Những phiên bản bánh ú ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ không thể thiếu món bánh ú, gói trong chiếc lá tre, nhân mặn gồm thịt, trứng muối… hoặc nhân ngọt hay chấm cùng mật mía.

Bánh ú quen thuộc với người dân gốc Hoa, được phân biệt làm hai loại, bánh ú mặn và bánh ú ngọt. Trong khi bánh ú ngọt thường nhân đậu xanh, đậu đỏ… thì bánh ú mặn thường nhân thập cẩm, có nguồn gốc từ Trung Quốc, với tên gọi khác là bánh bá trạng. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Việt Nam, đặc biệt ở phía Nam, thường cúng bánh ú, rượu nếp, trái cây, chè…

Bánh ú mặn là loại bánh truyền thống, luôn xuất hiện trên mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch của người Hoa trên khắp thế giới. Loại bánh này cũng phổ biến khắp châu Á nhờ sự giao thương buôn bán của người Trung Quốc xa xưa, do đó, bánh ú xuất hiện ở Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines… và tất nhiên không thể thiếu hai quốc gia ở Đông Nam Á có cộng đồng người Hoa đông đảo là Singapore và Malaysia. Ở các quốc gia này, bánh ú được gọi là bakcang, bacang, đọc gần giống bánh bá trạng theo cách phiên âm của người Việt.

Những phiên bản bánh ú ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh ú có nhiều phiên bản.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm. Để tưởng nhớ Khuất Nguyên – nhà thơ nổi tiếng thời Chiến quốc tự vẫn trên sông Mịch La sau khi can gián nhà vua bất thành, người dân tổ chức lễ cúng bên sông, chèo thuyền mang theo ống tre có cơm bên trong, thả vào xoáy nước cuồn cuộn. Theo truyền thuyết, những gói gạo này được ném xuống sông để ngăn cá và sâu bọ huỷ hoại thi thể Khuất Nguyên, từ đây mới hình thành tục lệ cúng lễ các món ăn như rượu nếp hay các loại trái cây… Ở Trung Quốc, ngày nay lễ hội chèo thuyền dịp 5/5 âm lịch vẫn được tổ chức rất rầm rộ, người dân được nghỉ lễ chính thức 3 ngày.

Những gói gạo đặt trong ống tre dần dần hình thành món ăn cúng lễ truyền thống là bánh ú ngày nay. Qua thời gian, người ta thay đổi dần các nguyên liệu nhưng vẫn giữ lớp lá tre bọc bên ngoài đúng với nguồn gốc xa xưa. Bánh ú mặn thường được gói thành hình chóp như kim tự tháp, gần giống bánh giò Việt Nam nhưng dài và nhỏ hơn. Người ta chọn những chiếc lá tre to bản, rửa sạch. Công đoạn gói bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo và một số mẹo nhỏ.

Những phiên bản bánh ú ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh ú mặn hay bánh bá trạng có nhân thịt, trứng muối…

Hai chiếc lá tre to được cắt đi phần cuống, đặt trở đầu đuôi. Người gói tạo một hình phễu ở giữa, chừa lại một phần lá rồi đổ vỏ bánh, nhân bánh và trên cùng là một lớp vỏ bánh nữa cho vừa đủ rồi dùng phần lá phía trên, cuốn một vài vòng. Gói một chiếc bánh cũng chỉ cần hai chiếc lá tre to bản mà vẫn rất khít, nhân bánh không bị trào ra ngoài khi luộc. Bánh ú truyền thống được buộc chỉ đỏ bên ngoài, thường buộc túm thành một dây 9 chiếc – con số may mắn trong văn hoá Á Đông. Cỡ một chiếc bánh ú ngày nay lớn hơn xưa kia nên người gói có thể dùng thêm lá chuối bọc bên ngoài cho kín nhưng vẫn cần lá tre bên trong.

Bánh ú mặn thường có các nguyên liệu là thịt, trứng muối, tôm khô, đậu phộng, nấm đông cô tẩm ướp gia vị đặc trưng. Còn lớp vỏ thì gần giống bánh chưng với gạo nếp, đậu xanh, thêm chút muối và ngâm trong vài giờ. Do đó, người dân Việt Nam còn gọi bánh ú bá trạng là bánh chưng của người Trung Quốc. Vỏ bánh thơm, dẻo dẻo, nhân bánh mằn mặn, bùi bùi của thịt mỡ, trứng muối, tôm khô, thêm chút đậu phộng và nấm lạ miệng. Chiếc bánh có nhiều cỡ nhưng phổ biến nhất là size nhỏ bằng bàn tay, ăn vừa bụng.

Bên cạnh bánh ú mặn, bánh ú ngọt cũng khá phổ biến. Nhân bánh thường là đậu xanh, đậu đỏ, lạc… Cách gói và cách luộc y chang bánh ú mặn, chỉ khác phần nhân bên trong. Đậu xanh hay đậu đỏ giã nhuyễn thơm thơm, bùi bùi, vị ngọt nhẹ, quyện với vỏ bánh dẻo.

Những phiên bản bánh ú ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh ú tro phổ biến ở Việt Nam.

Ngoài ra, món ăn này còn có phiên bản là bánh ú tro ở miền nam Trung Quốc (tên phiên âm là jian zong, phân biệt với bánh ú thường là zong zi). Nhật Bản có món akumaki có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam có món bánh ú tro, bánh ú nhân đậu xanh, trong đó, bánh gio (bánh bánh ú tro) quen thuộc cả ở hai miền. Bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro (từ tro than lá cây, nhất là lá tre), gói và đem luộc chín. Thành phẩm có màu vàng trong trong, vị dai dai, mềm mát, thường được chấm với mật mía, ăn ngày hè rất thích hợp.

Có nhiều cách giải thích về ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam, một số quan điểm cho rằng do người Hoa từ xa xưa tới nước ta làm ăn, sinh sống và mang theo phong tục truyền thống của họ. Nhưng nhiều quan điểm khác lại cho rằng, Tết Đoan Ngọ của người Việt mang ý nghĩa gắn liền với mùa màng của nhà nông, không liên quan đến truyền thống của người Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, xa xưa khi người dân bị sâu bọ phá hoại mùa màng, một ông lão tên là Đôi Truân đã bày cách cho mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây như vải, mận… và rượu nếp rồi sau đó vận động tập thể dục trước nhà. Từ đó, sâu bọ không còn xuất hiện nữa. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt tên là ngày “Tết giết sâu bọ” hay là ngày “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giờ Ngọ.

Trong ngày 5/5 Âm lịch, người ta thường ăn những món ăn có ý nghĩa bài trừ những điều xấu xa, căn nguyên của bệnh tật. Người xưa cũng quan niệm ngày này là “độc” nhất trong năm, cơ thể cần ăn những món có tính mát, giải nhiệt, thải độc. Bánh ú tro dễ tiêu, thanh nhiệt tốt, đặc tính âm, trung hoà độc tố, tốt cho cơ thể. Do đó, phong tục cúng bánh ú tro và ăn bánh ú tro cũng có thể bắt nguồn từ điều này. Bánh tro, bánh gio hay bánh ú tro cũng phổ biến cả ở hai miền.

[fvplayer id=”245″]

Cách gói bánh ú Tết Đoan Ngọ tiết kiệm lá mà vẫn chắc chắn

Hà Nguyên

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi