Những món gỏi giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt, cay cay ăn ngon hết sẩy, ai cũng thích.
1. Gỏi bò tái chanh
Món gỏi hấp dẫn với phần thịt bò chín tái thấm vị chua nhẹ của chanh, dùng làm món ăn chơi hay ăn cơm đều thích hợp.
Nguyên liệu:
– 450 g thịt bò thăn
– 1/2 củ hành tím, ít lát chanh để trang trí
– 1/4 bắp xà lách thái nhỏ
– 1 thìa canh hành phi
– 1 thìa canh đậu phộng rang
– rau thơm (rau răm), ớt trái
– 1 củ cà rốt thái sợi mỏng
– Bánh phồng tôm.
Nguyên liệu làm nước sốt:
– Ít tỏi băm
– 3 thìa canh nước cốt chanh
– 3 thìa canh giấm
– 1 thìa cà phê hạt nêm
– 1/3 thìa cà phê muối
– 3 thìa canh nước mắm
– 1/2 thìa cà phê đường
– 1/2 thìa cà phê dầu mè
Cách làm:
– Trộn tất cả nguyên liệu từ để làm nước sốt vào một cái bát nhỏ. Khuấy đều rồi để qua một bên.
– Thịt bò thăn thái lát mỏng, chần sơ qua nước sôi, để ráo.
– Hành tím thái lát mỏng rồi cho vào bát ngâm với tí giấm, đường. Rau răm nhặt lá bỏ sâu, rửa sạch, để ráo và thái nhỏ.
– Cà rốt thái sợi, bóp muối cho mềm, rửa lại với nước lạnh, để ráo.
– Cho thịt bò vào một âu sạch cùng cà rốt, hành tím, rau răm rồi cho thêm một ít nước sốt pha sẵn ở trên, trộn cho thịt thấm nước sốt.
– Cho xà lách vào đĩa, cho tiếp hỗn hợp thịt đã trộn lên trên. Sau cùng cho rau răm, hành tím, đậu phộng rang lên là hoàn tất.
– Thêm ít chanh tươi để trang trí và ăn kèm với bánh phồng chiên giòn.
2. Gỏi đu đủ trộn tai heo
Món gỏi có vị chua chua, tai heo giòn sần sật ăn kèm với bánh phồng giòn rụm là món ngon ăn hoài không ngán.
Nguyên liệu:
– 1 cái tai heo.
– 400 g đu đủ xanh bào sợi.
– 1/2 củ cà rốt bào sợi.
– 1 ít rau răm thái nhỏ, hành phi, đậu phộng rang giã nhỏ.
– Nước mắm trộn gỏi: 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước cốt chanh, tỏi, ớt băm.
Cách làm:
– Cạo, rửa sạch tai heo với muối và giấm. Cho vào nồi luộc chín với ít giấm hoặc chanh.
– Tai heo vừa chín đết vớt ra ngâm vào nước đá lạnh để tai heo giòn và không bị thâm.
– Để nguội, thái thành từng lát mỏng.
– Trộn đu đủ và cà rốt với ít nước mắm pha gỏi.
– Để cho đu đủ vừa thấm đến thì tiếp tục cho tai heo, rau răm, hành phi và đậu phộng rang vào.
– Ăn kèm với món này thích hợp nhất là bánh phồng tôm.
3. Gỏi lòng gà, đơn giản nhưng ngon
Nguyên liệu không cầu kỳ, lại không mất nhiều thời gian chế biến nhưng món gỏi lòng gà luôn mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Nguyên liệu:
– 1/2 vỉ tim gà
– 1/2 vỉ mề gà.
– 1 bó rau răm, 1/2 củ hành tây.
– Nước trộn gỏi: làm theo tỷ lệ 1 chanh + 1 muối + 1 đường + ít tiêu.
Cách làm:
– Tim, mề gà ngâm rượu trắng, muối cho sạch hết chất bẩn trong khoảng 5 – 10 phút. Sau đó chà sạch mề gà với chanh cho thơm rồi rửa lại bằng nước sạch.
– Đun nước sôi, thêm ít muối rồi cho lòng vào. Khi nước sôi lại thì vớt lòng ra rửa lại với nước sạch.
– Đun sôi nồi nước khác rồi cho lòng vào luộc chín với ít muối. Lòng chín vớt ra để ráo. Mề gà thái lát mỏng, tim bổ đôi.
– Rau răm rửa sạch, để ráo nước.
– Hành tây thái lát mỏng, ngâm nước muối cho bớt hăng.
– Trộn các loại gia vị theo tỷ lệ để làm nước trộn gỏi.
– Khi chuẩn bị ăn thì cho lòng ra tô, trộn trước lòng với nước trộn gỏi cho thấm. Trộn từ từ khi nêm lại thấy vừa ăn là được.
– Cho hành tây, rau răm vào trộn đều rồi cho ra dĩa dùng liền, thêm một ít ớt thái lát nếu thích ăn cay
4. Gỏi đu đủ khô bò giòn
Vẫn là gỏi đu đủ khô bò nhưng một chút biến tấu khi làm gan cháy từ lá mía heo sẽ cho ra những miếng gan cháy vừa ngon vừa không ngấy cho bạn.
