Chất Ethylene Oxide nằm trong danh sách các chất gây ung thư, tuy nhiên nó còn phải tùy vào liều lượng, mức độ sử dụng và tiếp xúc với chất này.
Hiện nay, thông tin về hai sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo hảo, miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần ACECOOK Việt Nam và mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương bị Ireland và Na Uy thu hồi do có chứa Ethylene Oxide đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Hiện, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và xác minh về thông tin này.
Vậy chất Ethylene Oxide có trong các sản phẩm trên có thật sự đáng lo ngại? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học – Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) về vấn đề này.
Loại mì tôm Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland vì chứa chất Ethylene Oxide đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chất Ethylene Oxide có sẵn ở trong một số thực phẩm
Trong bối cảnh rất nhiều người đang phải ở nhà (do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19) và có thể phải ăn mì trường kỳ thì vấn đề này càng nên phải làm rõ.
Ethylene Oxide (EO) là một chất không màu và dễ bay hơi, dễ gây cháy nổ, được dùng làm tiền chất tổng hợp nhựa PET, polyethylene glycol (PEG), chất tẩy rửa… và dùng trực tiếp để xịt khử khuẩn, trừ sâu…
EO cũng là sản phẩm chuyển hóa từ ethylene sinh ra từ hoa quả chín và cũng là thành phần xuất hiện trong thuốc lá. Tuy nhiên, nếu gán ngay EO là thuốc trừ sâu thì chưa thật sự chính xác, vì có nơi sử dụng nhưng tại Việt Nam đang không dùng EO trong thuốc bảo vệ thực vật. EO chủ yếu được dùng làm nguyên liệu tổng hợp hóa học và sử dụng trong quy trình tiệt trùng bằng khí với sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ cao.
Trước đây EO chỉ nằm trong nhóm có khả năng gây ung thư do có khả năng ankin hóa cấu trúc DNA (1985), nhưng sau đó khi có đủ bằng chứng mới chính thức vào danh sách các chất gây ung thư ở người vào năm 2000 (theo báo cáo của Chương trình Độc học Quốc gia của Mỹ).
Nông sản hoàn toàn có thể chứa chất Ethylene Oxide.
Không phải chỉ có mì Hảo Hảo mà nhiều sản phẩm khác trên thị trường Châu Âu đã bị thu hồi do phát hiện được EO từ sau khi Bỉ lên tiếng báo động từ 9/2020. Giới hạn được đặt ra cho EO là dưới mức 0,02 mg/kg với các sản phẩm sản xuất từ trước 14/6/2021 mới là đạt tiêu chuẩn.
Các sản phẩm được phát hiện ra chủ yếu là các nông sản như vừng, gia vị, rau củ khô từ Ấn Độ, vừng và hạt hướng dương từ các nước khác. Đặc biệt, trong đó có một sản phẩm là Locust bean gum (keo galactomannan được chiết xuất từ hạt của cây đậu carob) được dùng làm chất ổn định nhũ tương trong thực phẩm (mã E410) được xác định là một chất ổn định bị tạp nhiễm bởi EO trong quá trình canh tác, kéo theo các sản phẩm dùng E410 bị nhiễm EO cũng bị thu hồi, mặc dù đây là chất ổn định thực phẩm được phép sử dụng.
Giới hạn tồn dư EO trong thực phẩm mà Ireland đang dùng là cao hơn so với mức chung ở Châu Âu (0,1 mg/kg) nên nếu mì Hảo Hảo gặp vấn đề ở Ireland thì rất có thể sẽ gặp vấn đề ở các nước Châu Âu khác. Vào cùng thời điểm này thì một sản phẩm tương tự là mì hải sản của Nongshim (Hàn Quốc) bị thu hồi ở Đức vì phát hiện ra EO.
Kết quả điều tra ở Hàn Quốc đã phát hiện ra vấn đề nằm ở gói rau củ khô đi kèm với hàm lượng 2-chloroethanol ở mức 0,11 mg/kg mà không phát hiện được ethylene oxide. Theo tiêu chuẩn của Châu Âu thì nồng độ hai chất này cùng được tính là ethylene oxide do 2-chloroethanol là sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ ethylene oxide. Tuy nhiên 2-chloroethanol lại không phải là chất gây ung thư.
Trong thành phần các sản phẩm của Việt Nam bị thu hồi ở Châu Âu (Ireland và Na Uy) mới đây, tất nhiên chúng ta sẽ không tìm thấy EO, cũng không có E410, nhưng với khả năng xuất hiện EO trong các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật nên có khả năng đây là tồn dư trong nguyên liệu bột mỳ được nhập khẩu hoặc nằm trong nguyên liệu rau củ như trường hợp của mì hải sản Nongshim.
