Bát bún sứa trộn dậy mùi thơm của mắm nêm, đậu phộng bùi và thịt sứa giòn sần sật nhai vui miệng, được nhiều người yêu thích.
Bún sứa mắm nêm xuất hiện trên thực đơn các quán chuyên bán món Huế tại Đà Nẵng khoảng hơn một năm nay, đã trở thành một trong những món nhiều người ưa chuộng, đặc biệt khi hè đến. Thoạt nhìn, nó trông không khác mấy món bún thịt luộc mắm nêm, bún hến của Huế. Tuy nhiên độ giòn của sứa khiến món ăn trở nên hấp dẫn, lạ miệng, thu hút thực khách.
Bún sứa mắm nêm. Ảnh: Instagram ni_cherry
Dù sứa vốn phổ biến, bún sứa mắm nêm vẫn gây tò mò vì đa phần người ta sử dụng sứa để làm gỏi hoặc nấu các món bún nước…, ít ai ăn kèm mắm nêm. Vài người ngại món này dễ làm đau hoặc lạnh bụng do theo Đông y, thịt sứa có tính hàn, lại ăn với mắm và rau sống. Thế nhưng, không ít thực khách cho rằng chỉ cần làm sạch sứa, chế biến kỹ càng thì bún sứa mắm nêm sẽ “rất cuốn”, ăn là ghiền.
Nguyên liệu chính của món ăn gồm: sứa và mắm nêm. Thịt sứa phải thật tươi thì mới ngon và có độ giòn. Quy trình làm sạch sứa công phu nhằm khử mùi tanh. Người bán phải mổ con sứa ra, loại bỏ hết chất độc, cắt thành miếng nhỏ. Ngâm sứa trong bát nước muối và phèn chua pha loãng để giữ thịt sứa trong, đồng thời không teo tóp. Lặp đi lặp lại công đoạn này khoảng ba lần, mỗi lần thay nước vẫn cho muối và phèn chua vào. Cuối cùng rửa sứa lại bằng nước lạnh, chần sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo.
Nước mắm ăn kèm bún. Ảnh: Instagram ni_cherry
Các quán bún sứa mắm nêm ở Đà Nẵng chuộng dùng mắm nêm Huế, pha theo kiểu mắm trong các món bún, cơm hến – đặc sản đất thần kinh. Mắm pha vừa miệng, đâm nhiều ớt và bên trên phải có lớp đậu phộng dầu điều tạo vị bùi, béo đúng điệu. Rau sống ăn kèm thường có búp chuối, rau muống bào. Khi ăn, thực khách chan nước mắm vừa miệng, trộn đều lên rồi thưởng thức miếng sứa giòn như thạch. Dầu điều giúp món ăn không bị khô, màu đỏ đẹp mắt. Bún sứa mắm nêm giá 25.000 – 35.000 đồng một tô, vừa đủ lót dạ buổi chiều hè.
Diệp Tử
Theo: Ngôi sao