Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

‘Má ơi! Cho con một bánh mì chảo bê đê nha’ là cách gọi món quen thuộc của khách khi đến tiệm bánh mì chảo của bà Lệ.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính
Món bánh mì chảo “bê đê” tại tiệm bà Lệ. – ẢNH: CAO AN BIÊN

Bí mật đằng sau tên gọi của các món ăn và sự vui tính của bà chủ khiến nhiều người không khỏi thích thú…

Hơn 45 năm qua, tiệm bánh mì chảo của bà Trương Thị Kim Lệ (61 tuổi, Q.3) dù “núp” từ hẻm này sang hẻm khác, nhưng chưa khi nào vắng khách. Nhiều người trẻ nói vui đến ăn là phụ, được nói chuyện với “má” Lệ dễ thương, vui tính mới là chính.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

Khách đến ăn tại quán chủ yếu là những người trẻ từ 15 – 25 tuổi.

Thực đơn “không giống ai”

Ít ai biết, bà Lệ bán bánh mì từ năm 15 tuổi, tính đến nay đã hơn 45 năm. Những ngày đầu, hàng bánh mì của bà chỉ là một gánh hàng rong ngoài đường.

Bà Lệ nhớ lại: “Hồi xưa tôi mê bán bánh mì lắm, bán để có tiền phụ gia đình. Mà lúc đó đâu có được bánh mì chảo như bây giờ, mà chỉ là một ổ bánh mì rồi bỏ xúc xích, thêm nước tương, muối tiêu, ớt thôi. Xe ôm, xích lô lại ăn nhiều lắm”.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

Anh Đặng Điềm (24 tuổi, Q.Thủ Đức) đến ăn tại quán cùng bạn gái cho biết anh thích món bánh mì chảo của cô Lệ bởi cách kết hợp các loại trứng với nhau rất lạ.

Sau này, có được ít tiền bà mới bắt đầu bán bánh mì chảo. “Ban đầu tôi mua 5 cái chảo, mua góp rồi phát triển lên. Mới ra bán tôi đựng bánh mì bằng cái nia, cái giỏ, sau đó mua cái thúng rồi đến mua được cái xe bánh mì như bây giờ”, bà cười.

Có những hôm bán bánh mì đông khách, bà Lệ thường không thể nhớ hết khách đã gọi món gì nên hay làm nhầm. Sau đó, vì thương bà mà có một nhóm học sinh giúp đặt tên các món ăn một cách độc đáo.

“Nếu phần bánh mì chảo vừa có món trứng đánh vừa có trứng ốp la lộn xộn thì mình gọi là trứng “bê đê”, nếu ai chỉ ăn phần trứng ốp la thì gọi là “trứng men”, chỉ có trứng đánh thôi thì là “trứng girl”. Có những người chỉ ăn lòng trắng thôi thì gọi là trứng “ô môi”. Rồi ai ăn 3 trứng trở lên thì gọi là “trứng biến thái”. Thấy ý kiến của tụi nhỏ cũng hay nên tôi áp dụng luôn, vừa thấy vui vui vừa đỡ nhầm lẫn”, bà Lệ nói.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

Nhóm bạn của Nguyễn Du Xuân Nhi (18 tuổi, Q.3) là khách hàng quen thuộc tại đây.

Từ đó, xe bánh mì chảo “bê đê” của bà cũng được mọi người biết đến nhiều hơn. Và những người khách đến ăn tại đây cũng dần quen luôn tên gọi “có một không hai” của các kiểu bánh mì bà Lệ bán.

“Nhiều người thấy tiệm tôi có tên gọi như vậy thì không thích, vì họ có những định kiến nhất định đối với cộng đồng LGBT. Nhưng bản thân tôi rất yêu quý họ, nhiều người cháu hay khách của tôi cũng là những người thuộc cộng đồng này. Cách đặt tên các món ăn cũng theo hướng vui vẻ, không có ý không tốt với ai cả”, bà Lệ chia sẻ.

Anh Đặng Điềm (24 tuổi, Q.Thủ Đức) đến ăn tại quán cùng bạn gái cho biết anh thích món bánh mì chảo của cô Lệ bởi cách kết hợp các loại trứng với nhau rất lạ. “Lần đầu tôi đi ăn một mình thôi, thấy ngon nên thường dẫn bạn gái tới ăn. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại đây thường xuyên hơn”, anh Điềm nói.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

ng Mai Văn Sâm (61 tuổi, chồng bà Lệ) phụ bà rửa các chảo bánh mì.