Tại Việt Nam EO không phải là phụ gia hay chất bảo quản thực phẩm. Đây là thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có quy định dư lượng tối đa trong thực phẩm.
Có đáng lo ngại nếu EO tồn dư trong mì ăn liền?
Điều này là có, tuy nhiên chưa phải vấn đề nghiêm trọng. EO đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư máu, ung thư phổi, ung thư dạ dày… nhưng con đường chủ yếu được xác định là qua đường hô hấp (qua tài liệu của WHO và EPA -Tổ chức bảo vệ môi trường Mỹ).
Do chủ yếu tồn tại ở dạng khí ở nhiệt độ thường nên EO có nguy cơ cao với người tiếp xúc với không khí có EO thường xuyên như lao động trong dây chuyền sản xuất hóa học có dùng EO, nhân viên các công ty khử khuẩn hay dây chuyền sản xuất thiết bị y tế sử dụng EO hay nhân viên y tế ở các cơ sở y tế thường xuyên có khử khuẩn bằng EO.
Ngoài nhóm bị ảnh hưởng do đặc điểm nghề nghiệp thì người hút thuốc lá thường xuyên cũng có nguy cơ ung thư phổi cao do EO từ nguyên liệu là cây thuốc lá còn trong điếu thuốc. Việc tiếp xúc thời gian ngắn với EO không có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và con đường gây ung thư của EO qua đường tiêu hóa cũng chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng.
Nếu có chất EO trong mì cũng không quá lo ngại, vì không gây ngộ độc cấp tính mà dùng lâu dài, liên tục mới gây ảnh hưởng.
Chính vì vậy, ngay cả Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) cũng nói rõ “ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe” mà lo ngại chính là vấn đề “có thể gây hại cho sức khỏe nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài” cũng như lo ngại về việc EO giải phóng ra môi trường không khí (có thời gian bán hủy trong không khí là 69-149 ngày và trong nước là 12-14 ngày).
Các báo cáo độc tính của EO trên mô hình chuột chủ yếu dùng những nồng độ cao như 90 mg/m3 trở lên, còn trong mức giới hạn an toàn ở Mỹ đang dùng là 0,03 mg/m3 nhưng cũng không phải là nồng độ trực tiếp gây ra ung thư mà cần phải có thời gian hít phải loại khí này đủ lâu. Vì không phải là các nồng độ gây ra tác hại trực tiếp nên giới hạn này ở các nước khác nhau tùy theo cách tính để đảm bảo mức ảnh hưởng thấp trong khoảng thời gian tiếp xúc lâu dài.
Khi nấu mì tôm cần đun sôi, mở nắp để trường hợp có EO trong đó sẽ bay hơi ra ngoài.
Qua đó, chúng ta không nên quá lo lắng về khả năng mì còn tồn dư EO. Để an tâm thì khi ăn, nên ngâm nước nóng mở nắp 3-5 phút chứ không đậy nắp hoàn toàn, hoặc nấu mì trên bếp mở nắp là được. Bởi EO rất dễ bay hơi sẽ bị hòa loãng trong không khí, không đủ khả năng gây tác hại.
Các loại mì ăn liền cũng không tốt cho sức khỏe nếu sử dụng liên tục lâu dài nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nó vẫn là giải pháp phù hợp để người dân có thể duy trì nguồn thực phẩm trong thời gian giãn cách. Trong lúc còn đang chờ xác minh từ cơ quan điều tra, đây là cách làm phù hợp hơn là bỏ không dùng sản phẩm.
Cũng từ cảnh báo này mà chúng ta cần phải xem xét lại các điều kiện an toàn lao động với người lao động làm việc ở môi trường có EO xuất hiện liên tục như đã nói ở trên, ngoài ra đây cũng là cảnh tỉnh cho việc hút thuốc lá.
Hy vọng Bộ Công thương và công ty sản xuất ra các sản phẩm mì bị thu hồi như đã nói trên sẽ điều tra được nguyên nhân và có điều chỉnh hợp lý để khắc phục sự cố này. Ngay cả trong trường hợp xác định được các sản phẩm ở thị trường nội địa còn tồn dư EO thì đây cũng không phải sự cố có ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm luật pháp Việt Nam nên quan trọng nhất chúng ta nên xem xét lại kỹ tiêu chuẩn này để có những thay đổi phù hợp và chuẩn hóa lại dây chuyền sản xuất để tránh xảy ra các tình huống tương tự khi xuất khẩu.Theo: Eva.vn