Chảo chống dính mất tác dụng hoặc đồ thủy tinh đắt tiền bị nứt vỡ, đồ gang bị gỉ… có thể do những thói quen sai lầm sau đây.
1. Nhiệt độ tương phản
Chuyển đột ngột nhiệt độ có thể làm hỏng đồ dùng nhà bếp. Ảnh: Brightside.
Nắp nồi thủy tinh có thể nứt vỡ nếu như vừa đun xong đã bị nhúng ngay vào nước lạnh. Ngược lại, nắp nồi thủy tinh vừa rửa bằng nước lạnh không nên đem đậy ngay lên nồi thức ăn đang sôi.
Thông thường, các nồi, chảo, nhất là bằng thủy tinh, sứ sẽ dễ nứt vỡ trong những trường hợp sau:
Đổ chất lỏng lạnh lên trên nồi còn nóng;
Đun nóng nồi trên bếp, cho vào lò ngay sau khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh;
Rửa đồ bếp vẫn còn đang nóng trong nước lạnh.
2. Quá lửa
Ảnh hưởng của đồ bếp khi bị nấu quá lửa có thể sẽ khác nhau, tùy theo từng chất liệu.
Thép không gỉ có thể bị bao phủ bởi những vết có hình “cầu vồng”. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ là tác động bên ngoài, đồ bếp vẫn sử dụng được.
Mặt chống dính bị bong ra, mất tác dụng vì trước đó nồi, chảo bị nấu cháy.
3. Dùng sai chức năng
Lấy dao để mở nắp chai, dùng hộp nhựa không phù hợp trong lò vi sóng, đậy một cái nắp bằng nhựa lên nồi inox… là những lỗi cơ bản nhiều người mắc.
4. Dùng dao trên thớt bằng đá
Thớt bằng đá hoa cương rất bền và đẹp mắt, tuy nhiên nó lại không tốt cho các loại dao. Nếu muốn sử dụng loại thớt này, hãy chuẩn bị tinh thần thay thế dao cũ thường xuyên, vì các lưỡi dao thường bị hỏng.
5. Cất và phơi các loại đồ bếp lộn xộn
Các loại đồ bếp khác nhau để lẫn lộn sẽ dễ bị vỡ, hỏng. Ảnh: Brightside.
Làm khô bát đĩa không đúng cách cũng dễ làm chúng vỡ, hỏng. Ví dụ như để thớt gỗ lẫn với ly, cốc, đĩa bằng sứ có thể khiến thớt không thể khô vì gỗ thường khô chậm hơn các chất liệu khác. Ngược lại, cốc và đĩa có thể bị vỡ khi va chạm với những đồ nặng như thớt gỗ.
6. Sai lầm khiến đồ bếp bị ám mùi
Đồ bếp thường bị ám mùi khi không có không khí thoáng để phơi. Cách tốt để tránh điều này là:
– Cất, phơi đồ bếp sau khi rửa ở nơi thoáng gió. Đặc biệt lưu ý đến các đồ bằng gốm vì chúng thường hấp thụ mùi khá tốt.
– Không lau khô đồ bếp bằng khăn vì khăn dùng trong bếp thường ẩm ướt, chứa nhiều vi khuẩn.
– Giẻ rửa bát, khăn tay cũ trong bếp cần được thay thế thường xuyên.
Đừng cất trữ đồ ăn thừa trong bát đĩa quá lâu. Nếu làm theo cách này, các nguyên liệu đều hấp thụ mùi và sau đó rất khó để loại bỏ mùi thức ăn cũ.
7. Rửa nồi, chảo gang sai cách
Rửa không đúng cách sẽ nhanh chóng làm chảo gang bị gỉ. Ảnh: Brightside.
Đồ gang giống như một “siêu anh hùng” trong nhà bếp, tuy nhiên chúng lại sợ nước. Các lớp dầu, mỡ đọng ở trên bề mặt nồi, chảo gang giống như một lớp bảo vệ giúp cho chúng không bị bám bẩn, chống dính thực phẩm.
Khi rửa đồ gang trong nước, hãy rửa nhanh, chà nhẹ nhàng để không làm hỏng lớp bảo vệ này. Phơi nồi, chảo gang ở nơi khô ráo để tránh bị gỉ.
8. Ngâm quá lâu đồ gỗ
Thớt gỗ là thứ không nên ngâm lâu trong nước, vì điều này có thể làm chúng bị ố, mốc và sau này có thể nứt vỡ.
9. Làm xước các mặt chống dính
Mặt chảo chống dính rất dễ bị xước trong các trường hợp sau:
Các mảnh xương nhỏ chà lên bề mặt trong quá trình nấu.
Dùng các loại xẻng múc có chất lượng kém. Ví dụ như thìa, xẻng lật bằng kim loại có cạnh sắc trong quá trình đảo đồ ăn có thể làm xước bề mặt chống dính. Các loại thìa nhựa tốt có viền tròn hoàn hảo sẽ thích hợp hơn để đảo đồ ăn.
10. Sử dụng máy rửa bát sai cách
Nhiệt độ cao của nước trong máy rửa bát, chất tẩy rửa chuyên dụng loại mạnh… có thể tốt trong việc rửa sạch thực phẩm, nhưng lại khiến đồ bếp nhanh hỏng. Cụ thể là:
– Đồ bằng bạc bị bạc màu;
– Đĩa, cốc thủy tinh bị nứt;
– Thớt gỗ bị hỏng do ngâm trong nước lâu;
– Nồi, chảo gang bị gỉ;
– Đĩa nhôm xỉn màu.
Nguyễn Phượng
Theo: VnExpress