Cà tím nướng tỏi nấm mà ăn cùng cơm trắng thì bon miệng lắm nha.
Cà tím nướng nấm, tỏi nè
Chuẩn bị nguyên liệu
-
Rau củ: 2 quả cà tím, 4-5 cây nấm đùi gà, 1-2 củ tỏi
-
Bột năng/bột ngô 1-2 thìa cà phê
-
Gia vị Xì dầu, bột ớt, tương ớt, dầu hào, đường kính, muối
Tối nay mà chưa biết nấu món mặn gì, chị em hãy phi ngay vào siêu thị, mua những nguyên liệu mà chúng tôi gợi ý để làm cà tím nướng nấm, tỏi. Nấu nhanh, ăn ngon mà lại hỗ trợ giảm cân và mang lại “cả rổ” lợi ích khác cho sức khỏe.
Cách làm cà tím nướng nấm, tỏi
1. Sơ chế các nguyên liệu
Bạn rửa sạch 2 quả cà tím, nhớ chà kỹ phần vỏ để loại bỏ hết bụi bẩn. Nấm đùi gà cũng rửa sạch, thái hạt lựu. Tỏi bóc vỏ, băm hoặc giã nhỏ.
Thái nhỏ nấm đùi gà, giã nhỏ tỏi
Tiếp theo, bạn cho 1-2 thìa cà phê bột năng hoặc bột ngô vào bát. Khuấy đều cùng khoảng 20-30ml nước.
2. Nướng cà tím
Bạn làm nóng lò nướng/nồi chiên không dầu ở mức nhiệt 200 độ trong 5 phút. Sau đó, quét đều 1 lớp dầu ăn vào cà tím và nướng ở mức nhiệt 200 độ trong 5-7 phút. Nướng xong, bạn bổ đôi quả cà tím theo chiều dọc và băm nhẹ phần ruột nha.
Làm vậy nè
3. Xào nấm, tỏi
Bạn cho vào chảo 1-2 thìa cà phê dầu olive hoặc dầu ăn. Đợi dầu nóng già rồi đổ nấm và tỏi vào, nêm thêm 2 thìa cà phê dầu hào, 1 thìa canh xì dầu 1 thìa canh bột ớt, 1 thìa canh tương ớt, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối. Đảo đều các nguyên liệu khoảng 1 phút rồi đổ bát nước bột năng/bột ngô đã pha vào chảo.
Đảo thêm khoảng 30 giây sau khi đổ nước bột năng/bột ngô vào là có thể tắt bếp nha
4. Hoàn thành món cà tím nướng nấm, tỏi
Bạn cho phần nấm, tỏi vừa xào cùng gia vị vào miếng cà tím. Nướng lại ở mức nhiệt 180 độ trong 5 phút.
Nướng lại 1 lần nữa là có thể thưởng thức được rồi
Lưu ý: Nếu không có lò nướng/nồi chiên không dầu, chị em vẫn có thể làm món cà tím nướng nấm, tỏi bằng cách áp chảo cà tím nha.
Làm thế này, món ăn dù toàn rau nhưng vẫn thơm ngon, đậm vị. Cà tím mềm kết hợp với nấm, tỏi đẫm sốt nên ăn cùng cơm trắng thì “hao cơm” lắm luôn.
Một vài công dụng của cà tím mà có thể bạn chưa biết
1. Giàu chất xơ và chất chống ôxy hóa
Quả cà tím có chứa nhiều chất xơ, đồng, mangan, B-6, thiamine cùng các vitamin và khoáng chất khác. Cà tím cũng là một nguồn cung cấp các hợp chất phenolic hoạt động như chất chống ôxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào nếu chúng tích tụ với số lượng lớn.
2. Giảm cholesterol xấu trong máu
Cà tím có chứa chất xơ có lợi cho mức cholesterol. Kết quả của một nghiên cứu năm 2014 trên loài gặm nhấm chỉ ra rằng, axit chlorogenic, một chất chống ôxy hóa chính trong cà tím, có thể làm giảm mức độ lipoprotein mật độ thấp, hoặc cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
3. Giảm nguy cơ ung thư
Polyphenol trong cà tím có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư. Anthocyanins và axit chlorogenic bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Về lâu dài, điều này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư. Anthocyanins có thể giúp đạt được bằng cách ngăn chặn các mạch máu mới hình thành trong khối u, giảm viêm và ngăn chặn các enzym giúp tế bào ung thư di căn.
4. Hỗ trợ giảm cân
Chất xơ trong cà tím có thể giúp kiểm soát cân nặng của cơ thể. Một người theo chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ ít ăn những món khác hơn, vì chất xơ có thể giúp một người cảm thấy no lâu hơn. Cà tím chứa chất xơ và ít calo nên hỗ trợ quá trình ăn kiêng, giảm cân rất tốt.
Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ có thêm một món ăn vừa ngon vừa bổ để thưởng thức.
Chúc bạn thành công với cách làm cà tím nướng nấm, tỏi này nhé!
Theo: Afamily