Mùa dịch bệnh, người người chưng yến, nhà nhà ăn yến. Vậy nhặt sao cho nhanh, chưng sao cho ngon? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Với những bí quyết của bạn Thanh Trâm được chia sẻ trên nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) – đảm bảo việc nhặt và chưng yến của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhà nuôi yến và có bán yến, nên việc nhặt yến mỗi ngày đã trở thành một kĩ năng mà Trâm rất thành thạo. Trâm chia sẻ cô có thể nhặt lông cho 100gr yến trong 4 tiếng thôi. Và dưới đây mời bạn cùng tham khảo những bí quyết do Thanh Trâm chia sẻ nhé!
Để nhặt yến được nhanh, khâu chuẩn bị là rất quan trọng. Bạn cần chuẩn bị những dụng cụ sau:
– Nhíp xịn: là loại nhíp đầu nhọn chuyên dụng để nhặt lông yến/ nối mi/ gắp linh kiện đồng hồ… Giá tầm 20-70k. Loại 20k thì gắp cũng được nhưng thép mỏng nên dễ bị cong đầu. Cây của Trâm như trong hình là 70k, xài khá bền. Cây nhíp cực kì quan trọng nhé chị em, gắp đâu trúng đó nên nhanh hơn hẳn đấy!
– Rổ mắt nhỏ kèm thau. Nên màu trắng cho dễ nhìn.
– Rây mắt nhỏ
– Khăn màn/ khăn sữa
– Đĩa màu trắng
– Đèn để bàn, soi cho sáng
Giờ bắt đầu vào việc nha!
Bước 1: Ngâm yến
– Trước khi ngâm hãy lấy bàn chải đánh răng chà sạch cát/ xi măng, rứt bớt những lông khô có thể rứt đc bằng tay.
– Ngâm yến trong vòng 30 PHÚT bằng NƯỚC LẠNH (không ngâm bằng nước nóng/ ấm sẽ làm mất chất nhé). Sau đó vớt ra để ráo, ủ trong 1 cái khăn sữa để trong ngăn mát tủ lạnh 6-8 tiếng. Không ngâm yến trong nước lâu sẽ giữ đc dinh dưỡng và độ dai của sợi yến. Để yến trong tủ mát sợi yến sẽ dẻo, dai lại, lông sẽ bung khỏi sợi yến không găm vào thịt, dễ nhặt hơn.
Bước 2: Tách sợi
Lúc này bạn sẽ tách phần dơ, nhiều lông làm riêng; phần sạch làm riêng. 6 phần sạch 4 phần lông nhặt nó nhanh hơn 10 phần lông hết. Thường thì phần chân, bụng dưới và xơ mướp ở trong sẽ nhiều lông, cát, vỏ trứng hơn phần lưng (lớp sợi trên).
Bước 3: Đãi sạch (làm lần lượt từng phần sau khi đã tách ở bước 2)
– Cho yến vào rổ mắt nhỏ có thau hứng, xả nước ngập thau. Dùng tay tách, xé, làm tơi phần yến và lông. Để lắng và nhẹ nhàng đổ phần lông nổi trên mặt nước đi. Lặp lại như vậy nhiều lần cho đến khi cảm thấy đỡ bớt phần lông nổi.
Yến đã ngâm và làm tơi đây nhé các chị em!
– Sau khi thấy yến đã tơi, dùng tay khuấy yến trong rổ có kèm thau nước. Lông măng, cát vỏ trứng sẽ trôi ra rất rất nhiều luôn. Lặp lại nhiều lần cho đến khi cảm thấy sạch. Xả nước – khuấy – nhấc rổ lên – đổ. Còn ai sợ yến rơi ra ở khúc này có thể đổ nước vào rây mắt nhỏ để hứng lại. Cá nhân mình thấy không bao nhiêu và việc nhặt lại phần vụn này còn tốn công hơn nên đổ luôn. Lưu ý nhà ai trồng cây thì hứng vụn yến này tưới cây cũng tốt lắm nhé!
– Sau khi làm hết những bước trên, nhấc rổ lên cho ráo. Ta sẽ thấy những lông to không thể lọt ra ngoài được. Lúc này có thể dùng nhíp sơ chế gắp ra trước để nhìn tổng thể cho sáng sủa trước khi chính thức lên bàn nhặt.
Sau khi đãi sạch, lúc này yến đỡ lông nhiều rồi.
– Dùng khăn sữa vắt khô phần yến vừa đãi để chuẩn bị nhặt. Khi vắt khô, yến sẽ tơi hơn, nước không làm lông dính vào yến nên nhặt sẽ dễ hơn.
Bước 4: Nhặt yến
Bắt đầu nhặt thôi, đến bước này rồi ai cũng làm giống ai thôi. Dùng tay làm tơi từng phần nhỏ, gắp và thả vào chén nước. Xong!
Yến sau khi làm sạch
Bước 5: Tráng lại
Sau khi đã nhặt sạch sẽ tuy nhiên thế nào cũng sót vài cọng lông măng. Nên làm xong rồi mình sẽ cho từng nắm nhỏ yến vào rây, khuấy/chao yến trong thau nước thêm 1-2 lần nữa. Lông măng sẽ trôi ra sạch sẽ trắng tinh như tẩy luôn.
Sau khi đã làm xong thì dùng khăn màn vắt khô, chia thành từng phần vừa ăn 1 lần để vào ngăn đông. Mỗi lần ăn lấy ra KHÔNG CẦN RÃ ĐÔNG vẫn chưng được, ăn ngon lành luôn.
CÁCH CHƯNG YẾN NHANH – CHỈ 20 – 30 PHÚT
– Đối với yến tươi (yến làm sạch – chưng liền): Đổ ngập nước trong chén/ tô, chưng cách thuỷ trong nồi nước sôi 15′ (nhớ đậy nắp). Sau khi yến nở hết thì cho thêm đường phèn, gừng vào, 5′ sau tắt bếp là được. Tổng thời gian khoảng 20′.
– Đối với yến tươi bảo quản ngăn đông: Lấy ra ko cần rã đông, cho nước âm ấm vào chén và chưng như ở trên. Thời gian 25-30′.
– Đối với yến tinh chế: Ngâm yến trong nước lọc nguội từ 30-40′ cho yến nở hoàn toàn, không bị vón cục, có thể rửa tráng lại cho sạch rồi chưng như ở trên.
Nếu chưng chung với táo đỏ, hạt sen… thì nên hấp chín trước rồi mới cho vào yến chưng sau để tránh bị nổi bọt.
GÓC TÁC GIẢ
Thanh Trâm – tác giả của những chia sẻ trên hiện đang sống tại thành phố Phan Thiết. Trâm sinh năm 1991, hiện đang làm nhân viên văn phòng. Tuy nhiên do gia đình có nuôi và kinh doanh yến nên cô khá rành trong các vấn đề liên quan đến yến, trong đó có việc sơ chế, nhặt và chưng yến như trên.
Chúc chị em có thêm những món ngon từ yến để bồi bổ cho sức khỏe của gia đình với những bí quyết sơ chế và chưng yến trong bài viết này nhé!
Theo: Afamily