Nguyên liệu:
– 500 g lá mía heo
– 8 thìa canh đường
– 1 thìa cafe ngũ vị hương
– 2 thìa canh rượu nấu ăn
– 1 thìa canh dầu ăn
– Ít khô bò
– Đu đủ xanh bào nhỏ
– Rău răm, lá quế cắt nhỏ
– Đậu phộng rang
– Nước tương, dấm gạo, đường.
Cách làm:
– Lá mía heo mua lạng bỏ phần mỡ trắng ở giữa lá mía rửa sạch ngâm qua sữa tươi 15- 20 phút trong tủ lạnh để loại bỏ độc tố, vớt ra để ráo.
– Ướp lá mía với 1/2 lượng nước tương + đường + ngũ vị hương + 1 thìa canh dầu ăn khoảng 1 giờ trở lên.
– Cho rượu vào lá mía trộn đều và xếp lá mía vào khay nướng, nướng với nhiệt độ 150 độ C. Nướng khoảng 20 phút thì trở thịt và nướng tiếp 20 phút nữa. Hoặc nướng đến khi lá mía khô lại như trong hình thì đem ra, đợi lá mía nguội thì thái miếng nhỏ vừa ăn.
– Cho tất cả lá mía vừa cắt vào nồi cùng với nữa lượng nước tương + đường + ngũ vị hương còn lại vào chảo và khìa cho đến khi lá mía khô ráo.
– Phần nước giấm pha theo tỉ lệ: 250 ml giấm gạo + 4 muỗng canh đường, quậy tan cùng với tỏi băm.
– Cho đu đủ bào ra dĩa ít rau răm lá quế lên trên cùng với lá mía , khô bò, đậu phộng rang. Khi ăn chan nước dấm vào , và xịt trực tiếp nước tương vào dĩa gỏi, với liều lượng mặn nhạt theo khẩu vị từng người, và cuối cùng là tương ớt.
5. Gỏi mít non và tôm
Không sang trọng, không cầu kỳ nhưng món gỏi mít non vẫn được ưa thích nhờ hương vị thanh mát, dân dã.
Nguyên liệu:
– 500 g mít non
– 180 g thịt ba rọi
– 180 g tôm tươi
– 2 thìa canh vừng rang vàng
– 1 bó rau răm, hành tây, gừng
– Gia vị: hạt nêm, muối
– Bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng.
Cách làm:
– Đun nước sôi, cho vào ít muối, giấm. Cho mít non đã gọt vỏ vào chần sơ qua. Vớt ra cho ngay vào âu nước lạnh. Sau đó vớt ra để ráo, xé mít thành từng sợi vừa ăn.
– Thịt heo rửa sạch, cho vào nồi luộc chín với ít gừng, hành tây, hạt nêm vào muối. Thịt luộc chín cho vào âu nước lạnh, sau đó thái sợi vừa ăn.
– Tôm tươi lột vỏ, bỏ chỉ đen, rửa sạch rồi luộc chín. Bạn có thể chẻ làm đôi hoặc để nguyên con tùy thích.
– Rau răm nhặt sạch, thái nhỏ.
– Sau khi đã chuẩn bị xong, bạn cho tất cả nguyên liệu như mít, tôm, thịt vào chung một cái âu rồi trộn đều với vừng rang vàng. Nêm gia vị vừa ăn rồi cho tiếp rau răm vào trộn đều.
– Món gỏi này dùng kèm với nước mắm chanh tỏi ớt và bánh tráng (hoặc bánh phồng).
6. Gỏi lá sách bao tử bò
Phần lá sách, bao tử giòn sần sật lại có vị chua nhẹ mang lại cảm giác đầy thú vị.
Nguyên liệu:
– 250 g lá sách bò
– 200 g bao tử bò
– 1/2 trái dưa leo
– 1/2 chén đồ chua
– 1 củ hành tím
– Rau răm, đậu phộng rang, hành phi, gừng
– Ít tương và ớt ăn phở
– Nước mắm trộn gỏi bao gồm: 3 thìa canh nước cốt chanh, 3 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh đường. Khuấy đều nêm vừa ăn có vị hơi chua là được.
– Nước mắm chấm gỏi: Gừng băm nhỏ, ít tương ớt, ít tương đen trộn đều với chanh.
Cách làm:
– Lá sách và bao tử bò rửa sạch với muối, rượu và gừng. Rửa lại bằng nước sạch.
– Đun nước sôi, cho ít gừng vào rồi cho lá sách và bao tử vào chần sơ qua.
– Vớt ra cho ngay vào âu nước đá lạnh để lá sách và bao tử được giòn. Sau đó thái nhỏ lá sách, bao tử.
– Dưa leo bỏ ruột, thái sợi. Ngâm dưa leo với giấm và ít đường khoảng 15 phút thì vớt ra rổ cho ráo.
– Hành tím thái nhỏ, ngâm với giấm, nước và ít muối trong khoảng 15 phút, để ráo. Rau răm nhặt lá, rửa sạch, thái khúc
– Cho lá sách, bao tử, hành tím, dưa leo và ít rau răm cùng 2 thìa canh hỗn hợp nước mắm rồi trộn đều. Khi tất cả đã thấm thì cho ra đĩa, rắc hành phi, đậu phộng rang lên trên.
Hạt Tiêu