Miếng sủi cảo với đùi vịt tiềm mềm, nước dùng đậm đà, dậy mùi thơm thảo mộc hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng ăn khuya.
Sủi cảo là một trong những món người Hoa rất phổ biến ở Sài Gòn, nhiều biến thể khác nhau. Trong đó, sủi cảo nước tiềm (gọi tắt của món sủi cảo nước vịt tiềm) được thực khách yêu thích nhờ hương vị đậm đà, chất lượng mà giá không quá đắt. Đôi khi, người ta thích gọi thêm đùi vịt tiềm ăn cho đầy đặn. Giá một phần sủi cảo nước tiềm dao động 40.000 – 60.000 đồng. Thêm đùi vịt thì đắt hơn.
Bát sủi cảo đùi vịt tiềm giá gần 100.000 đồng, ở quận 5, TP HCM.
Muốn tìm món này, bạn phải ghé những tiệm chuyên bán vịt tiềm ở quận 5, 6, 11. Miếng sủi cảo to, có vỏ làm thủ công, mềm và không bị dai như vỏ sủi cảo bán sẵn. Phần nhân sủi cảo có tôm và thịt nạc xay. Thịt nạc ướp gia vị vừa miệng, không bị mặn, ở giữa là con tôm tươi lột vỏ. Đầu bếp nhanh tay gói sủi cảo thành từng miếng, sau đó cho vào nồi luộc chín.
Tinh túy của món ăn nằm ở nước tiềm đậm đà, hấp dẫn. Thịt vịt trước khi tiềm phải được rửa sạch bằng rượu trắng và gừng để khử sạch mùi, ướp với nước tương, bột nêm, đường, tiêu… cho thấm gia vị. Mỗi hàng có một kiểu tiềm thịt vịt riêng, nhưng tất cả đều phải chiên thịt vịt cho vàng da. Hầm xương heo lấy nước sẽ giúp nước dùng ngọt hơn. Cho thịt vịt đã chiên vào nồi nước hầm cùng thảo mộc, nấu mềm. Cuối cùng cho nấm đông cô vào nhằm tăng mùi vị, nêm nếm lại là hoàn thành nồi nước dùng.
Sủi cảo chấm nước tương.
Khách gọi sủi cảo nước tiềm thì chủ quán sẽ cho sủi cảo luộc chung với nước tiềm vịt, khi ăn dậy mùi thơm thảo mộc, hấp dẫn. Thực khách có thể gọi thêm thịt vịt tiềm ăn chung nếu thích. Món ăn kèm ít cải thìa luộc chín cho đỡ ngấy. Khi ăn, thực khách chấm sủi cảo với chén nước chấm chua, cay, ngọt gồm: nước tương, sa tế nhà làm, giấm tiều. Nếu không thích nước vịt tiềm đậm mùi, bạn có thể gọi sủi cảo nước trong bình thường.
Nhân sủi cảo.
Bài và ảnh: Vi Yến
Theo: Ngôi sao