Câu hỏi ‘Canh rau muống nên vắt chanh hay dầm sấu?’ đang được lan truyền, khiến cộng đồng ẩm thực chia thành hai phe.
Vào mùa hè nóng nực, các món ăn có tính thanh mát, vị chua nhẹ dịu được “lên ngôi” vì dễ ăn, không ngấy. Nhưng giữa các sơn hào hải vị, món canh rau muống đạm bạc, ăn cùng cà pháo, kèm một món mặn như thịt rang cháy cạnh hay thịt kho… luôn là combo hoàn hảo nhiều người yêu thích, dễ dàng “đánh bay” cả mâm cơm.
Canh rau muống đạm bạc nhưng có sức hút kỳ lạ, thường được dầm sấu hoặc vắt chanh để tăng hương vị. Hai cách làm này cũng khiến dân tình chia làm hai phe, tạo ra cuộc thảo luận rôm rả trên cộng đồng mê ẩm thực những ngày gần đây. Nước rau muống luộc ít có hương vị, vốn là nước luộc rau, khi vắt thêm chanh hay dầm sấu làm tăng vị chua thanh, dễ uống hơn. Lựa chọn cách chế biến nào là tuỳ thuộc vào khẩu vị mỗi người.
Trên thực tế, nước rau muống có nhiều lợi ích nổi bật hơn hương vị của nó. Rau muống chứa nhiều cellulose, lignin và pectin, trong đó lignin có tác dụng chống viêm còn pectin có thể thúc đẩy quá trình bài tiết, thải độc tố của cơ thể. Loại rau dân dã này còn chứa nhiều vitamin C và carotene giúp tăng cường thể chất. Ngoài ra, rau muống còn được chứng minh có thể giúp phòng ngừa ung thư dạ dày, ngăn ngừa táo bón hiệu quả, giảm đường máu. Còn theo Đông y, rau muống cũng có tính mát, thải độc, kích thích tiêu hoá và nhuận tràng, được xem như một bài thuốc hiệu quả với sức khoẻ, chữa nhiều bệnh đường tiêu hoá.
Canh rau muống dầm sấu là “cực phẩm” mùa hè. Ảnh: Còi
Nếu kết hợp cùng sấu, tính mát của món canh sẽ được tăng cường nhiều hơn bởi sấu cũng có tính hàn (tính lạnh), giúp giải nhiệt cơ thể hiệu quả vào mùa hè. Quả sấu cũng được dùng làm nhiều món nước giải khát mùa hè vì đặc tính này. Sấu được cạo vỏ, sau đó được cho vào nồi nước luộc rau, đun cho tới khi sôi lại thì bắc ra. Sau đó, sấu được dầm, nước chua từ quả hoà vào nước luộc rau, tăng vị chua thanh. Vỏ sấu được cho vào bát nước mắm chấm rau, thêm một vài lát ớt thì “hết xảy”.
Tuy nhiên, sấu là đặc sản của miền Bắc và chỉ có mùa ngắn hạn (khoảng tháng 6 hàng năm). Do đó, fan của món ăn này thường phải mua sẵn, cạo vỏ và cho vào tủ đông hoặc tủ lạnh ngăn đá, có thể trữ được vài tháng, khi nào ăn, thả vào nồi nước đun sôi. Hương vị không khác nhiều so với dầm sấu tươi.
Nhiều người lại thích vắt chanh vì tiện lợi hơn mà mùi vị không kém.
Còn với chanh, cách làm đơn giản hơn, chỉ cần cắt đôi quả chanh, vắt và lọc bỏ hạt. Việc sử dụng chanh còn được coi là cách kiểm tra chất lượng của rau muống. Khi vắt chanh vào nước luộc rau, nước từ màu xanh chuyển thành màu đỏ hoặc vàng nhạt. Đây là hiện tượng chứng tỏ rau muống an toàn. Theo các chuyên gia, trong nước rau muống có chứa Ca(OH)2, chất diệp lục phản ứng như chất chỉ thị màu. Chanh chứa lượng axit hữu cơ yếu là axit citric khá cao nên khi vắt chanh sẽ làm thay đổi độ axit của nước rau.
Điều này khiến cho màu của nước rau muống chuyển từ xanh sang vàng hoặc đỏ, tùy theo nồng độ axit. Nếu nước rau không đổi màu, khả năng cao là rau muống còn tồn dư hoá chất độc hại. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách thử, không phải là hiện tượng mang tính khẳng định.
Hà Nguyên
Theo Ngôi sao