Cao Thùy Dương dành hai năm để học làm wagashi – một loại bánh truyền thống Nhật Bản được tạo hình đẹp như hoa.
Cao Thuỳ Dương (34 tuổi, giáo viên dạy pilates và múa tại Đà Nẵng) là thành viên quen mặt của các hội yêu bếp núc trên mạng xã hội. Cô được biết đến với những tác phẩm bánh wagashi Nhật Bản tỉ mỉ, cầu kỳ tới mức ‘không nỡ ăn’. Mỗi bài đăng của Thùy Dương đều nhận được hàng nghìn lượt yêu thích.
Thùy Dương từng có gần 10 năm công tác trong ngành ngân hàng nhưng vì có đam mê lớn với ẩm thực nên quyết định nghỉ việc để theo đuổi con đường mới. Cô cho biết: ‘Từ ngày bé khi xem bộ phim ‘Cô thợ làm bánh Asuka’, tôi đã ấp ủ niềm đam mê với loại bánh này, dùng đất màu để bắt chước và nặn các mẫu bánh trong phim, mong muốn có một lần được nhìn trực tiếp và nếm thử món bánh. Khi lớn lên, tôi vô tình tham gia vào một nhóm chia sẻ về bánh wagashi và có cơ hội được tiếp cận với một người thầy về bộ môn này. Niềm đam mê lúc nhỏ lại trỗi dậy’.
Wagashi là một loại bánh truyền thống của Nhật Bản, được làm từ nguyên liệu thực vật, vị ngọt, dùng chung với trà. Đặc biệt, mỗi chiếc bánh đều được tạo hình rất cầu kỳ, màu sắc sống động, mang tính nghệ thuật cao.
Ban đầu, Thùy Dương chỉ tham gia một khoá workshop cơ bản, sau đó tự luyện tập thêm. Quá trình luyện tập rất kỳ công, cô mày mò và thực hành các mẫu mới, làm sao để sử dụng dụng cụ một cách thuần thục nhất, sau đó mua thêm rất nhiều những dụng cụ khác để tạo hình bánh.
Trong ảnh là mẫu bánh hoa anh đào trên núi Phú Sĩ. Cô gái Đà Nẵng thường lấy cảm hứng tạo hình bánh từ những bức ảnh thiên nhiên, các loài vật hay hoa lá. Đến nay, Thùy Dương đã hoàn thành hơn 200 mẫu với đủ chủ đề như hoa anh đào mùa xuân, giáng sinh, thiên nhiên qua bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.
Trong số đó, tác phẩm mà cô gái Đà Nẵng tâm đắc nhất là bộ tỉa hoa cúc bằng đũa kim theo kiểu Fantasy. Thời gian để hoàn thành một bông hoa tới 25 phút khiến cô không khỏi mỏi tay và hoa mắt.
Theo Thùy Dương, kỹ năng khó nhất là sử dụng dụng cụ thành thạo, đặc biệt là đũa kim trong kỹ thuật cắt tỉa. Thời gian đầu, không thể khiến cho hai đầu kim chạm nhau, Thùy Dương đã phải tập luyện hàng ngày đến mức các ngón tay bị căng cơ và nhức mỏi. Cô mất tới hai năm để thành thạo các kỹ năng.
Dụng cụ rất quan trọng đối với bánh wagashi, bao gồm thanh tạo hình, khuôn bằng gỗ, khuôn cắt nhỏ xíu bằng kim loại… Dụng cụ rất đa dạng và khá khó mua vì ở Việt Nam không bán. Dương phải nhờ bạn đặt mua từ nước ngoài về và với giá khá cao, có những loại khuôn giá thành lên đến chục triệu đồng.
Chiếc bánh nhìn cầu kỳ nhưng đều được làm từ nguyên liệu khá đơn giản: Vỏ từ đậu trắng, nhân đậu đỏ, thêm bột nếp để tạo độ dẻo và kết dính. Bánh được pha màu từ màu thực phẩm, không dùng màu tự nhiên được vì không đảm bảo độ tươi của màu sắc và ảnh hưởng đến chất lượng của bột khi tạo hình.
Hoàn thành một chiếc bánh cần trải qua ba bước cơ bản. Đầu tiên là sơ chế tinh bột đậu từ hạt đậu. Đậu cần ngâm qua đêm cho mềm, bóc vỏ từng hạt, rửa sạch, sau đó mang đi luộc sơ vài lần cho ra hết chất bẩn, ninh nhừ, đánh tan với nước rồi chờ lắng đọng, xay nhuyễn và lọc qua rây, vắt ráo nước để cho ra phần tinh đậu vừa trắng và mịn.
Tiếp đó là sên tinh bột đậu với bột nếp và đường theo tỷ lệ nhất định để tạo ra khối bột dẻo mịn. Cuối cùng là pha màu và tạo hình bánh. Thông thường để tạo hình xong một chiếc bánh, Thùy Dương mất khoảng 15 phút. Công đoạn tốn thời gian nhất là sơ chế tinh bột đậu, còn công đoạn khó khăn và cần tập trung nhất là tạo hình bánh.
Thùy Dương cho biết phần lớn mọi người đều nhận xét món bánh này đẹp, bắt mắt, hương vị dậy mùi đậu, ngọt vừa ăn vì cô đã giảm bớt lượng đường trong công thức cho hợp khẩu vị người Việt.
Ảnh: NVCC
Nguyên Chi