Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng ”chìa khóa” để có một bát cháo chim bồ câu hoàn hảo lại cần một số bí kíp: Từ khâu chọn nguyên liệu tới cách sơ chế chim, cách làm nước dùng và cách nấu cháo mềm nhuyễn.
Theo Đông y, chim bồ câu có vị mặn, tính bình, hơi ấm, có tác dụng bổ ngũ tạng, bồi bổ khí huyết, trừ cam tích, kích thích tiêu hóa. Ảnh: Bùi Thủy.
1. Nguyên liệu: cho 4-5 người ăn
a) Về bồ câu và cách khử mùi tanh:
– 2 con chim bồ câu ra ràng (chim bồ câu non mới nở từ 10 đến 15 ngày tuổi). Người xưa có câu ”Nhất chim ra ràng, nhì nàng bỏ guốc”. Đây là lúc chim câu vừa vào độ ngon, chừng 15 ngày tuổi, rất háu ăn nên thịt mềm, dày, ngọt và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Cách chọn: Da màu hồng, thịt ở cánh dày, ức mềm.
– Nước nóng, tầm 60-70 độ
– Bếp (hoặc rơm là tốt nhất) để thui chim
– Một nhánh gừng nhỏ, đập dập, băm nhuyễn trộn với rượu trắng, lọc lấy nước cốt
b) Về phần gạo nấu cháo:
– 1,5 chén gạo tẻ
– 1/4 chén đậu xanh. Tùy theo khẩu vị của gia đình, có thể thêm hạt sen, bí đỏ, nấm hương…
c) Về phần nước dùng: Nếu muốn có tô cháo chất lượng, ngon ngọt thì nên đầu tư thêm nước dùng. Có hai cách:
– Cách 1: Dùng 1 trái nước dừa xiêm
– Cách 2: Hầm nước từ xương gà, dù hơi lâu nhưng lại cho ra nước hầm tinh túy, ngọt thơm. Tùy theo thời gian, điều kiện, lựa chọn nước hầm phù hợp.
+ 1 bộ xương gà khoảng 1kg, chú ý chọn xương tươi mới
+ 1 quả chanh
+ 1 thìa muối hạt
+ 3-4 củ hành tím nướng, bóc vỏ đen, rửa sạch
+ 1 nhánh gừng đập dập khử mùi, 1 củ gừng nướng rửa sạch cho vào nồi nước hầm
+ 1 củ hành tây
d) Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm rau củ/hoặc hạt nêm từ nấm, hạt tiêu.
e) Nguyên liệu khác:
– Dầu ăn
– Hành khô phi
– Gừng thái sợi, hành tím, hành lá, rau mùi, tía tô rửa sạch, ớt bỏ hạt thái khoanh…
Cháo chim bồ câu đậu xanh rất bổ dưỡng, thanh mát nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người mới ốm dậy, nâng cao sức khỏe người già, trẻ em bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai. Ảnh: Bùi Thủy.
2. Cách làm:
a) Cách sơ chế chim bồ câu:
– Khác với các loại gia cầm khác phải cắt tiết, chim bồ câu phần tiết lại rất bổ dưỡng. Vì thế, khi sơ chế, chỉ cần nhúng chim vào nước hơi nóng rồi vặt bỏ lông (vì chim mới ra ràng nên lông rời ra khá nhanh).
– Tiếp đến, cho chim lên bếp thui sơ cho tới khi vàng, dậy mùi thơm (thui bằng cọng rơm là ngon nhất). Việc này vừa giúp loại bỏ các lông tơ (lông măng) còn sót, vừa giúp cho thịt săn lại, thơm ngon hơn khi nấu mà không bị tanh.
– Sau đó, dùng nước cốt gừng và rượu trắng thấm đều các mặt, rồi rửa sạch. Rồi cắt bỏ phần đầu, chân (phần này cho vào nồi nước dùng cùng với xương gà hầm), mổ bụng bỏ hết lòng, diều, phổi, chỉ giữ lại tim, gan, mề (phần này bóp muối, nước cốt chanh rửa sạch).
Phần còn lại thì lọc thịt ở đùi, lườn thêm chút hành tím, hạt tiêu rồi băm cho tới khi thịt nhuyễn, dẻo (không nên xay vì xay khiến thịt khô, bở). Ướp thịt chim với nước mắm, hạt nêm.
– Phi thơm hành tím, cho thịt chim vào xào săn lại. Nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình. Tắt bếp, múc ra bát để riêng.
b) Cách làm nước dùng: Bạn có thể dùng một trong 2 cách sau:
– Cách 1: Dùng nước của một quả dừa xiêm và thêm lượng nước vừa đủ khi nấu cháo.
– Cách 2: Dùng nước hầm từ xương gà. Cách làm như sau:
+ Xương gà ngâm với nước ấm pha chút muối hạt và chanh tối thiếu 10 phút để loại bỏ máu, tạp chất. Sau đó, rửa sạch lần 1.
+ Tiếp tục cho xương gà vào nồi nước sôi có thêm chút muối hạt và gừng đập dập để chần sơ, rồi vớt ra rửa sạch lần 2.
+ Xương sau khi rửa sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, đun sôi. Khi sôi, vớt bọt, hạ nhỏ lửa, thêm hành tím nướng đã rửa sạch, hành tây, hé mở vung một chút và ninh xương tầm 4 tiếng là nước dùng ngọt nhất. Có thể giảm thời gian bằng cách sử dụng nồi áp suất. Nêm nếm gia vị phù hợp, lọc bỏ xương là đã có nồi nước dùng chất lượng. Có thể làm sẵn nước dùng này sử dụng cho nấu các loại cháo, canh, trữ trong ngăn đá tủ lạnh được vài tháng.
c) Cách nấu cháo:
– Gạo tẻ vo sạch, để thật ráo rồi rang sơ hơi vàng để cháo thơm hơn. Đỗ xanh đãi vỏ, bỏ hạt mốc (nếu có) và ngâm nước 30 phút cho mềm.
– Sau đó, cho gạo tẻ và đậu xanh vào nồi nước dùng hầm cho tới khi nhừ, hạt gạo nở bung. Nếu thích cháo mềm nhuyễn và sánh hơn thì thêm chút gạo nếp và quấy đều tay 10 phút cuối.
– Khi cháo đã nhừ, trút phần thịt chim bồ câu đã xào vào hầm thêm 5-6 phút.
– Nêm nếm lại gia vị mắm, muối, hạt nêm theo khẩu vị gia đình.
d) Trình bày và thưởng thức: Múc cháo ra tô, thêm hành khô phi (nếu thích), hành lá, rau mùi xắt nhuyễn, hạt tiêu tùy theo khẩu vị mỗi người. Cháo chim bồ câu ăn nóng là ngon nhất vì sẽ cảm nhận rõ vị ngon ngọt tự nhiên.
Bùi Thủy
Theo: VnExpress