Mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, trị đau xương khớp, chữa suy nhược, chữa đinh nhọt. Món mồng tơi xào tỏi bình dân nhưng được đưa vào thực đơn nhiều nhà hàng.
Nguyên liệu
-
2 bó rau mồng tơi
-
1 củ tỏi
-
Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, ớt (tùy chọn)
-
Mỡ lợn (hoặc dầu ăn)
-
Nước lạnh, đá viên
Cách làm
-
Mồng tơi nhặt lấy phần lá và đọt non, bỏ phần lá già và gốc cứng. Sau đó, rửa sạch mồng tơi, để ráo nước.
-
Tỏi bóc vỏ, chia đôi một phần đập dập, phần còn lại thì băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, thái lát.
-
Đun sôi nồi nước (đủ ngập rau), thêm 1 thìa cà phê muối hạt. Khi nước sôi già, cho rau mồng tơi vào, nhấn chìm xuống. Khi nước sôi trở lại, nhanh tay vớt rau ra ngâm vào âu nước đá lạnh. Việc chần vừa giúp rau khi xào khô ráo, việc ngâm nước đá lạnh giúp hãm nhiệt nên rau xanh giòn. Vớt rau ra, bóp nhẹ cho ráo nước, tãi tơi ra.
-
Phi thơm vàng trước phần tỏi băm, vớt ra để rắc lên thành phẩm cuối tăng thêm phần bắt mắt và dậy mùi thơm. Tiếp tục phi phần tỏi đập dập còn lại, cho mồng tơi vào xào trên lửa lớn. Nêm một thìa cà phê muối, một thìa cà phê nước mắm, 1/2 thìa cà phê hạt nêm (điều chỉnh lại cho vừa miệng). Đảo đều cho mồng tơi thấm vị trong 1,5 – 2 phút. Tắt bếp, múc ra đĩa, rắc tỏi phi vàng ban đầu, ớt, chút hạt tiêu và thưởng thức.
-
Yêu cầu thành phẩm: Đĩa mồng tơi xào tỏi khô ráo, rau mồng tơi xanh giòn, dậy mùi thơm của tỏi kích thích vị giác. Món này ăn chơi hay cùng cơm đều ngon.
Chú ý:
-
Nên chần qua để rau chín sơ và khi xào ít ra nước, việc ngâm nước đá để hãm nhiệt giúp rau xanh giòn hơn.
-
Khi xào chú ý canh nhiệt lớn để giữ màu xanh mướt.
-
Nên chọn rau mồng tơi cọng nhỏ, xanh non sẽ ngon hơn rau mồng tơi lai cọng to.
-
Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn nên những người đang bị tiêu chảy, bụng yếu không nên ăn nhiều.
Theo: VnExpress