Sứa đỏ Hà Nội

Sứa đỏ vị mát, ăn với đậu phụ nướng, cùi dừa ‘gây nghiện’ với nhiều người nhưng cũng bị nhận xét là như ‘ăn thạch với mắm tôm’.

Ở Hà Nội, muốn ăn ngon không chỉ cần ăn đúng hàng mà còn phải đúng thời điểm. Mùa nào thức ấy làm nên đặc trưng của đặc sản Hà thành. Nếu tháng 10 là lúc thích hợp nhất để ăn ốc, tháng 3 lại là dịp dân sành ăn ở Hà Nội rủ nhau check in ở những quán sứa đỏ quen thuộc trong khu phố cổ. Món ăn này sử dụng loại nguyên liệu không lạ nhưng cách ăn “độc nhất vô nhị” chỉ ở Hà Nội mới có, lại chỉ có thể ăn được vào dịp cuối xuân đầu hè, ai chậm chân đành ngậm ngùi đợi tới sang năm.

Sứa đỏ Hà Nội

Quán sứa đỏ cụ Gái trên phố Hàng Chiếu là địa chỉ quen thuộc với người sành ăn. Ảnh: Nguyên Chi

Người dân miền biển quen với những món như gỏi, nộm sứa, bún sứa được làm từ sứa tươi. Nhưng hiếm nơi nghĩ ra cách chế biến và cách ăn sứa cầu kỳ như ở đất kinh kỳ. Từ lâu, sứa đỏ đã là một món ăn vặt trứ danh, dù chỉ xuất hiện vài tháng cũng đủ gây thương nhớ. Ở Hà Nội, những hàng bán món ăn này chỉ đếm trên đầu ngón tay nên người sành ăn đều thuộc như quán ở phố Hàng Chiếu, ngõ Thanh Hà, quanh chợ Đồng Xuân, Lò Đúc, Đường Thành…

Sứa được mang từ vùng biển gần thủ đô như Hải Phòng, Nam Định về, sau đó ngâm trong thùng nước có sẵn rễ hoặc vỏ cây sú vẹt. Loại cây này giúp sứa giòn sật và có màu đỏ sậm bắt mắt. Tiếp đó, sứa được ngâm trong chậu nước sạch, thả vài lát quất để khử mùi của sú vẹt và giảm bớt mùi tanh của sứa. Công đoạn chế biến sứa đã gần hoàn thành, có thể mang ra hàng phục vụ cho khách. Trước đây, chủ quán sứa đều sử dụng que tre vót mỏng để cắt sứa, dùng dao inox hay sắt có thể khiến sứa bị chảy nước, không ngon. Nhiều thực khách tin mùi tre quyện với nước sứa làm nên vị ngon. Một số khách lại nhớ mãi hình ảnh bà chủ quán tay nhanh thoăn thoắt cắt sứa bằng que tre như một ký ức về Hà Nội xưa.

Để ăn món này cũng cần lắm công phu bởi “phụ kiện” đi kèm còn nhiều hơn cả món chính. Thành phần gồm mấy miếng đậu phụ nướng thơm, thái miếng nhỏ, cùi dừa thái miếng mỏng, rau sống rửa sạch, nhất thiết phải có kinh giới và tía tô, ngoài ra có thể thêm bạc hà. “Linh hồn” của mâm sứa là bát mắm tôm, đánh sủi bọt với chanh. Một khay xếp ra bao giờ cũng phải đầy đủ thành phần, thiếu món nào cũng không được.

Sứa đỏ Hà Nội

Sứa đỏ có sức hút cả với những vị khách phương Nam lần đầu ra Hà Nội.

Sứa đỏ là món ăn chơi, thích hợp trong buổi chiều thảnh thơi, không vội vàng. Đầu tiên, chọn một lá kinh giới hoặc tía tô bản to vừa, xếp một miếng sứa đỏ, một miếng cùi dừa, một miếng đậu phụ nướng, khéo léo gói kín rồi chấm nhẹ vào mắm tôm. Vị sứa man mát như thạch, thêm chút mằn mặn, quyện với vị cùi dừa bùi bùi, vị béo thơm của đậu phụ, vị mắm tôm hơi gắt nhẹ. Sứa vốn có tính hàn, kết hợp với tía tô và kinh giới đều là những loại thuốc Đông y, có tính ấm, giúp trung hòa món ăn, không gây đau bụng.

Tuy nhiên, món ăn này cũng rất kén khách. Ai ăn được thì rất “ghiền” nhưng cũng không ít người không dám thử bởi e ngại sứa là đồ sống, có vị tanh hay màu đỏ sậm của món ăn này. Một số người đã thử nhưng cũng không cảm thấy ngon “như lời đồn”, chỉ thấy mùi mắm tôm và đậu phụ, không cảm nhận rõ nét mùi vị của sứa đỏ. Thậm chí, một số khách còn mô tả giống như ăn thạch với mắm tôm. Nhưng với những ai trót mê mệt, sứa đỏ vẫn luôn có sức hút kỳ lạ, năm nào đến dịp cũng phải ăn một lần cho thỏa cơn thèm.

Giá một suất khá bình dân, khoảng 25.000 – 50.000 đồng đủ cho hai người ăn, có thể gọi thân sứa mọng nước hoặc chân sứa giòn giòn.

Nguyên Chi

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi