Hủ tiếu sa tế bò của người Hoa ở Sài Gòn

Sợi hủ tiếu mềm quyện trong nước dùng sa tế sền sệt, các loại rau thơm ăn kèm thịt bò, nạm, bò viên… ấm bụng mùa mưa.

Không ai biết chính xác nguồn gốc của hủ tiếu sa tế tại Sài Gòn. Có người nói món ăn do người Tiều khu Chợ Lớn sáng tạo, cũng có người bảo nó là sự kết hợp ẩm thực của người Hoa và người Chà Và (Java). Tuy nhiên đa phần các tiệm bán món này ở TP HCM là của người Hoa, và được xem là một trong những món đặc trưng nhất của các khu ẩm thực chợ Lớn (khu người Hoa). Ngang qua bất kỳ tiệm hủ tiếu sa tế nào, bạn dễ dàng bị hấp dẫn bởi mùi thơm nồng khó lẫn. Bát hủ tiếu có nước dùng màu vàng đục, sánh sệt quyện cùng hương thơm của nhiều loại gia vị tạo nên vị cay nồng kích thích vị giác, lý tưởng để thưởng thức vào buổi chiều Sài thành ẩm ương.

Hủ tiếu sa tế bò của người Hoa ở Sài Gòn

Hủ tiếu sa tế bò ăn kèm rau, nước chấm.

Theo một người Hoa bán hủ tiếu sa tế trên đường Âu Cơ (quận 11), không dễ để chế biến món này chuẩn vị bởi nó rất công phu, tỉ mỉ. Khác với hủ tiếu bình thường có nước dùng trong, người nấu hủ tiếu sa tế phải biết cách kết hợp nhiều loại gia vị theo công thức riêng để tạo ra vị đậm đà nhưng không quá nồng, cũng không quá nhạt. Vì thế hầu hết tiệm bán hủ tiếu sa tế ngon ở Sài Gòn có tuổi hàng chục năm, gia truyền nhiều đời với chiếc xe cũ kỹ, phía trước treo bảng hiệu gắn chữ “ký” nhận dạng.

Nồi nước dùng sa tế được nêm từ hơn 20 loại gia vị, người này cho biết thêm. Trong đó, gia vị chủ đạo là sa tế được làm từ: ớt tươi, ớt khô xào với dầu ăn và vài loại gia vị khác. Do đó, hủ tiếu sa tế luôn có vị cay. Bạn có thể nhờ đầu bếp gia giảm vị cay theo khẩu vị, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, sa tế phải tự làm, không mua loại đóng sẵn.

Nhằm tạo độ ngọt cho nước dùng, đầu bếp phải hầm xương bò trong nhiều giờ với gừng, hành tây… Các loại gia vị như tỏi, sả, ớt bột, bột quế, mè (vừng), lạc (đậu phộng) rang giã nhuyễn… được xào qua bằng dầu mè, trước khi cho sa tế vào, đảo đều dậy mùi thơm. Nước dùng sa tế nấu xong phải có màu vàng sền sệt trông giống nước bò kho nhưng hơi lộm cộm vì có mè, lạc rang.

Hủ tiếu sa tế bò của người Hoa ở Sài Gòn

Sa tế bò ăn với rau thơm.

Sợi hủ tiếu sa tế rất khác với sợi hủ tiếu gạo. Cọng mềm, mỏng tương tự cọng phở của người miền Nam nên rất nhanh thấm vị. Phần topping cho một tô hủ tiếu sa tế bò thập cẩm gồm: thịt bò tái, nạm hầm mềm rục, thịt bắp bò, bò viên và đậu hũ chiên dồn bò viên. Rau ăn kèm gồm: ngò gai, rau quế, rau cần. Bạn vắt thêm lát chanh, trộn đều rồi thưởng thức, cảm nhận rõ mùi thơm nồng của sa tế, vị bùi béo của đậu phộng và vị cay của ớt. Bên cạnh đó, chén nước chấm pha từ tương đen, tương ớt, sa tế là không thể thiếu.

Hủ tiếu sa tế là một trong những món du khách nên thử nếu muốn khám phá ẩm thực người Hoa tại TP HCM. Để tìm những tiệm bán hủ tiếu đúng vị, bạn đến khu Chợ Lớn, hoặc các con đường như Gò Công (quận 5), Lê Quang Sung (quận 6), Âu Cơ (quận 11). Giá khoảng 65.000 đồng một tô.

Bài và ảnh Vi Yến

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi