Đá không đông, tủ lạnh bị mốc, có mùi hôi… là những lỗi thông thường mà bạn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng tủ lạnh.
Kỹ sư điện lạnh Lê Thanh Tùng cho biết người tiêu dùng có thể tự xử lý những lỗi này nếu có một chút kiến thức về điện và an toàn điện.
Ảnh minh họa: Comparison.
1. Tủ lạnh không đóng đá
Trước hết, bạn cần kiểm tra xem các lỗ thổi gió ở ngăn đá tủ lạnh có bị bít kín không? Nếu đúng là nguyên nhân này thì cần sắp xếp lại các khay đá, thực phẩm đông lạnh sao cho lỗ thổi gió được thông thoáng. Khi tuyết đóng kín ngăn đá cũng khiến đá lâu đông hơn vì thế cần phải cạo tuyết trong ngăn đá.
Bạn cũng cần kiểm tra các khay làm đá của bạn. Bạn nên nhớ, làm đá trong các khay, hộp nhỏ nhanh đông hơn trong các khay lớn, làm đá bằng khay nhôm nhanh hơn bằng đồ nhựa.
Ngoài ra, liệu bạn có để nút điều chỉnh ở mức nhỏ không? Muốn đá nhanh đông hơn thì nên chỉnh nút điều chỉnh ở vị trí MAX.
Tủ lạnh không vào điện cũng là một nguyên nhân đá không đông. Hãy kiểm tra xem phích cắm điện có bị lỏng không.
2. Tủ lạnh có mùi hôi
Tủ lạnh không sử dụng lâu ngày sẽ có mùi hôi. Ví dụ, bạn đi du lịch vài ngày, rút phích cắm điện của tủ lạnh, về nhà mở tủ lạnh ra, chắc hẳn bạn sẽ thấy tủ lạnh rất hôi. Tuy nhiên, chỉ cần được cắm điện và hoạt động trở lại, tủ lạnh sẽ hết mùi.
Đồ ăn không được đặt trong hộp hay túi kín cũng gây mùi cho tủ lạnh. Vì thế, cách chữa chính là bao kín thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vừa giữ tủ lạnh không bị hôi.
Ngoài ra, mùi bốc ra từ phía sau tủ lạnh cũng là một nguyên nhân khiến tủ hôi. Việc bạn cần làm lúc này là vệ sinh lại máng nước.
3. Tủ lạnh xuống cấp nhanh
Có nhiều lý do khiến tủ lạnh xuống cấp như không được làm vệ sinh thường xuyên, tủ lạnh bị đặt ở vị trí có ánh nắng mặt trời chiếu vào hay gần nơi ẩm ướt. Tủ lạnh dễ bị xì ga khi bị đặt ở những khu vực ẩm ướt, gần sông nước. Việc di chuyển tủ lạnh quá nhiều, mở đóng nắp hay lấy đồ trong tủ lạnh mạnh tay cũng có thể là nguyên nhân khiến tủ nhanh xuống cấp.
Cách khắc phục: Thường xuyên vệ sinh tủ, đặt tủ ở nơi khô ráo, tránh xa ánh nắng. Đóng mở tủ lạnh nhẹ nhàng.
4. Tủ lạnh bị mốc
Nguyên nhân thường do tủ không được vệ sinh, không được lau khô khi không sử dụng nữa.
Giải pháp cho bạn là nếu không sử dụng tủ lạnh, cần lau khô tủ, không nên đóng kín cửa, để tủ lạnh thoáng thì sẽ không bị mốc.
5. Tủ lạnh dù cắm điện nhưng có lúc hoạt động, có lúc không hoạt động
Đây là điều bình thường, tủ lạnh cũng có một chu kỳ nghỉ trong quá trình hoạt động.
6. Tủ lạnh chảy nước
Hãy kiểm tra xem đệm cửa có bị hở không. Ngoài ra, mùa mưa, mùa nồm, thời tiết có độ ẩm cao cũng có thể là nguyên nhân khiến tủ lạnh chảy nước. Cách khắc phục: Lấy khăn khô lau sạch nước. Đóng kín cửa tủ.
7. Tủ lạnh bị rò điện
Nguyên nhân có thể bạn chưa nối mát cho tủ lạnh. Đồ điện nào nếu không được nối mát cũng có thể gây giật tê, vì thế cần phải nối mát cho tủ lạnh. Chỗ nối mát ở phía sau tủ lạnh.
Ngoài ra cũng có thể đường dây điện bị hở chạm vào tủ, cần xử lý đường dây điện đó.
8. Tủ lạnh bị nóng
Không có gì nghiêm trọng vì dàn nóng của tủ lạnh được bố trí ở sát vỏ tủ lạnh để tỏa nhiệt ra ngoài.
9. Tủ lạnh có tiếng ồn khi chạy
Nguyên nhân có thể là do bạn đặt tủ lạnh chạm vào tường, hay có vật gì đó rơi xung quanh tủ. Cách xử lý là không để tủ lạnh chạm vào các vật khác.
Khay, kệ trong tủ lạnh hay máng nước sau tủ để không chắc, không cân bằng cũng là một nguyên nhân gây ồn vì thế lưu ý hãy để chắc chắn và cân bằng các vật này.
Nếu tủ đang hoạt động có tiếng ga sôi hay tiếng kêu của lốc máy là bình thường.
Ngoài ra, lốc máy làm việc quá tải cũng có thể gây tiếng ồn, vì thế không nên bỏ thức ăn quá nhiều, làm đá nhiều.
Với những lỗi này, nếu bạn đã kiểm tra nguyên nhân và tìm cách khắc phục như hướng dẫn mà không giải quyết được thì nên gọi cho thợ sửa chữa điện lạnh hay các trung tâm bảo hành sản phẩm.
Kim Anh
Theo: VnExpress