Ngoài nguyên liệu chính là bột mì/bột gạo để làm thành sợi bánh canh thì nguyên liệu ăn kèm của món cháo canh rất đa dạng, nó phụ thuộc vào từng vùng và tùy và sở thích của mỗi gia đình mà sẽ được lựa chọn khác nhau.
Nhắc đến bánh canh, những người con miền Trung xa quê lúc nào cũng thấy bồi hồi. Ảnh: Hoa Anh.
Nếu như cháo canh xứ Thanh được nấu cùng tôm tươi, sang đến bát cháo canh nổi tiếng thành Vinh lại được thêm vài quả trứng cút kèm miếng chả. Vào đến Quảng Bình, ngon nhất là món cháo canh cá lóc ăn kèm chả ram rán giòm rụm và rau cải xanh. Ở đất cố đô, cháo canh lại không thể thiếu được vị của mắm ruốc. Nha Trang đặc sắc với cháo canh chả cá đậm chất biển.
Tuy mỗi vùng miền đều có những vị rất riêng, không có một công thức nào gọi là “chuẩn vị” cho tất cả, nhưng nhắc đến bánh canh thì những người con miền Trung xa quê lúc nào cũng thấy bồi hồi.
Chỉ cần những nguyên liệu đơn giản, dễ mua ở chợ hoặc siêu thì là ta cũng có thể nấu được bát cháo canh nóng hổi ngọt thơm tại nhà
Ảnh: Hoa Anh.
Nguyên liệu và cách chế biến:
– Phần nước lèo (nước dùng): 500g sườn hoặc xương ống heo, rễ ngò rí (rễ cây mùi ta), 3 củ hành tím khô, 1 củ gừng, bột nêm.
– Xương heo rửa sạch, sau đó luộc qua và đổ nước đầu tiên đi.
– Ướp xương heo cùng hành khô thái, rễ ngò, gừng đập dập cùng chút bột nêm trong khoảng 20 phút.
– Cho vào nồi ninh với lửa nhỏ. Thỉnh thoảng mở vung để hớt bọt ra.
– Phần bánh canh: 300g bột mì đa dụng, 150g nước sôi, chút xíu muối, 1 thìa cà phê dầu ăn, 2 muỗng canh bột mì để làm bột áo, 1 câu lăn hoặc chai thủy tinh lăn bột, dao cắt bột
– Chuẩn bị một âu lớn và đổ bột mì cùng một chút xíu muối vào.
– Thêm dần từng chút nước sôi vào bột. Vừa thêm ta vừa dùng tay nhào nhẹ nhàng.
– Khi bột đã quyện lại thành một khối không còn dính tay, thêm vào một thìa cà phê dầu ăn và tiếp tục nhào để bột trở nên mịn mướt, không ướt quá cũng không khô quá.
– Chia bột thành 3 phần. Dùng cây lăn bột hoặc chai thủy tinh cán gập khối bột 3-5 lần cho bột trở nên dai hơn. Sau đó mới cản mỏng rồi dùng dao cắt thành hình sợi có độ dày và dài theo ý muốn.
– Trong quá trình cán – cắt bột, ta có thể phủ lên chút bột áo để sợi bánh canh không bị dính vào nhau.
Ta có thể luộc sợi bánh canh trong một nồi nước riêng. Thêm chút dầu ăn vào nồi nước, đun sôi bùng lên thì thả bánh canh vào. Luộc đến khi sợ bánh canh chín nổi lên mặt thì vớt ra thả vào thau nước lạnh để sợi bánh không bị dính. Khi ăn thì vớt ra bát và chan nước lèo vào. Với cách luộc này thì bát cháo canh sẽ trong và đẹp mắt.
Cũng có một cách là thả sợi bánh canh vào luôn nồi nước xương heo đã ninh sẵn, đun cho sợi bánh chín mềm. Nước lèo sẽ trở đục một chút, nhưng lại sệt sánh do bột mì quyện vào nước. Đây là cách làm tuy không đẹp nhưng lại được nhiều người khen vì vị thơm ngon.
Ảnh: Hoa Anh.
– Phần ăn kèm: trứng cút, tôm tươi, chả cá, 2 củ hành khô, màu điều, bột nêm, hạt tiêu, rau ngò, hành lá
– Phi hành khô vàng thơm, sau đó cho tôm tươi bóc vỏ, trứng cút đã luộc chín và chả cá đã làm chín vào đảo cùng. Thêm vào 1 chút màu điều để có màu vàng đẹp mắt. Bột nêm, hạt tiêu ta nêm theo khẩu vị.
– Rau ngò, hành lá sửa sạch để ráo nước và thái nhỏ.
*** Vớt sợi bánh canh ra bát. Xếp nhẹ nhàng tôm, trứng cút, chả cá lên trên mặt bánh canh. Chan nước lèo vào và trang trí rau ngò, hành lá, hành khô phi vàng tùy theo sở thích. Thưởng thức bánh canh ngay khi còn nóng hổi cùng vài lát bánh mì hay quẩy cũng rất ngon.
Cháo canh là một món ăn dân dã nên không quá cầu kì. Với những ai muốn khám phá đặc sản miền Trung, hoặc những người con xa nhà thèm một bát cháo canh đậm đà vị quê, ta vẫn có thể nấu món cháo canh đơn giản ngay tại căn bếp nhỏ của mình.
Hoa Anh
Theo: VnExpress