“Tôi ăn tại quán của má cũng gần 4 năm rồi, từ hồi học lớp 8. Tới đây ăn không chỉ vì nó ngon đâu, mà còn là vì má dễ thương và hài hước, nên ai cũng yêu quý hết. Đây là điểm hẹn quen thuộc của nhóm tụi mình đó”, bạn Nguyễn Du Xuân Nhi (18 tuổi, Q.3) đến ăn cùng nhóm bạn của mình tâm sự.

Bà Lệ cho biết món ăn của bà không có gì quá đặc biệt, cũng giống như nhiều chỗ khác thôi. “Nhưng tôi thương khách nên thấy ai nhỏ nhỏ tuổi tôi đều xưng má con hết, rồi cũng niềm nở, vui vẻ nên mọi người thương. Tôi nấu cho khách như nấu cho người thân của mình thôi”, bà nói thêm.

Hạnh phúc bên người chồng thương binh

Người đồng hành cùng bà Lệ trong việc buôn bán chính là người chồng của bà. Ông Mai Văn Sâm (61 tuổi, chồng bà Lệ) kể 2 người yêu nhau năm 18 tuổi, rồi ông đi bộ đội ở chiến trường Campuchia năm 1980. Đến khi trở về, ông bị mất 1 chân, thương tật hơn 60%.

“Lúc đó tôi thấy mặc cảm lắm, vì mình thành ra như vậy. Nhưng mà bà ấy vẫn không chê, vẫn chấp nhận chăm sóc tận tình và lấy tôi làm chồng”, ông Sâm xúc động.

Theo bà Lệ, tình cảm mà bà dành cho ông là thật lòng nên dù ông có ra sao thì bà vẫn yêu ông: “Lúc biết ông ấy bị như vậy, tôi không buồn cũng không khóc vì tôi biết, ông ấy về được đã là niềm may mắn với tôi rồi. Dù có thế nào thì tôi vẫn sẽ là vợ của ông thôi. Thấy ổng vậy chứ còn giỏi hơn nhiều người bình thường khác”.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

Bà Lệ có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng của mình

Vậy là kể từ đó, hai ông bà cùng sống hạnh phúc với nhau, cùng nhau bán bánh mì chảo để kiếm sống qua ngày. “Xe bánh mì là thu nhập chính của gia đình tôi, nhờ có nó mà vợ chồng tôi nuôi các con thành tài, rồi giờ có các cháu”, bà tâm sự.

Đến tiệm của bà Lệ, người ta chỉ thấy được sự niềm nở, vui tính của bà chủ. Chia sẻ về lý do hay cười, hay nói chuyện “tếu tếu” để khách vui, bà cười nói: “Tôi tên Kim Lệ, nhưng chưa biết khóc là gì, vì nước mắt của tôi là vàng bạc mà. Cứ vui vẻ như vậy mà tôi thấy cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, cũng như truyền được năng lượng tích cực tới những người xung quanh mình. Cuộc sống đã mệt mỏi lắm rồi nên tôi chỉ muốn khách đến quán phải cảm thấy vui vẻ”.

Bánh mì chảo ‘bê đê’ khiến người Sài Gòn đến ăn là phụ, nói chuyện cô chủ là chính

Niềm hạnh phúc hiện tại trong cuộc sống bà Lệ là được làm việc cũng chồng, ở cùng các con và mỗi ngày được gặp gỡ, nấu ăn cho những thực khách của mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (49 tuổi, Q.3) bán nước gần hàng bánh mì của bà Lệ. “Hai chị em chúng tôi sáp lại là có chuyện để nói. Thấy bà dễ thương nên ngày nào tôi cũng sang giúp đỡ, nói chuyện để tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống”, bà Loan kể.

Niềm hạnh phúc hiện tại trong cuộc sống bà Lệ là được làm việc cũng chồng, ở cùng các con và mỗi ngày được gặp gỡ, nấu ăn cho những thực khách của mình. “Cái nghề của tôi nó cực lắm, cứ phải đứng suốt. Giờ già rồi muốn nhường lại gánh bánh mì cho người ta kế thừa mà cũng có được đâu”, bà cười.

Vậy là mỗi ngày, xe bánh mì của bà Lệ đều mang tiếng cười và sự lạc quan về cuộc sống đến những vị khách của mình…

Nguồn: Thanh niên

Author:

Gửi phản hồi