Không chỉ chuẩn bị công phu, mà ngay lúc kho nồi cá này, mùi thơm tỏa ra từ gian bếp lại thấy một năm thật đủ đầy, có cá ngon là bữa cơm ngày Tết cũng đã sung túc biết bao nhiêu.
Tết dạo này cứ thấp thỏm, phần muốn thật đơn giản nhẹ nhàng để mẹ được nghỉ ngơi, không làm nhiều đồ ăn, không nấu nướng, dọn dẹp. Nhưng phần muốn nhà đông vui và có những hương vị đậm đà ngày Tết, mà phải chính tay mẹ làm, không phải thứ đóng sẵn có thể gọi giao hàng ở các sạp quen, hay quán hàng nổi tiếng mới đây.
Bởi hương vị đó, không hẳn là một món ăn cho đã miệng, mà đó là thứ hương thân thuộc được nuôi dưỡng từ ngày thơ bé, khi cái ăn chưa đã, chưa no, lúc nào cũng chực chờ Tết đến.
Ngày ấy, xung quanh ai cũng như ai, lo lắng cái ăn, cái mặc hằng ngày. Những ngày tháng trong năm gia đình chỉ gói ghém sao cho đủ bữa ăn, đủ tiền đóng học đúng hạn và ba mẹ đủ lễ chạp họ hàng, có dư chút tiền nào đều tập trung vào buôn bán, mong cái vốn được nhiều, được chắc để có cái để dành sau này.
Thế nên mùa tháng chạp được xem là những ngày tháng náo nức nhất năm. Những ngày cả gia đình thấy mẹ chuẩn bị đồ ăn Tết, món này món kia thường ngày chẳng thấy bao giờ, phần thì nguyên liệu mắc tiền, phần thì nấu nướng quá công phu, nên thành ra mấy đứa trẻ con nào có được ăn cho thật đã.
Duy chỉ có Tết về, mẹ gói ghém rồi hào phóng mua tất cả, dồn hết vào tháng chạp này, lo chuẩn bị nấu những món ngon. Và giữa những món ngon và đặc biệt cho lễ mừng năm mới, có món cá lóc nướng kho là khiến cho cả nhà tấm tắc, muốn bữa ăn mãi chẳng ngừng.
Món cá kho mà chỉ có những ngày cuối cùng của tháng chạp, mẹ kỳ công làm sạch từng con cá lóc to, cuộn tròn rồi nướng trên than hồng, se da, và ướp thật nồng, thật cay vị quê, vị Tết…
Cá lóc vốn chẳng phải món cao lương mỹ vị gì, nhưng nó ngon, đáng mong chờ vì cái cách mẹ đun nấu, và được dọn lên mâm giữa cái tiết trời se lạnh của những ngày giao thoa năm mới – năm cũ.
Có lúc thì ăn cùng cơm trắng, lúc lại ăn với bánh chưng, vị mặn của cá được nấu nhiều lần, hay cách nói ở quê là hâm đi hâm lại, thấm vào từng thớ thịt, cùng vị của củ gừng, củ nghệ giã thật chắc tay, quyện vào cá.
Nghệ và gừng dùng kho món này là loại củ tươi, được đào lên từ trong vườn nhà, thân củ còn mọng nước và mùi còn tươi nguyên, rửa sạch giã đến khi bùng thớ, nhưng vẫn giữ được từng mảng nguyên để ướp lên từng lớp cá, lớp gia vị, còn có ớt tươi cắt vừa, rải trên mặt ngay trước khi đậy vung kho.
Nồi cá được nấu trên lửa vừa, thêm nước và lại nấu, nấu đến khi thân cá nở tròn và no lớp gia vị bọc quanh, vàng ươm, thơm phức.
Không chỉ chuẩn bị công phu, mà ngay lúc kho nồi cá này, mùi thơm tỏa ra từ gian bếp lại thấy một năm thật đủ đầy, có cá ngon là bữa cơm ngày Tết cũng đã sung túc biết bao nhiêu.
Món cá kho không hề kén người ăn, ngay cả những đứa trẻ con thường ngày không ăn cá cũng chấm đũa mãi không thôi, bởi cái vị gừng, nghệ, vị cá thơm và săn chắc cứ quyện lấy nhau, ngồi vào bữa, mẹ gắp rồi gỡ vài cái xương cạnh bụng là có thể và với cơm trắng ngon lành.
Vị món cá ấy, cứ thế mà theo đến tận mãi khi lớn lên, đậm đà, ấm cúng, bên mâm cơm cùng tình thân trọn vẹn. Ngày tháng của năm cũ qua đi, của năm mới đã tới nhờ vậy lại ngày qua ngày, năm qua năm thêm gắn bó.
Bởi người xưa nói rằng, mâm cơm chính là nơi kết nối tình thân, có gì quý hơn những bữa cơm được ngồi cùng gia đình, cùng ăn, cùng chuyện trò, và mâm cơm ngày Tết như kết lại một năm dù thiếu thốn hay dư dả, thì vẫn còn đây nguyên vẹn gia đình, cùng bên nhau đón chào năm mới, mọi sự lại bắt đầu, thêm nhiều may mắn, và tình thân.
Theo: Afamily