Nhiều người muốn “trầm cảm” khi nghe những tên gọi “rõ ràng quả này mà không phải quả này” từ anh em Bắc- Nam.
Nói về độ đa dạng ẩm thực, Việt Nam nhận đứng số 2 chắc chẳng ai dám tranh số 1. Theo đó, các món ăn hay thực phẩm “quê nhà” không chỉ phong phú ở nguyên liệu, cách chế biến, thưởng thức mà ngay ở tên gọi cũng có sự khác biệt giữa các miền.
Vì thế, nhiều người muốn “trầm cảm” vì nghe thấy những loại trái cây , củ quả mang tên gọi lạ tai đến từ anh em Bắc – Nam.
Nói đến “quả na”, người miền Bắc sẽ nghĩ quả này. Ơ nhưng người miền Nam lại gọi đây là “trái mãng cầu”.
Người miền Bắc thắc mắc “quả mãng cầu” đây mới đúng chứ nhỉ? Người miền Nam thưa rằng, gọi là trái “mãng cầu xiêm” mới đúng nha.
Quả trứng gà vốn rất quen thuộc với nông thôn miền Bắc. Nhưng nếu đi du lịch miền Tây, ghé đến các vựa trái cây mà hỏi quả trứng gà, người bán chẳng hiểu bạn nói gì đâu. Vì người miền Nam gọi đây là “trái lê ki ma”.
Người miền Bắc gọi đây là “quả roi”, còn người miền Nam lại gọi đây là “trái mận”.
Ơ nhưng “quả mận” của miền Bắc phải như thế này chứ? Không, người miền Nam gọi quả này là “mận Hà Nội”.
Đây ắt hẳn là “quả dứa” của miền Bắc rồi. Ấy thế mà miền Nam lại gọi bằng cái tên “thơm”. Mà thơm thật! Ăn “dứa” rất “thơm” nha.
Cái này chắc nhiều người biết. Người Bắc gọi đây là “quả quất”. Ở miền Nam, người ta toàn kêu là “trái tắc” không à.
Rắc rối nữa đây, nói đến “củ sắn” người miền Bắc sẽ nghĩ đến thứ này. Vậy mà người miền Nam lại khẳng định, đây là “củ khoai mì”.
Còn “củ sắn” của người miền Nam phải thế này chứ. Ơ kìa, đây chẳng phải “củ đậu” của người miền Bắc hay sao?
“Bạc hà” dùng dể nấu canh chua của người miền Nam. Nhưng người miền Bắc lại gọi thứ này bằng cái tên “dọc mùng”.
Còn nói đến “bạc hà” của miền Bắc, mọi người chỉ nghĩ đến loại lá tạo mùi thơm này thôi. Còn ở miền Nam, người ta lầm tưởng nó là “húng lủi” đấy!
Ơn trời, thứ quả này chắc dễ phân biệt nhất đấy: “Khổ qua” (miền Nam) và “mướp đắng” (miền Bắc) nhỉ.
Theo Vietnamnet