Dạo một vòng qua các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những hình ảnh, video… về những chiếc bánh Trung Thu tự làm của các bạn trẻ, với nhiều mẫu mã đẹp mắt. Với công việc này, các bạn được thỏa sức tìm tòi, sáng tạo và đặc biệt, đem lại một khoản thu nhập không nhỏ.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng
Nguyễn Văn Thịnh (Nghệ An) bắt đầu kinh doanh bánh ‘handmade’ từ cuối năm 2018. Văn Thịnh chia sẻ, hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại bánh handmade “trôi nổi”, không đảm bảo chất lượng, nên anh đã tìm hiểu và chọn những nơi sản xuất nguyên liệu bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhân bánh thì khá đa dạng: thập cẩm, đậu xanh, khoai môn, sữa dừa, cốm dừa, trà xanh, đậu đỏ, sầu riêng…
Bánh Trung Thu ‘handmade’ đa dạng màu sắc và mẫu mã. (Ảnh: NVCC)
Lê Nguyễn Thúy Hằng (Bình Phước) cũng đã bắt đầu kinh doanh bánh Trung Thu ‘handmade’ từ khoảng 3 năm nay. Với Thúy Hằng, làm bánh chỉ đơn giản là niềm đam mê và giúp cô có thu nhập ổn định. Hằng luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, nhân bánh lựa loại đậu ngon, mới; nguyên liệu làm bánh cao cấp…
“Mình làm nhân thập cẩm xá xíu, gà quay giăm bông, đậu xanh, khoai môn, dừa, trà xanh… Tuy nhiên, khách của mình ưa chuộng nhất là bánh nhân thập cẩm và đậu xanh”, Thúy Hằng cho biết.
Văn Thịnh đang thực hiện một khâu trong quy trình làm bánh Trung Thu ‘handmade’.
Cũng theo chia sẻ của Văn Thịnh và Thúy Hằng, quá trình làm ra một mẻ bánh khá vất vả và nhiều công đoạn, do làm bằng tay nên chỉ với một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến thất bại. Chẳng hạn như nấu nước đường bánh nướng thì nước đường có thể sử dụng làm bánh tầm một tuần đến 3 tháng, ủ càng lâu thì bánh sẽ lên màu càng đẹp. Về sơ chế, sên các loại nhân nhuyễn tầm khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhân thập cẩm thì sơ chế các loại hạt, làm mỡ đường… mỗi công đoạn có thời gian khác nhau. Và sau đó là làm bánh, nướng bánh, trang trí, đóng gói thành phẩm, mất khoảng 3 – 4 tiếng cho một mẻ nhỏ.
Không ngừng học hỏi, nắm bắt thị trường
Cùng thời điểm này năm ngoái, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, lượng khách giảm mạnh; tuy nhiên năm nay, mọi thứ gần như đã ổn định trở lại, việc vận chuyển và lấy nguyên liệu dễ dàng. Chỉ có khó khăn là giá nguyên liệu tăng cao hơn năm ngoái: trứng muối, bơ, đường, dầu ăn… nên các bạn phải cân đối, điều chỉnh cho hợp lí.
Nhân bánh Trung Thu ‘handmade’ cũng rất đa dạng.
“Tính tới thời điểm hiện tại, đã 5 mùa trăng Trung Thu mình làm bánh ‘handmade’ nên cũng ít nhiều có kinh nghiệm nhưng vẫn phải luôn học hỏi, điều chỉnh sau mỗi lần sai sót: nấu nước đường chưa đạt dẫn đến bánh lên màu không đẹp; trộn không đúng bánh dẫn đến bột bị chai, khi bị khô, khi nhão; có khi sên bánh thì bị tách dầu; nướng bánh quên hẹn giờ; có khi nhiệt độ quá cao, bánh nứt hỏng”, Văn Thịnh tâm sự.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ hiện nay tận dụng các kênh mạng xã hội: Facebook, Instagram, TikTok để “chào bán” sản phẩm. Với Thúy Hằng, để đạt được một lượng khách ổn định và lâu dài, ngoài đảm bảo chất lượng, hương vị bánh thơm ngon, giá cả hợp lý thì cần phải có một chế độ chăm sóc khách hàng chu đáo, tạo được niềm tin với khách hàng sỉ, lẻ; cập nhật và sáng tạo những hương vị bánh mới, hợp xu hướng.
Những chiếc bánh Trung Thu ‘handmade’ hấp dẫn bạn trẻ.
Công đoạn đóng gói sản phẩm bánh Trung Thu ‘handmade’ cũng được các bạn trẻ chăm chút.
So với các thương hiệu bánh Trung Thu nổi tiếng trên thị trường, bánh ‘handmade’ đòi hỏi sự cầu kỳ, mất nhiều thời gian, công sức hơn, nhưng lại đa dạng mẫu mã, không sử dụng chất bảo quản. “Vì bánh ‘handmade’ là loại bánh được làm thủ công nên có thể học hỏi, tiếp thu từ các thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, có thể xây dựng và phát triển trang thiết bị, dụng cụ hiện đại để rút ngắn thời gian, nâng cao quy trình sản xuất tốt hơn”, Văn Thịnh chia sẻ.
Theo: Afamily