con hẻm nhỏ ở Q.10  ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Thanh tâm sự thêm: “Tôi nhận ra nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Thực lòng, tôi cũng yêu thích nghề này, yêu thích việc được nấu ăn. Điều đó giúp tôi tỉ mỉ trong mọi công đoạn để đem đến cho khách hàng một tô bún hoàn chỉnh”.

Nhờ hàng bún này mẹ bà nuôi lớn bà, và bà cũng đã nuôi lớn các con. Hiện tại, 2 người con của bà đều đã có công ăn việc làm ổn định. Bà cho biết mình không ép các con phải kế thừa tiệm bún, chỉ cần các con được làm công việc yêu thích là bà đã cảm thấy hạnh phúc. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục nấu bún mỗi ngày đến khi không thể làm được nữa thì thôi”, bà Thanh cười.

50 năm, 1 công thức bí truyền

Suốt 50 năm qua, quán bún của gia đình bà Thanh vẫn giữ nguyên một công thức nấu. Đó cũng là bí quyết để bà níu chân khách hàng của mình.

“Nhiều khách hàng quen thuộc đã ăn ở đây gần 50 năm, có người đi định cư ở nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam đều ghé hàng quán của tôi để ăn, để nhớ lại hương vị của tuổi thơ ngày trước. Đó cũng là niềm hạnh phúc nhất của người làm ẩm thực như tôi”, bà cho biết.

Tô bún riêu của bà chỉ có 3 nguyên liệu chính bao gồm: tôm khô, tóp mỡ, cà chua. Tuy nhiên, với công thức nấu “bí truyền” mà bà Thanh “có chết cũng không thể nói” đã khiến nhiều thực khách mê mẩn món ăn của bà.

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Mỗi ngày bà Thanh phải thức lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị – ẢNH: CAO AN BIÊN

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Cà chua được bà chế biến theo công thức riêng nên có vị đặc biệt không giống với bất kỳ đâu – ẢNH: CAO AN BIÊN

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Nồi nước lèo được nêm nếm tròn vị khiến thực khách mê mẩn – ẢNH: CAO AN BIÊN

Bún riêu ‘không riêu’ lại ‘núp hẻm’ có gì mà người Sài Gòn đến đông nghẹt?

Món bún với hương vị 50 năm không đổi được bà tự tay phục vụ cho thực khách của mình – ẢNH: CAO AN BIÊN.

Hiện tại, mỗi tô bún của quán dao động từ 25.000 đồng – 30.000 đồng tùy theo nhu cầu. Khách cũng có thể gọi tôm, cà chua hoặc chả thêm nếu thích.

Đến ăn tại quán lần đầu tiên vào 3 năm trước, chị Trần Thị Mỹ Hậu (30 tuổi, Q.10) nhớ lại: “Lúc đó, thấy cô dọn tô bún ra tôi thất vọng nghĩ “Trời ơi tô bún đó có gì đâu mà ăn, không có tàu hũ cũng không có thịt”, nhưng mà ăn rồi thì mê luôn từ đó. Từ nước dùng đến các nguyên liệu trong món ăn đều rất đậm đà mà giá cũng rất phải chăng nên mỗi tuần tôi đều đến đây để ăn”.

“Bình thường tôi không ăn được cà chua, nhưng không hiểu sao ở đây lại rất dễ ăn. Cách mà cô nói chuyện với khách hàng cũng rất tuyệt vời, nhã nhặn như những người Sài Gòn xưa vậy”, anh Nguyễn Quốc Nhật (34 tuổi, Q.3) chia sẻ.

Quán của bà Thanh bán từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trung bình mỗi ngày bán khoảng 200 tô bún. Đặc biệt, có hôm bà bán 3 tiếng đã hết sạch. “Lúc khách tìm đến mà mình hết hàng, tôi thấy thương khách lắm. Họ đã lặn lội tìm đến mình nên đôi lúc tôi cảm thấy ngại, nhưng không biết phải làm sao”, bà nói.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, quán của bà vẫn bán đều đặn mỗi ngày. Chủ yếu là bà bán mang về hoặc giao tận nơi. Bà tâm sự: “Nhờ có sự yêu thương của khách mà quán tôi vẫn sống khỏe, trụ vững qua mùa dịch”.

Cứ như thế, mỗi ngày bà Thanh vẫn miệt mài đứng tiệm phục vụ những tô bún cho thực khách của mình.

Nguồn: Thanh niên

Author:

Gửi phản hồi