Vì sao phải dùng thảo mộc khi nấu phở bò

Ngoài tạo mùi thơm đặc trưng, quế, đinh hương, đại hồi, thảo quả… giúp khử mùi thịt, thêm vị ngọt thanh tự nhiên cho nước phở.

Bên cạnh nước ninh xương bò, lợn, các loại thảo mộc là thứ quan trọng để nấu nồi phở bò đúng vị. Bạn có thể mua viên gia vị nấu phở bán sẵn. Tuy nhiên, muốn chế biến nồi phở ngon, chuẩn thì bạn phải dùng các loại thảo mộc gồm: đại hồi, tiểu hồi, quế, đinh hương, thảo quả và hạt mùi. Mỗi loại mang một mùi hương và công dụng, kết hợp lại tạo nên vị đặc trưng khó lẫn của phở bò – món truyền thống Việt Nam.

Đại hồi (bát giác) khá phổ biến trong ẩm thực châu Á, đồng thời là một vị thuốc Nam có nhiều công dụng chữa bệnh. Khi làm gia vị, nó cho mùi cay rất nhẹ đến mức khó nhận ra, đi kèm hương thơm nồng. Mùi thơm của đại hồi có nguồn gốc từ anethol, tạo cảm giác có vị ngọt dịu như cam thảo khi cho vào nước dùng phở. Tương tự, tiểu hồi cũng chứa anethol tuy không có vị cay, và rõ vị ngọt hơn đại hồi, giúp nước phở ngọt thanh.

Vì sao phải dùng thảo mộc khi nấu phở bò

Gói gia vị nấu phở cơ bản.

Từ lâu, gia vị đinh hương xuất hiện trong nhiều món ăn từ Á tới Âu bởi nó có mùi thơm rất nồng. Đây cũng là lý do đinh hương không thể thiếu trong gói gia vị nấu phở, nhằm tăng mùi thơm của nước dùng. Không chỉ thế, đinh hương còn có tác dụng khử mùi hôi miệng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Cho một chút đinh hương vào nước phở, thực khách sẽ cảm nhận vị the nhẹ nhàng và ấm nồng.

Quế có công dụng chữa các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích tuần hoàn… Do đó, từ xưa nó đã nằm trong “tứ đại danh dược” của Đông y gồm: sâm, nhung, quế, phụ. Quế dùng trong thực phẩm thường được lấy từ vỏ cây quế phơi khô, vị cay và mùi đặc trưng. Quế nấu phở giúp khử mùi tanh của thịt. Vị cay của quế dễ chịu, không làm nước dùng cay thêm mà chỉ thêm thơm nồng, đậm vị.

Thảo quả – gia vị không thể thiếu trong nước phở – cũng cay nồng, đi kèm vị ngọt dịu. Còn hạt mùi (hạt rau mùi sấy khô), lại có hương thơm dễ chịu, thường dùng để khử mùi nên thích hợp thêm vào nhiều món thịt. Nó không chỉ là loại gia vị thông dụng để ướp thịt heo, bò, cừu, gà… mà còn là gia vị nấu cà ri, phá lấu…, giúp loại bỏ mùi khó chịu của nội tạng, cân bằng hương vị.

Diệp Tử

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi