Nhiều người thích ghé quán bánh bèo nằm trong hẻm nhỏ đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM bởi ngoài bánh bèo ngon, đậm hương vị xứ Quảng còn có một dụng cụ đặc biệt: con dao tre.
“Đũa” chính là những thanh tre vót nhọn hình con dao
Trong ống đũa đặt trên bàn, ngoài muỗng thì “đũa” chính là những thanh tre vót nhọn hình con dao – một dụng cụ rất thân quen với người miền Trung mỗi khi ăn bánh bèo quê nhà, gọi nôm na là dao tre.
“Mấy cái dao bằng tre này tôi phải mang từ Quảng Ngãi vô đó”, cô chủ quán cho biết.
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi khi má làm món bánh bèo thì ba tranh thủ tìm một thanh tre, chỉ trong vài phút, ba đã vót được 4 chiếc dao tre đẹp mắt cho bữa bánh bèo của cả nhà. Tại sao không ăn bánh bèo bằng muỗng hay đũa mà phải dùng dao tre? “Ngày xưa làm gì có muỗng, đũa thì không tiện để ăn món này nên ông bà ta sáng tạo ra chiếc dao tre”, ba tôi trả lời.
Dao tre tuy không đẹp như dao inox nhưng chính cái vụng về, đơn giản, mộc mạc ấy khiến người xứ Quảng ăn bánh bèo ở Sài Gòn thấy thích
Bánh bèo sau khi đổ sẽ bám chặt vào chén, dùng đầu nhọn dao tre đưa vào phần tiếp giáp giữa bánh và chén, xoay một vòng là bánh tách rời khỏi chén. Sau đó dùng dao xắn bánh làm bốn hoặc tám phần, dùng dao cắm bánh đưa vào miệng, tiện lợi hơn nhiều so với dùng đũa hay muỗng. Cứ thế, dao tre trở thành vật không thể thiếu của món bánh bèo xứ nẫu.
Điểm khác biệt giữa bánh bèo xứ Quảng và bánh bèo Huế hay bánh bèo miền Nam là ở nhưn bánh. Thông thường, nhưn bánh bèo xứ Quảng được chế biến từ bột gạo dùng để đổ bánh. Lấy một tô bột nước, trộn bột vào với hỗn hợp thịt, tôm đã băm nhỏ có nêm gia vị. Sau đó, đảo đều qua chảo, đến khi nào nhưn trở nên sền sệt là có thể dùng được.
Ở Sài Gòn, thưởng thức bánh bèo xứ Quảng bằng chính con dao tre “nhập khẩu” từ xứ Quảng thì tuyệt lắm chứ!