Bánh cuốn nhân tôm, thịt bò, thịt heo xá xíu… chấm với nước tương pha sa tế thơm luôn nườm nượp khách từ khi mở hàng đến lúc hết.
Mỗi ngày, vợ chồng chủ quán bánh cuốn Quảng Đông tại quận 11 mở cửa lúc 6h, làm nóng máy tráng bánh rồi hai tay thoăn thoắt chế biến từng đĩa bánh cuốn nóng hổi phục vụ thực khách ăn sáng. Đây là một trong những món điểm tâm giá rẻ rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Người chồng (chủ quán) từng có kinh nghiệm làm đầu bếp nhà hàng dimsum ở Quảng Châu hơn 10 năm. Sau đó, anh mang món này về Sài Gòn, kinh doanh cùng bà xã. Hoạt động được khoảng hai năm, có thời gian nghỉ vài tháng do dịch Covid-19, quán vẫn đông ngay khi mở bán trở lại nhờ lượng khách quen lẫn khách mới.
Bánh cuốn thập cẩm. Ảnh: Instagram ruahaman
Khác với bánh cuốn Việt, bánh cuốn Quảng Đông tráng bằng máy thay vì nồi hấp trên bếp lửa. Chiếc máy tráng bánh có nhiều tầng, ngăn dưới cùng chứa nước sôi tạo hơi nước làm chín bánh trong ba khay xếp phía trên. Trước khi tráng, khay kim loại được làm nóng khoảng một phút, vừa giúp bánh chín đều, vừa sạch. Tiếp đến, đầu bếp quét một lớp dầu mỏng để khỏi dính khay, đổ một vá (muôi) bột gạo rồi xếp nhân lên, đặt vào máy.
Bánh chín sau khoảng một phút hấp bằng máy. Người bán dùng hai miếng xẻng nhỏ cuộn bánh, xắn làm đôi, bày vào đĩa lót sẵn rau xà lách. Có bốn loại nhân gồm: tôm tươi, thịt heo xá xíu, thịt bò tươi ướp, thịt lợn băm. Thực khách chọn nhân yêu thích, hoặc ăn thập cẩm chứa tất cả các loại nhân. Bột bánh pha loãng nên vỏ bánh mỏng, dễ bị rách. Bù lại thực khách không có cảm giác nạp quá nhiều tinh bột. Các loại nhân đều được ướp thấm vị. Riêng thịt heo xá xíu thì thái sợi cho dễ cuốn.
Bánh cuốn thập cẩm chan nước tương sa tế. Ảnh: Diadiemanuong
Chủ quán cho biết thật ra món này không quá đặc biệt, bạn có thể ăn tại các nhà hàng dimsum. Do đó, bí quyết níu chân thực khách của quán không phải nhờ bánh cuốn mà nằm ở chén nước chấm đi kèm được pha theo công thức bí mật do anh nghĩ ra từ nhiều năm trước.
Anh kể, những năm 1990, có người mê vị nước chấm này nên trả giá 3.000 nhân dân tệ để học, nhưng anh từ chối chia sẻ công thức vì đây là đặc trưng của gia đình. Nếm thử, thực khách chỉ biết nước chấm làm từ nước tương (xì dầu) và vài thứ gia vị, không rõ thành phần, tỷ lệ cụ thể. Tuy nhiên đa phần thực khách đều thích và nhận xét vị nước chấm rất vừa miệng, nhất là khi pha thêm một muỗng sa tế tôm cay cay, mặn mặn, ngọt ngọt thơm nhẹ mùi tỏi, sả làm dậy lên hương vị của miếng bánh cuốn.
Khi ăn, thực khách nhúng bánh vào nước chấm hoặc rưới lên trên. Nhân bánh đầy đặn. Vỏ bánh có hành lá, trứng gà. Giá từ 30.000 đến 55.000 đồng một phần, vừa đủ một người ăn không bị ngấy.
Chủ quán tráng bánh bằng máy nhiều tầng. Ảnh: Instagram Homnay_tuiangi
Vi Yến
Theo: Ngôi sao